Ký ức Hà Nội: Nghĩa cử cao đẹp trong đợt "giải cứu" nông sản

Cao Thị Nga Thứ bảy, ngày 30/07/2022 11:20 AM (GMT+7)
Cụm từ "giải cứu nông sản" không còn mấy xa lạ với người dân Hà Nội, nhất là từ khi có đại dịch Covid-19 xuất hiện. Khi thì su hào, bắp cải ở Hải Dương, lúc là vải thiều Bắc Giang, rồi thì hoa, ổi, cam, dưa hấu...
Bình luận 0

"Thanh long ruột đỏ mười ngàn một ký, dưa hấu tám ngàn... giải cứu nông sản giúp đỡ cho bà con miền nam nào! "

Đó vẫn là những tiếng loa rao quen thuộc trên rất nhiều cung đường, vỉa hè hay khu đất trống ở Hà Nội. Âm thanh từ đó phát ra nghe đầy tạp âm mà sao bỗng thấy rưng rưng kỳ lạ. Cái rưng rưng xen lẫn xót xa nó gói trọn trong hai tiếng "giải cứu".

Cụm từ "giải cứu nông sản" không còn mấy xa lạ với người dân Hà Nội, nhất là từ khi có đại dịch covid-19 xuất hiện. Khi thì su hào, bắp cải ở Hải Dương, lúc là vải thiều Bắc Giang, rồi thì hoa, ổi, cam, dưa hấu... và đặc biệt là giải cứu những xe hàng đã bị ách tắc nhiều ngày ở biên giới Việt-Trung quay đầu về bán tháo mong thu hồi lại chút vốn liếng.

Ký ức Hà Nội: Nghĩa cử cao đẹp trong đợt "giải cứu" nông sản - Ảnh 1.

Quầy thanh long bày bán trên đường gần lối dẫn xuống gầm cầm chui sông Nhuệ. Ảnh: Cao Thị Nga

Tôi dừng lại ở một sạp hoa quả gần lối dẫn xuống gầm cầu chui sông Nhuệ, xung quanh cũng có vài ba người đang đứng lựa thanh long. Tay họ nâng lên đặt xuống, lưỡng lự một hồi rồi mỗi người cũng mua được vài ba kg. Chắc có lẽ họ cũng giống như tôi, mua với tâm lý ủng hộ là chính chứ không nghĩ những thứ hoa quả thâm héo như thế kia vẫn còn có thể ăn được. Nhưng đôi khi trông mặt chưa chắc đã bắt được hình dong, mấy quả thanh long xấu xí đó hoá ra vẫn rất thơm ngon, vỏ héo nhưng ruột tươi, giòn và ngọt.

Chắc chẳng cần phải nói thì ai cũng đã nghe, đã biết qua các kênh thông tin đại chúng về tình hình những xe hàng hoá của chúng ta không thể thông quan sang Trung Quốc ở một vài thời điểm trong đợt dịch Covid-19. Điều khiến tôi quan tâm và xót xa đến nghẹn lòng chính là hình ảnh nhiều lái xe bỗng dưng bị đẩy vào thế kẹt: không thể đi tiếp mà cũng rất khó quay về. 

Nhiều con người đó bỗng dưng như những kẻ vô gia cư ăn ở tạm bợ nơi rừng rú trong cảnh màn trời, chiếu đất không có chỗ tắm giặt, vệ sinh. Đã thế còn chịu cảnh bị bắt chẹt khi mua đồ ăn, nước uống. Chắc có lẽ họ thèm lắm một ngày được trở về, được trút bỏ bộ quần áo nhuốm bụi đường, xả mình dưới vòi nước ấm hay cùng ăn bữa cơm đoàn viên với gia đình. 

Điều mong ước bình dị đó tưởng chừng như thật giản đơn mà lại khó khăn vô cùng. Bởi đằng sau họ có thể là một người chủ đang đứng trước nguy cơ bị phá sản vẫn nuôi hy vọng mong manh rằng xe hàng của mình sẽ "thoát". Có thể là mơ ước của chính họ về một chuyến đi thông đồng bén giọt để có thêm thu nhập gửi về cho vợ con cha mẹ đang chờ đợi ở nhà.

Thời điểm giáp Tết ở Hà Nội giá hoa quả thường tăng khá cao vì nhu cầu đi lễ lạt và làm quà biếu. Vậy mà những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, do hàng từ cửa khẩu quay đầu nhiều mà hoa quả trở nên rẻ như cho. Rẻ thì cũng tốt, khi mua sẽ thoải mái hơn, đáng lẽ những người tiêu dùng như tôi phải thấy vui mới đúng. Nhưng không, mỗi lần đi qua chỗ có tiếng loa kêu gọi "giải cứu nông sản" là lòng lại thấy trĩu nặng giống như mình có lỗi nếu làm ngơ.

Thấy thương người nông dân một nắng hai sương vất vả mà không gặt hái được mùa vàng, thương những chủ hàng có khi dốc hết cả vốn liếng ra rồi đổ sông đổ biển hết, thương những người lái xe đã cố "bám biên" nhưng cuối cùng vẫn phải quay đầu... 

Ký ức Hà Nội: Nghĩa cử cao đẹp trong đợt "giải cứu" nông sản - Ảnh 3.

Người dân Bình Thuận thu hoạch thanh long khi vào vụ. Ảnh: Việt Khanh.

Thương thì thương vậy thôi, nhưng với khả năng tài chính của mình, tôi cũng chỉ có thể mua mỗi ngày một chút gọi là chia sẻ. Nhưng nhìn quanh mình, tôi nhận ra không chỉ riêng tôi mà còn có rất nhiều những tấm lòng như thế. Tôi đã thấy những bà nội trợ sẵn sàng mua những thùng thanh long héo, những quả mít giống Thái đã thâm dập vài ba chỗ mà không hề cò kè mặc cả hay chê bai như văn hoá thường ngày của họ. Những con người bình dị trong những việc làm bình dị nhưng lấp lánh những tia sáng nhân văn. Vạn tấm lòng góp lại rất có thể sẽ làm nên kỳ tích. 

"Cãi nhau khi chia gạo nhưng lại mời nhau lúc ăn cơm". Có thể câu thành ngữ đó đặt trong hoàn cảnh này không chính xác lắm nhưng nên hiểu đơn giản thế này: người ta có thể sống bon chen để giành giật từng miếng cơm manh áo nhưng vẫn sẵn lòng sẻ chia mỗi khi cần chia sẻ.

Hà Nội tuy chưa từng là nơi phải gánh chịu những đau thương nhất của dịch bệnh nhưng là thị trường "gánh" thành công rất nhiều vụ giải cứu. Và có lẽ đó cũng là một điều nho nhỏ đáng để tự hào trong những tháng ngày cả đất nước gặp khó khăn.

Bài viết Nghĩa cử cao đẹp trong đợt "giải cứu" nông sản dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem