Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cuối thập niên 1990, khi chưa có đường cao tốc, đường nhánh từ thị trấn Tứ Kỳ (Hải Dương) qua Vĩnh Bảo (Hải Phòng) cũng chưa có thì những chuyến xe khách từ Thủ đô về cảng biển Hải Phòng chỉ có một tuyến đường chính, đó là quốc lộ 5.
Mấy chục năm trước đường 5 cũ là con đường quốc lộ huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Bố tôi nhấc bổng chiếc xe đạp cà tàng để anh phụ xe kéo nó lên buộc trên nóc xe. Nóc xe chất đầy những thúng giỏ mây tre đan và hũ đựng mắm, trái cây,… từ vùng đồng bằng duyên hải chở lên Hà Nội.
Bố tôi khi ấy chạy chợ và buôn thuốc lào nên hầu như cuối tuần nào tôi cũng được bố cho đi theo phụ việc. Chính vì vậy mà tôi đã quá quen với những chuyến xe khách ám ảnh một thời.
Xe khách đến bến Gia Lâm cũng là lúc hai bố con tôi tiếp tục lang thang trên những cung đường Hà Nội. Công việc chính của tôi là ngồi sau chiếc xe đạp thồ, đôi khi hàng nhiều tôi phải ngồi trên khung phía trước, khi đến các địa điểm giao hàng tôi phải nhảy xuống thật nhanh để xách thuốc lào giao cho khách và thu tiền.
Ngày đó khi đi từ Hải Phòng lên Hà Nội, tôi và bố phải đi ba chặng. Đầu tiên là đi xe đạp ra bến xe Niệm Nghĩa (bến xe này đã bị giải thể), sau đó đi xe khách lên Hải Dương và từ Hải Dương bắt tiếp một chuyến nữa lên Hà Nội.
Thi thoảng nếu bố không phải giao hàng ở Hải Dương, tôi sẽ được ngồi một lèo thẳng lên Hà Nội. Nhưng dù cho có dừng đỗ hay không thì quãng đường Hải Phòng – Hà Nội với tôi vẫn xa tít tắp và gian nan. Đường 5 ngày ấy chưa được mở rộng, hai làn xe rất hẹp, mặt đường gồ ghề và bụi đất khắp nơi.
Làm sao quên được không gian những chiếc xe khách "không kính" luôn ngập trong một mùi hỗn hợp mùi của xăng, của trái cây thối, của cá mắm, của hàng trăm thứ khác… khiến bất cứ ai mắc chứng say xe cũng sẽ chực nôn ói ngay từ khi mới bước chân lên. Trên nóc xe là những chiếc lồng gà, heo, chó kêu rát cả tai. Nhồi nhét là cảnh tượng quen thuộc trên xe, những băng ghế có thể nhồi nhét gấp đôi, thậm chí gấp ba số chỗ ngồi.
Khách đi xe đa phần là dân buôn bán nên họ ăn nói bỗ bã, thô tục nhưng hào hiệp. Họ thương những đứa trẻ nhỏ tuổi như tôi đã phải theo phụ giúp bố mẹ nên thường chủ động nhường chỗ hoặc chịu ngồi chật một chút để tôi được thoải mái. Họ bôi dầu gió và quạt phành phạch. Họ nôn mật xanh mật vàng nhưng vẫn nói chuyện, cãi vã rồi cười hào sảng. Mùi hôi xe, mùi hôi nách và bụi đường lưu cữu trên ghế ngồi rất đặc trưng…
Cứ thế những chuyến hàng vẫn ngược xuôi trên tuyến đường 5 còn cuộc đời phiêu bạt của những kẻ bán buôn liên tỉnh như bố tôi vẫn luôn nhọc nhằn. Chiếc xe chật chội nhưng lại rộng rãi tình thương và lòng bao dung của những người tứ xứ.
Đến nay, đã không còn nữa những chiếc xe khách động cơ ì ạch mỗi khi nổ máy là nhả khói đen xì cả một vùng trời. Cái cảnh phụ xe thò đầu qua cửa phụ hét "rẽ vào, rẽ vào" để bắt khách dọc đường cũng đã xưa rồi. Và con đường 5 cũ chật hẹp, lộn xộn các làn xe chen chúc qua lại chỉ còn trong ký ức của những vị khách cũ gắn bó một thời.
Năm 2025, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105,5 km với sáu làn xe chính thức được đưa vào khai thác với những chuyến xe khách mới, hiện đại, có máy lạnh chạy bon bon trên đường.
Thời gian một chuyến xe khách đi từ Hà Nội về Hải Phòng bây giờ được rút ngắn chỉ còn một tiếng mười lăm phút thay vì nửa ngày như trước. Đường cao tốc đi vào hoạt động cũng là lúc bố tôi "thất nghiệp". Giờ đây, ông không cần cất công lên Hà Nội để giao thuốc lào đến từng cửa hàng nữa mà xe khách sẽ thay ông giao hàng đến tận nơi.
Mạng lưới đường cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc được đầu tư xây dựng hiện đại, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Cùng với tám tuyến cao tốc trọng điểm đã hình thành bao gồm: Hà Nội – Yên Bái, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Hạ Long, Vành đai 3 trên cao, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Láng – Hòa Lạc – Hòa Bình; năm tuyến cao tốc được quy hoạch Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Cạn – Cao Bằng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên, Bắc Nam phía tây và Bắc – Nam phía đông đang tiếp tục được triển khai hứa hẹn sẽ thay đổi cục diện giao thông khu vực phía Bắc.
Sinh ra đúng thời điểm Mỹ tháo bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, tôi may mắn được trải nghiệm cuộc sống của thời kỳ đổi mới đất nước, đồng thời được thừa hưởng những thành tựu trong giai đoạn Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt sau này.
Những năm tháng ngồi sau lưng bố rong ruổi khắp các con đường rộng thênh thang rồi vào sâu trong những con phố nhỏ, ngõ nhỏ ở Hà Nội là miền ký ức tươi đẹp về một Thủ đô cổ kính, hiền hòa. Song Hà Nội còn mang nhịp điệu mới của một thành phố hiện đại, phát triển với những cung đường cao tốc sôi động.
Chính phủ đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm kết nối toàn cầu, các tuyến đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và phía Nam sẽ sớm thông xe. Và giờ đây, mỗi khi nhớ về Hà Nội, người Việt Nam biết rằng có một Hà Nội xưa vẫn luôn còn đó, vẫn đang tồn tại trong từng mái nhà, từng góc phố cùng với một Hà Nội không ngừng đổi mới và phát triển.
Tác phẩm gửi dự thi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt cần ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, quê quán, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cơ cấu giải thưởng của Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ III bao gồm: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.