Ký ức Tết trong tôi: Chào cờ đầu năm ở làng

Nguyễn Hải Phú Thứ bảy, ngày 25/01/2020 16:00 PM (GMT+7)
Cách mạng tháng Tám thành công, tôi vừa tròn 5 tuổi. Tuổi ấy chưa biết điều mới mẽ như người lớn, nhưng đã biết mừng vui khi có áo mới xúng xính với những đứa trẻ khác.
Bình luận 0

Làng tôi (ở phía Bắc tỉnh Phú Yên) thật sự thay đổi từ khi Cách mạng thành công, nhân dân nô nức thi đua sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Những tòa nhà do bọn Pháp xây dựng kiên cố có lầu cao cho bọn thuế quan coi đồng muối làng tôi bị phá hủy, đường Quốc lộ 1 bị đào, cầu cống cũng bị phá để ngăn giặc Pháp trở lại xâm chiếm nước ta.

Không khí làng quê tôi chuẩn bị tinh thần đánh thực dân Pháp do Cách mạng truyền dẫn vô cùng sôi động. Theo thời gian, tôi lớn lên, năm sau tôi đã cắp sách đến trường. Thầy dạy là một người sống trong làng tôi. Chỉ một căn nhà gọi là tòa lính do Pháp xây dựng cho lính ở bảo vệ đám quan thuế canh thu thuế muối làng tôi, nhà này nhỏ nên được giữ lại làm chỗ cho học sinh học tập.

img

Chào cờ đầu xuân là một nét đẹp thiêng liêng. Ảnh minh họa

Có tới mấy lớp học cùng ngồi chung, từ vỡ lòng đến lớp ba. Sáng nào trước khi vào học, cả lớp đều đứng nghiêm chào cờ, bài Quốc ca được chúng tôi hát thật hăng say như không muốn dừng. Sau đó thầy hô Bắc Sơn, học trò hô Quyết tiến ba lần rồi hát bài Bắc Sơn (cũng của Văn Cao)

“Ôi còn đâu đây sác chàm pha màu gió

Đau lòng bao năm sống lầm than đay đó

Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng

Còn vang khe núi tiến quân oai hùng

Lớp lớp chiến đấu Lạng Sơn tung bay cờ

Rồi cùng đồi núi với bao nhiểu hận thù

Dân quân du kích, cách mạng bùng mùa thu

Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu

Bắc Sơn! Đây hố sâu mồ chôn

Rừng núi ngân tiếng hát căm hời

Bắc Sơn! Khi bóng trăn mờ sương

Bắc Sơn! Khi bóng người dưới thôn.

Giặc Pháp tàn ác dày xéo

Từng xác ngập đất máu xương

Nhà đốt, cầm giáo, cầm súng

Dân quân vùng ra sa trường.

Bắc Sơn! Đây núi rừng chiến khu”…

Hát xong bài Bắc Sơn cả lớp mới ngồi xuống mở tập ra bắt đầu vào buổi học. Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu rõ, về sau mới biết thầy cho học sinh hát bài này để giáo dục tinh thần căm thù giặc, nâng cao tính chiến đấu chống thực dân Pháp.

Ngày tháng trôi đi, năm hết Tết đến với người dân quê tôi.

Năm đó, tôi lên 7 tuổi, đã biết tự đi “sự kiện” một mình. Chuẩn bị Tết, cán bộ thôn dựng cổng chào đón Tết trên Quốc lộ, giữa làng nơi có khoảng đất trống khá rộng được dọn dẹp sạch sẽ, dựng lên một trụ cờ bằng tre cao ở giữa. Người dân được thông báo mời dự lễ chào cờ đầu năm chào đón Tết. Mới 7 giờ sáng, nhiều người từ các cụ lớn tuổi, thanh niên nam nữ, thiếu niên nhi đồng cả làng đều mau chóng tụ hội về địa điểm này để chào cờ đón năm mới, không khí thật rộn ràng, náo nhiệt mà ngày thường không hề có.

Đúng 7 giờ 30, ông Trưởng thôn bắt đầu mời mọi người vào chỉnh hàng lối rồi tuyên bố lý do tiến hành lễ chào cờ. Bài Quốc ca được các anh chị thanh niên và đám trẻ nhi đồng chúng tôi dỏng dạt ngân vang lên trong không khí mọi người đang trang nghiêm hướng về lá cờ đỏ ngôi sao vàng đang được kéo từ từ lên đỉnh cột cờ:

“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca. Đường vinh quang xây xác quân thù, thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu. Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường. Tiến lên, cùng tiến lên, nước non Việt Nam ta vững bền”.

Lời bài Quốc ca vừa dứt, lá cờ cũng vừa lên đến đỉnh cột. Mọi người đến bắt tay nhau trong không khí dạt dào niềm vui của ngày đầu năm. Các cụ ra về lo tiếp khách xông nhà ngày Tết, đa số thanh niên và thiếu niên nhi đồng ở lại xem hai đội thi đấu bóng chuyền, một môn thể thao đang phát triển khá ở làng tôi sau Cách mạng tháng Tám.

Từ đó về sau, cứ Tết đến, người dân làng tôi cũng tập hợp đến địa điểm quen này để làm lễ chào Quốc kỳ, nhìn ảnh Hồ Chủ tịch kính yêu.

Năm 1954, cuộc kháng chiến dành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève rút về nước. Đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm chống lại cách mạng, quê tôi như bao làng quê khác ở miền Nam bị địch kìm kẹp không còn tự do, độc lập, tục lệ chào cờ, hát bài Tiến quân ca vào dịp Tết cũng không duy trì được nữa.

Nhờ có Đảng lãnh đạo chiến đấu chống Mỹ và chính quyền tay sai, thế cuộc xoay vần, ngày 1/4/1975, như bao làng quê khác ở miền Nam làng tôi cũng hoàn toàn được giải phóng. Tục lệ chào cờ đón Tết vào sáng ngày mổng Một lại được phục hồi như xưa.

Nếp sống mới do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo hướng dẫn trong đó có tục lệ chào cờ đón Tết, không riêng quê tôi mà được nhiều nơi thực hiện đem đến không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết giữa mọi người, giữa tình quân dân gắn bó keo sơn!

Người dự thi: Nguyễn Hải Phú

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem