Ký ức Hà Nội: Chuyện xúc động ghi trong dòng người viếng một lễ tang đặc biệt

Vũ Thị Thảo (Giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội) Thứ ba, ngày 06/08/2024 09:01 AM (GMT+7)
Hòa mình trong dòng người tiễn đưa Tổng Bí thư, lòng tôi tràn đầy cảm xúc khi khi nghĩ về tinh thần cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, củ sắn chia đôi, nỗi đau xẻ nửa của dân tộc mình – một dân tộc nhỏ bé nhưng gan góc, ngoan cường, giàu lòng yêu thương.
Bình luận 0

Hơn một tuần đã qua, những ký ức về lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tôi vẫn nguyên cảm xúc khi được hòa mình trong dòng người bày tỏ lòng thương tiếc với Tổng Bí thư. 

Hà Nội ngày 26/7/2024 là một ngày hè oi ả. Từ sáng sớm, tia nắng qua những tán lá xà cừ, chói lòa và gay gắt. Công viên trước Nhà tang lễ Quốc Gia số 5 Trần Thánh Tông ngày thường tấp nập cảnh người dân tập thể dục hôm nay trở nên trầm mặc đến nặng lòng.

Những dòng người mặc áo màu đen nối dài như vô tận. Dù ý thức được sự đông đúc và nóng nực, bà con vẫn kiên nhẫn xếp hàng bên ngoài Nhà tang lễ và những con đường lân cận. Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài, nỗi tiếc thương, đau đớn, khắc khoải hằn sâu trong đáy mắt từng người.

Những ngày này cả nước đều đau đớn hướng về Nhà tang lễ Quốc gia, nơi ấy có một trái tim lớn đã ngừng đập, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đáng kính đã từ trần.

Khi nghe tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi và nhiều đồng nghiệp chết lặng, không có từ ngữ nào có thể lột tả hết nỗi đau quá lớn này. Ngoài đường phố, xe cộ không còn đông đúc như ngày thường, nhiều gia đình ngừng việc kinh doanh, dành thời gian đi viếng và tưởng niệm Tổng Bí thư.

Từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ các cửa hàng lớn đến quán trà đá vỉa hè, đâu đâu người dân cũng rưng rưng kể chuyện về Tổng Bí thư, một con người vĩ đại nhưng nhân cách lại quá đỗi giản dị, mẫu mực và khiêm nhường. Tượng đài sừng sững ấy bấy lâu nay đã khắc sâu trong lòng mỗi người dân Việt, nay đem lại niềm tiếc thương vô hạn cho mỗi người dân, đồng chí khi biết Tổng Bí thư đã ra đi. Một Hà Nội sôi động và xô bồ lặng đi trước nỗi mất mát lớn lao của cả dân tộc.

Ký ức Hà Nội: Chuyện xúc động ghi trong dòng người viếng một lễ tang đặc biệt- Ảnh 1.

Tập thể Trường Đại học Dược Hà Nội trang nghiêm trước giờ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Khi tôi và các đồng nghiệp, sinh viên trong Trường Đại học Dược Hà Nội hòa vào dòng người đưa tiễn Tổng Bí thư, lòng tôi lặng đi vì những rung động đầy thổn thức. Giữa trưa mùa hè nắng như đổ lửa, trước cửa trường tôi – Trường Đại học Dược Hà Nội và hai bên vỉa hè những con phố nơi đoàn xe đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua, người dân đã có mặt đông đúc từ rất sớm với không khí trang nghiêm, xúc động.

Không ai bận lòng về những giọt mồ hôi đang rơi, không ai than phiền về cái nắng sau cơn mưa như cháy da cháy thịt này, những đau đớn về tinh thần đã lấn át mệt mỏi về thân thể. 

Tôi nhìn thấy những cụ bà ngồi xe lăn và cụ ông còng lưng chống gậy, chân run rẩy nhưng các cụ vẫn kiên nhẫn ngóng về phía cuối đường, nơi nhà Tang lễ Quốc gia đang tiến hành Lễ truy điệu Tổng Bí thư. 

Các em sinh viên trường tôi cũng thổn thức đứng chờ, dù lát nữa các em bước vào phòng thi nhưng vẫn cố nán lại thêm chút nữa để được đưa tiễn người lãnh đạo kính yêu của dân tộc. Nhiều bạn trẻ mở điện thoại xem lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên truyền hình trực tiếp, chốc chốc lại đưa tay lau vội dòng nước mắt lăn vội.

Trong dòng người đó còn có cả những em bé tí xíu đi cùng bố mẹ mà không khóc nhè, không mè nheo; các bác nông dân, những chị thợ may mặt mũi đỏ gay, quần áo phủ đầy bụi đường; các bác các chị là những người từ các tỉnh thành xa xôi hẻo lánh đi xe máy lên đây để được đưa tiễn Tổng Bí thư.

Các chú công an, các anh bộ đội, các em thanh niên tình nguyện vất vả chuẩn bị cho công tác bảo vệ an ninh, gương mặt mọi người đều nghiêm nghị nhưng không giấu nổi nỗi đau buồn.

Trường Đại học Dược Hà Nội đã chuẩn bị sẵn các thùng nước cho người dân đến tiễn biệt Tổng Bí thư uống để tránh khỏi bị sốc nhiệt, thỉnh thoảng lại có cả những bác cán bộ trong phường mang theo các thùng nước đi phát nước cho từng bà con.

Những thùng nước thiện lành trường tôi, những chai nước chân tình từ các bác trong phường và nhiều chiếc quạt được phát miễn phí cho bà con hai bên đường khiến tôi thấy trong lòng thật ấm áp và cảm động. Nhiều nhà dân hai bên đường còn kéo quạt ra ngoài, bật điều hòa mở cửa lớn với hy vọng giúp bà con vơi đi chút mệt mỏi trước cái nóng khắc nghiệt.

Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào được nuôi dưỡng từ những hành động giản dị mà rưng rưng như vậy, những điều nhỏ bé nhưng lại là hạt mầm của tinh thần đoàn kết, đồng lòng và bao bọc nhau trong khó khăn của dân tộc Việt Nam ta.

Ký ức Hà Nội: Chuyện xúc động ghi trong dòng người viếng một lễ tang đặc biệt- Ảnh 3.

Các thầy cô, các em sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội xúc động hòa vào dòng người tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh nhân vật cung cấp.

Từ trong dòng người đông đúc và đầy xúc động đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi bỗng bồi hồi nghĩ đến những thước phim tư liệu về những cuộc chiến gian khổ của dân tộc. Trận 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thủ đô với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", trận 12 ngày đêm Hà Nội kiên cường đánh B-52, trận Điện Biên Phủ "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn" rồi biết bao trận chiến khác.

Hay khoảnh khắc người dân Thủ đô vui sướng vẫy tay đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô…Tất cả mọi khoảnh khắc đau đớn và khó nhọc, hạnh phúc và vinh quang người dân cả nước đều đồng lòng, gắn kết. Lòng tôi tràn đầy cảm xúc khi khi nghĩ về tinh thần cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, củ sắn chia đôi, nỗi đau xẻ nửa của dân tộc mình – một dân tộc nhỏ bé nhưng gan góc, ngoan cường, giàu lòng yêu thương.

Hôm nay, Hà Nội của chúng ta đã thay da đổi thịt, cả nước đã khoác lên mình diện mạo mới. Đất nước Việt Nam đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Cuộc sống ấm no đã bao phủ cả một dân tộc từng nhọc nhằn bởi chiến tranh, quay quắt trong nạn đói.

Tình quân dân, nghĩa đồng bào dạt dào được tưới tắm trong văn hóa cộng đồng giàu lòng yêu thương và gắn kết, sẻ chia nên càng tha thiết. Ký ức về dòng người đội nắng tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tôi rưng rưng nhớ đến câu thơ trong bài "Hãy nhớ lấy lời tôi" của nhà thơ Tố Hữu:

"Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi bài ca

Có con người từ chân lý sinh ra…"

Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem