Người ta thường nói, Hà Nội đẹp nhất vào mùa thu, khi những cây hoa sữa mới bắt đầu trổ bông, tỏa hương thơm ngào ngạt, khi cái lạnh chỉ mới chớm, chạm nhẹ vào vạn vật xung quanh. Còn mùa đông Hà Nội thật đặc sắc.
Từng con phố trải dài với hai hàng cây bên đường trơ trụi lá, thân gầy guộc, nghiêng nghiêng hứng gió đông.
Những cơn gió lạnh rít qua khe cửa, tay lạnh cóng run run. Lúc đó dừng chân xuống vỉa hè với với bát chè xanh nóng hổi và thơm ngất, nhấp từng ngụm cảm nhận hơi ấm đang tràn về, hay mùi thơm của bát phở nóng bốc lên cho ta cảm nhận hương vị đặc sắc của món ăn Hà Nội. Một trong những món ăn làm nên nét tinh túy của ẩm thực Hà Nội đó là phở.
Đối với sinh viên như chúng tôi thì phở là món ăn tuyệt vời và là "mặt hàng xa xỉ" vì giá đắt so với túi tiền sinh viên.
Thỉnh thoảng chúng tôi mới thưởng thức để thỏa cơn thèm. Thời đó chúng tôi không vào những quán phở nổi tiếng có thương hiệu mà chỉ ăn ở những quán vỉa hè.
Do là phở vỉa hè nên họ chỉ bán hết nồi nước dùng một lần thôi, 5 giờ sáng bán chỉ đến 9 giờ sáng là hết hàng. Hàng ngày, bên những quán ven đường, người bán hàng bỏ vài cái ghế nhựa, dăm cái bàn con kê sát bên cạnh con ngõ nhỏ.
Khi khách vào ngồi trên một cái ghế nhựa (loại siêu bé) và lấy thêm một cái nữa để nước hoặc bát phở nếu quá nóng không cầm nổi ở tay.
Sau đó khách một tay bưng bát, một tay dùng đũa và khi muốn uống nước thì dùng miệng húp sột soạt trông thật ngon lành.
Mặc dù phải ngồi chen chúc, song cái được của quán là mức giá bình dân, phù hợp với người lao động nghèo, học sinh, sinh viên. Phở Hà Nội có hương vị rất đặc trưng. Nước phở trong, ngọt và có hương vị đậm đà, càng về cuối nước phở càng đậm đà hơn.
Thịt bò thái mỏng, mềm mịn và dậy mùi thơm nêm chút hành ngò, tương ớt, chanh đã tạo nên tô phở hấp dẫn không chỉ với người Hà Nội mà còn với thực khách gần xa tìm đến.
Vị phở ngon ngọt, thơm nức mê mẩn khách ngay từ lần ăn đầu làm chúng tôi không thể nào quên món phở Hà Nội, ăn như thể "ngậm mà nghe".
Quán phở ấy chẳng có tên, cũng chẳng do một nghệ nhân ẩm thực nào chế biến, chủ hàng chỉ là một phụ nữ vì mưu sinh mà bán. Ấy thế mà, sáng sáng rất đông người đến ngồi xì xụp một bát phở bò tái chín lót dạ trước khi vội vàng đến công sở hay đi học.
Ngồi bên quán phở vỉa hè ấy đã đem đến cho tôi một sự đồng cảm sâu sắc về thân phận những con người lầm lũi trong cuộc sống mưu sinh. Người bán phở vất vả cả ngày để kiếm được trăm nghìn đồng lãi mà họ phải nhọc nhằn thức khuya dậy sớm.
Ngày xưa, khi biết chúng tôi là sinh viên, cô bán phở rất thương chúng tôi múc nhiều hơn so với người khác. Rồi tất cả lần lượt trôi về miền quá khứ. Cô bán phở vỉa hè xa xưa đó tôi chẳng còn nhớ tên, cô có còn không hay đã thuộc về dĩ vãng ?
Một ngày bước chân trên đường phố Hà Nội, dáng ai bán phở vỉa hè giữa mùa mùa đông Hà Nội làm tôi chạnh lòng nhớ về quán phở vỉa hè năm nào và thúc giục tôi tìm lại hương vị món ăn tinh túy này.
Ăn phở vỉa hè đã trở thành một điều quen thuộc với người Hà Nội bao đời nay và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của đất Hà thành.
Món phở Hà Nội là vậy đó, hương vị trứ danh của phở Hà Nội đã đi vào lịch sử của bao lớp người thưởng thức như tôi cùng bè bạn.
Trong sự giản dị từ những nguyên liệu bình dân, dễ kiếm trộn lẫn những tinh tế và tỉ mỉ khéo léo của cách chế biến, đã hình thành một món ăn chứa đựng những nét tinh túy của ẩm thực Hà Nội đủ sức chinh phục bất cứ thực khách nào.
Vẹn nguyên nét ẩm thực tinh tế đó còn là ẩn chứa chiều sâu văn hóa lịch sử của người dân đất Thăng Long hào hoa, thanh lịch xưa.
Phở đã trở thành một phần cốt cách con người Hà Nội, tâm hồn Hà Nội, dù họ có đi đâu và sống nơi nào thì khi nhớ tới Hà Nội điều đầu tiên người ta nhớ tới phở.
Nhà văn Thạch Lam đã viết trong cuốn Hà Nội băm sáu phố phường (1943), tập tùy bút về những cái đặc sắc của đất kinh ký thanh lịch, trong đó có món phở, rằng: "Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon".
Còn nhà văn Nguyễn Tuân người coi ăn uống là một nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ, đã viết trong những ngày tác giả tham dự Đại hội Hòa bình thế giới ở Phần Lan, nói về những đức tính của phở dân tộc: "Trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt Nam, có một cái thực tế mà hằng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy lồng vào trong những cái thực tế vĩ đại của dân tộc." (Trích: Phở - Nguyễn Tuân).
Bài viết Phở làm nên nét tinh túy ẩm thực Hà Nội dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.