Ký ức Hà Nội: Chuyến xe buýt nên duyên vợ chồng

Mộc Kiều (Hà Nội) Thứ sáu, ngày 26/05/2023 07:30 AM (GMT+7)
Xe buýt là bạn đường nhưng cũng nhờ xe buýt mà tôi tìm được bạn đời của mình. Gần 4 tiếng trên xe buýt mỗi ngày, tôi có cơ hội làm quen và giúp đỡ nhiều hành khách như nhường ghế, giúp người già trên xe.
Bình luận 0

Những ngày thơ bé, thấy bà nội hay đi "công to việc lớn" trên Hà Nội, thằng bé Hà Tây như tôi ước được víu áo bà đi theo lắm. Hà Nội ngày đó là cái gì đó xa xôi, sang lắm nhưng thấy bà vẫn đi lại tì tì hằng ngày bằng một loại xe mà bà bảo là xe buýt, mất có 3 nghìn đồng thôi, đi từ bến xe Thường Tín đến ga hàng Cỏ.

Đến khi học phổ thông, bạn bè nhao nhao đi học thêm "lò luyện thi" trước kì thi đại học, còn tôi thì cứ ngơ ngác chẳng biết Hà Nội đi về hướng nào. Thậm chí, tôi còn mang tiếng thi khối C có môn địa lý.

Lần đầu tiên tôi đi xe buýt có lẽ là lần đi làm thủ tục thi đại học năm 2010. Bà tôi dặn kỹ lắm, nào là "cháu phải đứng đúng điểm xe buýt", "xe đỗ là phải lao lên luôn kẻo họ đi mất", "lên xe phải giữ chặt tiền, nhiều móc túi lắm", "đi đến đâu, xe nào phải hỏi phụ xe, không lạc mất thằng cháu của tôi"…

Ký ức Hà Nội: Chuyến xe buýt nên duyên vợ chồng - Ảnh 1.

Vợ tôi hằng ngày vẫn đi làm bằng phương tiện xe buýt. Ảnh tác giả cung cấp.

Nhớ lời bà, tôi thực hiện y chang. Chao ôi! Ngày đó, xe buýt 06 đông như xe ép thịt, nóng như lò bát quái nhưng quan trọng nhất là xe đang đi Hà Nội, nơi mà tôi chưa thể hình dung đẹp như thế nào. Thế mà, đi có chừng 20 phút, nhìn biển hàng quán bên đường tôi đã thấy địa phận quận Hoàng Mai rồi. Xe buýt thật vi diệu. Chỉ 3 nghìn đồng thôi mà tôi đã đặt chân đến Thủ đô ngàn năm văn hiến, điều đó là sự thật chứ không phải nằm mơ.

Những ngày tháng sinh viên, xe buýt như là nơi họp lớp phổ thông của chúng tôi, bởi quê tôi chỉ cách nội thành 20km, sinh viên thường lựa chọn giải pháp sáng đi tối về mà không phải ở trọ. Xa một chút nhưng được về nhà. Nhưng đa phần đều mặc định xe buýt chỉ dành cho sinh viên và người có thu nhập thấp. Hễ ra trường, đi làm có tiền, các bạn liền tậu ngay xe máy đi cho nhanh mà bỏ rơi xe buýt từng gắn bó suốt tuổi thanh xuân. 

Tôi thì ngược lại, yêu xe buýt đến "cuồng si" kể cả khi đã dư dả tiền mua xe máy, rồi bạn bè phong là "vua thời gian" mới đi xe buýt, tôi vẫn kệ, vẫn chung thủy, vì đã là tình yêu thì sao mà giải thích được. Tình yêu với xe buýt cứ lớn mỗi ngày khi chất lượng xe buýt được cải thiện rõ rệt như sự đáp lại tình cảm mà những khách hàng trung thành như tôi trao gửi.

Nào là số lượng xe tăng lên khiến xe không còn quá tải như trước hay xe được trang bị điều hoà mát mẻ, rồi tác phong phục vụ thân thiện của bác tài và anh phụ xe, nạn móc túi hết cửa làm ăn khi xe buýt gắn camera an ninh… 

Cứ mỗi ngày về nhà trên chuyến xe an toàn, bà tôi lại hỏi nay đi xe buýt gặp mấy bà bạn của bà đi chơi, đi chợ không, xe này giờ còn qua chỗ nọ không cháu? Bà cháu tôi cứ nói chuyện tay ba với xe buýt như thế mà chẳng biết chán, cho dù bạn đồng trang lứa của tôi vẫn thường "sĩ diện" vì sở hữu một chiếc xe máy sịn sò.

Ký ức Hà Nội: Chuyến xe buýt nên duyên vợ chồng - Ảnh 3.

Chiếc vé tháng thứ 3 của tôi đã dán dầy tem tháng. Ảnh tác giả cung cấp.

Giờ, nhìn vào vé tháng xe buýt dầy cộp tem tháng, tôi nhớ đã thay đến 3 chiếc vé như thế, thâm niên cũng 13 năm đồng hành cùng xe buýt Hà Nội rồi chứ đâu có ít!

Xe buýt là bạn đường nhưng cũng nhờ xe buýt mà tôi tìm được bạn đời của mình. Gần 4 tiếng trên xe buýt mỗi ngày, tôi có cơ hội làm quen và giúp đỡ nhiều hành khách như nhường ghế, giúp người già vào chỗ ngồi... Tôi thể không nhớ được mình đã quen bao nhiêu bạn xe buýt nữa, chỉ nhớ rằng trong đó có vợ tôi bây giờ.

Hôm đó, cô nàng lên xe buýt ở điểm quen thuộc nhưng với cặp kính màu đen to đùng do bị đau mắt. Tôi lên xe trước và đang an tọa, cô nàng đứng tựa gần đó, tôi liền "ga lăng" nhường ghế cho cô gái mà chẳng thủ thỉ lời nào, vì chỉ nghĩ đó là phép lịch sự trên xe buýt. 

Hôm sau, bối cảnh lại photocopy của hôm trước nhưng tôi đã liều làm quen, hỏi han và xin số điện thoại, Facebook của nàng. Từ hôm đó đến khi chúng tôi lấy nhau, đi chơi hay đi làm chúng tôi đều đi xe buýt, chẳng hề tốn xu nào tiền xăng mà an toàn. Có thể nói xe buýt chính là "ông mai, bà mối" đã se duyên cho chúng tôi nên vợ nên chồng.

Vì yêu xe buýt nên tôi luôn muốn đóng góp ý kiến để xe buýt thêm nhiều "người yêu" hơn, chứ không chỉ chiếm khoảng 18,5% vận tải hành khách tại Hà Nội. Nhưng tình yêu nào cũng xuất phát từ hai phía, tôi tin rằng, mọi người dân Thủ đô chỉ cần "mở lòng" hơn chút, nhìn nhận xe buýt là phương tiện văn minh, phổ thông và đi xe buýt góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế tắc đường và ô nhiễm môi trường thì xe buýt sẽ sớm trở thành phương tiện vận tải chủ lực trong tương lai không xa.

Ký ức Hà Nội: Chuyến xe buýt nên duyên vợ chồng - Ảnh 4.

Hai vợ chồng tác giả quen nhau trên chuyến xe buýt 06 và sau 5 tháng đã kết hôn. Ảnh tác giả cung cấp.

Những năm gần đây, các tuyến tàu điện trên cao đi vào hoạt động đã định hình rõ hơn vai trò của vận tải hành khách công cộng. Hà Nội nên nghiên cứu mở rộng hơn nữa mạng lưới xe buýt mini để kết nối từ các con đường ngõ nhỏ tới xe buýt, tàu điện trên cao. 

Tôi cũng mong rằng, thành phố quan tâm hơn nữa đến đời sống của bác tài, anh phụ xe, người dân thấu hiểu và đồng cảm, chia sẻ với họ về cái nghề không ít áp lực này. Để động viên người lao động đi xe buýt, các cơ quan công sở, doanh nghiệp nên có quỹ hỗ trợ nhân viên vé tháng xe buýt hằng tháng, coi đây như một hoạt động phúc lợi, chăm lo đến đời sống người lao động và hành động thiết thực bảo vệ môi trường.

Hiện tại và trong tương lai vợ chồng tôi vẫn sẽ đi xe buýt và sẽ đưa con gái đi chơi khắp Hà Nội yêu dấu bằng phương tiện thắp lửa tình yêu này.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem