Ký ức Hà Nội: Thủ đô tươi đẹp trong ký ức tuổi thơ

Nguyễn Đức Quân (Sơn La) Thứ hai, ngày 29/05/2023 06:55 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt, dang tay ôm cả Hồ Gươm vào lòng. Hồ Hoàn Kiếm trong truyền thuyết nước trong xanh biêng biếc, mặt hồ lăn tăn gợn những con sóng nhỏ dưới những làn gió nhẹ thoảng qua.
Bình luận 0

Mặc dù đã "ra đi" và "trở về" rất nhiều lần để " thăm" cố nhân, thăm người bạn luôn chở che, đồng hành, cho tôi thật nhiều ký ức, hoài niệm đẹp từ những năm tháng tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. 

Nhưng mỗi lần có dịp về "thăm bạn" và không một lần hẹn gặp trước ấy thì " bạn" luôn có những ưu ái đặc biệt đối với một người khách lữ hành phương xa như tôi. Lần trở lại với trái tim lớn của cả nước này đã khiến trái tim nhỏ nơi lồng ngực tôi thêm một lần thổn thức. 

Hà Nội đón tôi sau khi "mẹ thiên nhiên" vừa chiếu rọi những dải nắng vàng rực rỡ, hanh hao từ quả cầu lửa đỏ rực lên không trung vạn vật thay vào đó là không khí lạnh thật chiều lòng những người con xa xứ tự cho mình cái quyền được thăm lại mảnh đất xa là nhớ, là vấn vương, là mong mỏi và luôn tự nói với chính mình: "Sẽ còn thật nhiều lần sau nữa ta sẽ trở lại đây" để được đắm chìm vào cuộc sống đầy sôi động nhưng cũng không kém phần trầm mặc, cổ kính.

Để nuông chiều cảm xúc và muốn hòa vào nhịp thở của Thủ đô tôi ghé lại quán trà đá của cụ già phúc hậu bên đường. Gọi cho mình một cốc trà nóng vừa nhâm nhi vừa thả hôn vào cái vẻ man mác, làn sương mờ ảo buông nhẹ mình nơi hồ Hoàn Kiếm thơ mộng của buổi sáng đầu hè. Lời cụ bà như cắt ngang đưa tôi về thực tại: "Con không phải người ở đây phải không? Sáng nay thời tiết thật mát mẻ, chứ cứ như mấy hôm rồi Hà Nội nóng và ngột ngạt. Không ai muốn ra đường". 

Ký ức Hà Nội: Thủ đô tươi đẹp trong ký ức tuổi thơ tôi - Ảnh 1.

Hồ Gươm, Hà Nội luôn là địa điểm tham quan ưa thích của du khách. Ảnh: Duy Huy.

Trả lời cụ với một nụ cười ngượng nghịu nhưng chính những lời chia sẻ của cụ lại đưa tôi quay ngược thời gian trở lại cái thủa hàn vi lúc tôi lên 9 tuổi. 

Tôi được bố cho đi chu du khắp Hà Nội. Cái ký ức của ngày xưa ấy trong trí nhớ của tôi, bố cũng ngồi bên cốc trà đá của cụ bà hiền hậu nơi cổng viện. Sự gần gũi của bà bán trà đá trước mặt tôi đây có gì đó thật giống với sự ân cần, phúc hậu của cụ bà của cái ngày xưa ấy. Ngày mà tôi được mẹ cho ra thăm bố nằm viện ở Thủ đô. Để rồi tôi có dịp được cùng bố rong ruổi trên chiếc xe đạp bố mượn được bác bảo vệ và trở thành hướng dẫn viên du lịch không chuyên cho cậu con trai khi đó là tôi.

Khỏi phải nói đêm trước nằm cùng bố, nghe bố hứa: "Sáng mai bố cho đi thăm Hà Nội" tôi đã thổn thức, trái tim như nhảy múa và mong trời sáng thật nhanh. Tôi sẽ được thăm Thủ đô, sẽ có nhiều chuyện để kể, để tự hào với chúng bạn cùng làng. Sớm hôm sau hai bố con lên đường, một khung cảnh vừa lạ lẫm lại như một bức tranh nhiều màu sắc hiện ra trước mắt tôi. Hà Nội thật đông vui, nhộn nhịp, "chẳng giống quê mình bố nhỉ". Tôi đã thích thú và thốt lên những lời trầm trồ đầy thán phục. 

Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt, dang tay ôm cả Hồ Gươm vào lòng. Hồ Hoàn Kiếm trong truyền thuyết nước trong xanh biêng biếc, mặt hồ lăn tăn gợn những con sóng nhỏ dưới những làn gió nhẹ thoảng qua như một chiếc gương lớn lung linh, huyền ảo. Xa xa, cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn hiện ra với vẻ uy nghi trầm mặc như cụ già đang trầm tư suy ngẫm. 

Chốc chốc tôi lại bắt gặp cơ man nào là hàng quán từ bình dân đến những nhà hàng sang trọng, tôi đã thầm thì với bố: "Giá mà bố con mình có nhiều tiền, chúng ta sẽ vào nhà hàng thưởng thức đặc sản Hà Nội bố nhỉ". Bố cười: nói "Sau này lớn lên đi làm dành dụm nuôi bố rồi mời bố ăn nhà hàng ở Hà Nội, bố chờ anh cả của bố đấy. Nhưng muốn có nhiều tiền thì phải học giỏi mới mời được bố".

Thế rồi, bố ghé vào hàng xôi xéo bên đường. Nắm xôi vàng ươm tròn mẩy hạt nào hạt ấy bóng mỡ lại được ăn kèm hành phi vàng ruộm phủ lên trên là đậu xanh cùng ruốc, mùi xôi xộc vào mũi lan tỏa xuống cái giạ dày trống rỗng khiến tôi khi ấy đã nghĩ đó là nắm xôi xéo Hà Nội tôi được ăn ngon nhất trên đời. Cụ bà bán xôi thật giống bà nội tôi ở quê. Cũng nụ cười hiền từ và câu nhắc nhở: "Ngon không con, ăn nhiều vào mới chóng lớn".

Xế trưa bố chở tôi đi thăm Lăng Bác. Nói là thăm chứ tôi không được vào bởi bố nói: "Giờ bố con mình ăn mặc xoàng xĩnh quá. Đợi khi nào bố khỏe, bố sắm quần áo mới cho hai bố con mình thì ta vào thăm Bác Hồ nha". Thế là tôi chỉ được nhìn Bác từ xa, được ngắm và cảm nhận Bác trong Lăng như vầng thái dương sáng mãi trong lòng một đứa trẻ ngày ấy và cũng đến tận bây giờ.

Ký ức Hà Nội: Thủ đô tươi đẹp trong ký ức tuổi thơ tôi - Ảnh 3.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Hải.

Hà Nội còn có cả những người giống người dân quê tôi bởi những gánh hàng rong, thức quà vặt với cơ man nào là món ăn hè phố đánh thức mọi giác quan người nhìn. Hà Nội với những tiếng rao quen thuộc khiến tôi như thấy hình ảnh mẹ mình chấp chới trong ánh chiều chạng vạng: 

"Ai xôi khúc, khoai nướng đi". Bất giác tôi như ngửi thấy mùi đồng quê, mùi mồ hôi rịn đầy lưng áo mẹ những ngày xưa ấy mẹ tôi cũng chở những thúng quà quê đi bán. Hà Nội lúc này không còn cái vẻ phồn hoa đô hội mà ở một góc nào đó là sự bình yên, sự thôn quê dân dã đến từ những tiếng rao quen thuộc của các bà, các chị, các mẹ mưu sinh trên những con đường, ngõ phố, khi ấy tôi thấy trên vai họ cũng giống mẹ tôi đang gánh cả ước mơ lấp lánh cho những đứa con có sự đủ đầy.

Bất chợt, Hà Nội mưa, những hạt mưa mùa hạ đang dệt lên một bức tranh mờ ảo. Những hạt mưa đưa tôi về thực tại để rồi trong tim dấy lên sự khắc khoải, nhớ nhung ký ức cái ngày xưa được cùng bố rong ruổi ngắm nhìn Thủ đô lung linh hoa lệ. Có lẽ, với mỗi chúng ta ai được sinh ra trên dải đất cong cong hình chữ S xinh đẹp đều thấy mến, thấy thương những mảnh đất mình từng đi qua, từng hòa nhịp thở với cái mùi nồng nồng hăng hắc của đất mẹ. 

Nhưng với riêng Hà Nội trong chúng ta sẽ có một sự ưu ái, thiên vị đặc biệt hơn. Phải chăng Hà Nội luôn cho ta cái cảm giác yên bình, tự hào và tôi trộm nghĩ, ai đã từng ghé Hà Nội, được trái tim cả nước dang tay ôm vào lòng khi ra về sẽ thấy lòng hụt hẫng, bâng khuâng chân bước mà lòng chẳng muốn rời. Bất giác hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên vang vọng: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Chính tình yêu với Hà Nội mà mảnh đất lạ ấy lại hóa quê hương, cho dù quê hương đó chỉ hiện hữu trong tim, trong dòng máu nóng, trong tâm khảm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem