Đinh Thành Trung (Hà Nội)
Chủ nhật, ngày 07/05/2023 10:40 AM (GMT+7)
Hoa thiên lý, món không thường thấy trên mâm cơm gia đình nhưng lại dân dã và đặc biệt vô cùng, vì nó cũng có thể xuất hiện trên bàn tiệc sang trọng...
Lúc nào gặp nhau, tôi lại được đãi món hoa lý xào. Lúc thì với thịt bò, lúc thì thịt heo. Lúc lại chỉ là hoa lý luộc không mà sao ngon đến thế. Hà Nội đặc biệt cũng vì những món ăn rất đỗi thân thương như thế. Hồi còn lang thang Đông Anh, Sóc Sơn, tôi hay được bạn bè mời ăn mà trong bữa có hoa thiên lý.
Người ta bảo, đi đâu xa rồi nhớ bằng cái dạ dày. Thực ra là nhớ về tình cảm hơn. Thứ tình cảm dịu nhẹ và thơ ngây cứ như vết gợn buộc con người phải dừng lại suy nghĩ. Cứ thế, cứ thế và thời gian cứ chầm chậm trôi qua, sau mấy chục năm nhớ gì không nhớ lại đi mong một đĩa hoa thiên lý. Nhớ hồi chục năm về trước, đột nhiên ở các chợ truyền thống rộ lên bán hoa thiên lý để làm món ăn.
Mẹ thường đến chợ Châu Long để mua hoa thiên lý tươi ngon nhất về làm món xào, món luộc. Không hiểu sao một thứ hoa bình dị, không ai nghĩ có thể ăn được mà nấu ra ngon đến vậy. Cứ tưởng thiên lý chỉ là món ăn ngày trước thôi, ai ngờ gần đây đến bạn ở Đông Anh chơi lại được đãi món thiên lý xào tỏi. Bạn bảo món này bình dân nhưng lại ít thấy cũng bởi nguồn cung đâu có nhiều.
Mong ước của con người nhiều khi cũng chỉ đơn giản thế thôi trong thời đại ai cũng phải lao vào dòng đời kiếm sống. Khi xa cách quê hương thì một thứ đơn giản lại kích hoạt cảm xúc nhiều hơn ta có thể nghĩ. Và thế là bay nửa vòng trái đất chỉ để thưởng thức món ăn giản đơn ấy.
Hoa lý, món không thường thấy trên mâm cơm gia đình nhưng lại dân dã và đặc biệt vô cùng, vì nó cũng có thể xuất hiện trên bàn tiệc sang trọng. Hồi đó bám càng mẹ cha đi ăn cỗ, nhìn thấy đĩa hoa lý xào là ngay lập tức thằng bé là tôi dán mắt vào thèm thuồng háo hức. Nhìn sang bên, mọi người cũng ngạc nhiên vì món hoa lý bình dân lại có thể chen chân vào bàn tiệc. Đó luôn là món hết đầu tiên, bởi dễ ăn và có hương vị thanh mát.
Hồi còn học sinh, tôi đắm chìm trong biển trời kiến thức của lò luyện thi vào đại học. Cả ngày ôn luyện đến mệt mỏi, bữa trưa cũng phải ăn ở quán cơm bụi. Tôi thường đến ăn cơm ở đường Quán Thánh, quán ăn đặc biệt vì ở đó có hoa lý. Bà chủ quán đã ngoài bảy mươi, động tác không còn nhanh nhẹn nhưng bà dồn cả tâm huyết của mình vào từng món ăn.
Đi làm, trở thành người trưởng thành, ký ức về những món ăn ngon thuở bé cũng dần phai nhạt, nhưng riêng hoa lý thì tôi lại nhớ rất rõ. Hồi ở nhà cũ bên rìa thành phố, có lần đi ngang qua tiệm bánh thấy dàn hoa lý với những thân vươn dài, tôi chăm chú nhìn, đếm từng sợi dây.
Rồi bỗng từ trong ló ra đôi mất thơ ngây còn chút ánh lệ của buổi bình minh. Tự nhiên hoa lý trở thành chủ đề của câu chuyện của hai con người xa lạ. "Hoa thiên lý phải không anh?" - Chỉ thế thôi cũng đủ để có thêm người đặc biệt trong đời. Cũng có thể mối quan hệ chỉ là lướt qua bước đường của nhau nhưng vẫn để lại chút vương vấn của những ngày rỗi rãi trầm tư suy nghĩ.
Hoa lý của Hà Nội, giờ ít thấy trong các bữa ăn nhưng nếu bạn chịu khó ra các chợ truyền thống, nhất là chợ ven đô thì vẫn có thể tìm được một hai gánh rau có bán. Xanh mướt điểm vàng, những nụ hoa lý còn chưa nở mới có thể trở thành món ăn ngon miệng. Nó cũng là một trong số ít loại hoa có thể dễ dàng chế biến thành món ăn. Hà Nội phố! Hà Nội sang hè rồi mà vẫn còn nhớ như in món hoa thiên lý tuyệt vời.
Chế biến hoa thiên lý rất đơn giản. Chọn những bông hoa ngon nhất, rửa sạch và cho vào luộc hoặc xào là xong. Nhưng đó cũng là cách ăn đúng nhất và cũng chỉ có đúng như thế mà thôi. Nhâm nhi từng bông hoa lý, ta thấy vị ngọt thanh và có chút đắng, đó chính là hoa lý tươi rói mới được hái sáng nay.
Đi xa Thủ đô lại thấy nhớ. Tất nhiên là nhớ hết các món quen thuộc như bún chả, bánh cốm hay xôi. Và nhớ cả hoa lý bình dị. Các thứ khác thì có thể tìm được nơi xứ người, chứ riêng hoa lý thì rất khó. Và thế là cứ mỗi khi về Hà Nôi, nhất định tôi phải có được một bữa ăn có hoa lý để nhớ lại kỷ niệm một thời đã qua.
Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.
Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.