Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Khi tôi còn nhỏ, nhà tôi nằm trên đường Điện Biên Phủ, ban ngày phố phường đông đúc, dĩ nhiên không thể so với bây giờ, nhưng ban đêm lại vô cùng tĩnh lặng. Trong đêm, những âm thanh trở nên rõ ràng và thấm đượm vô cùng.
Đó là tiếng chổi tre "những đêm đông khi cơn giông vừa tắt", những đêm hè thanh vắng. Nhà tôi nằm nơi giao nhau giữa đường Trần Phú và đường Điện Biên Phủ, suốt dọc hai con đường này, xuyên cả sang Hoàng Diệu là hàng sấu cổ thụ. Không biết cây được trồng tự thuở nào mà từ khi tôi biết nhận thức đã thấy chúng cao to và rợp bóng mát. Hoa sấu trắng sữa, nhỏ li ti, hương nhàn nhạt thoảng vị chua. Đến mùa, hoa rụng trắng gốc, đám trẻ con nhặt bỏ vào miệng nhai chơi.
Sấu đổ lá rất nhiều vào tầm cuối tháng Tư. Khoảng thời gian đó, tiếng chổi tre dường như dồn dập hơn, kéo dài từ đường Điện Biên Phủ phía gần đường ngang tàu hỏa, vòng qua khu nhà tôi rồi quẹo sang đường Trần Phú, mạn Lý Nam Đế. Có những đêm mưa rét, ôm tôi trong chăn, nghe tiếng chổi xao xác ngoài đường, mẹ chép miệng: "Tội nghiệp! Thời tiết này vẫn phải đi làm".
Cuối mỗi ngày, mẹ thường mang chổi ra quét lá sấu trên vỉa hè trước nhà, vun sẵn thành một đống. "Cho các cô ấy đỡ việc, con ạ." Khi đó, tôi mới chừng 5, 6 tuổi, cũng bắt chước mẹ lấy cái chổi rơm ra nhưng chỉ quẹt quẹt được mấy nhát là chán, vứt chổi một bên chạy nhào vào đám lá nghịch, bị mẹ tét đít khóc ầm lên.
Đó là tiếng của tàu hỏa mỗi khi sắp vào ga. Từ nhà tôi ra ga Hàng Cỏ chỉ tầm 700 mét. Đối với tôi hồi bé, đó là một khoảng cách rất xa, nhưng đủ gần để tôi nghe rõ tiếng chuông báo tàu về hằng đêm, leng keng, lảnh lót.
Gần phố Ẩm thực Tống Duy Tân bây giờ có một đoạn đường tàu, nhưng nhiều bữa, tôi đòi ông nội dắt ra canh tàu chạy qua. Mỗi lần tàu sắp đến, mấy cô chú gác đường ngang lại đặt đèn báo hiệu, kéo chuông và hạ barrier xuống.
Thế nào cũng có vài người cố gắng lách quá, ráng đi nốt trước khi tàu tới nhưng phần lớn sẽ dừng lại hai bên thanh chắn, kiên nhẫn chờ đợi. Từ xa, tôi đã nghe thấy tiếng xịch xịch tu tu, bọn trẻ con chúng tôi lúc chơi đùa với nhau thường bắt chước, đứa sau nắm vạt áo đứa trước, chạy túc túc, miệng kêu tu tu xình xịch, tu tu xình xịch.
Sao tôi mê tiếng rầm rập của bánh xe lửa nghiến trên các thanh tà vẹt đến thế? Ngay đến tận bây giờ, âm thanh nhịp nhàng kịch kịch, kịch kịch ấy vẫn vang vọng trong ký ức tôi. Có những đêm mệt rã rời vì cả ngày làm việc, trằn trọc không sao ngủ được, tôi lại mường tượng tiếng tàu xịch xịch đó, rất nhỏ thôi, đều đặn, dẫn tôi vào giấc chiêm bao như một đoạn nhạc thiền.
Đó là tiếng rao đêm của người bán bánh mì rong. "Ai bánh mì nóng ơi! Bánh mì nóng giòn nào!". Thời đói ăn ấy, cao lương mĩ vị đối với tôi chính là bánh mì nóng chấm sữa Ông Thọ. Một năm chắc chỉ được ăn vài lần khi trong nhà có người ốm, vì chỉ khi ốm, mới có cân đường hộp sữa người ta biếu thôi.
Tiếng rao của người bán bánh cứ văng vẳng trong đêm, như mang theo hơi bánh nóng sực luồn qua cửa, vào tận trong nhà. Tôi cứ dỏng tai lên nghe xem bánh mì đang ở đoạn nào trên phố, chờ mong chú bán bánh đến thật gần, thật gần rồi tiếc nuối tiếng rao ngày một xa dần rồi mất hút trong đêm khuya tĩnh mịch.
Hiếm hoi lắm mới có vài lần ông nội "được" mẹ phá lệ đồng ý mua bánh cho tôi. Tôi sẽ cầm tờ 500 đồng ông cho chạy nhào ra đường, gọi to: "Bánh mì ơi!" Chú bán bánh đã đi quá cổng nhà sẽ dừng xe đạp ngay, đáp: "Ơi" rồi vội vàng quành lại. Bánh mì ủ trong tầng tầng lớp lớp vải thô đặt trong cái giỏ lớn đằng sau xe tỏa mùi thơm phức. Tôi ấn vỏ bánh, nó kêu "rộp" một tiếng giòn tan vui tai giữa đêm mùa đông buốt giá.
Đó là tiếng hoàng lan rụng trong vườn khuya của số nhà 24. Mãi về sau tôi mới biết hàng xóm của mình là nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Huy Cận. Hồi bé, tôi chỉ biết mình vô cùng yêu thích cây hoàng lan bên đó.
Gốc cây lớn luôn khuất sau hàng rào tigon hồng, chỉ những cành to vươn lên cao mới nhìn thấy được. Hương hoàng lan dịu mát, thanh tao theo gió sang mấy nhà lân cận. Dĩ nhiên, tiếng hoa rơi chỉ nằm trong trí tưởng tượng của tôi thôi. Thật ra, đó là tiếng quả của cây đa khổng lồ bên cạnh nhà, rơi lộp bộp trên mái, dịu dàng, ru quên mà tôi cứ luôn nghĩ đó là hoàng lan rớt xuống.
Biết bao năm tháng đã trôi qua, nơi ở cũ giờ đã không còn. Thi thoảng đi ngang qua đường Điện Biên Phủ, tôi lại chạnh nhớ tới "những người muôn năm cũ", ngẩn ngơ nhìn tán lá đa - thứ duy nhất của quá vãng vẫn còn sừng sững. Hà Nội giờ quá đông đúc và ồn ào, cả đêm lẫn ngày, tôi chỉ có thể lắng nghe tiếng đêm - những thanh âm ngày cũ trong hồi ức mà thôi.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.