Hằng năm, đã thành lệ, tinh mơ sáng ngày mùng Năm Tết, khi những giọt sương còn ngái ngủ trong cánh thắm hoa đào, mẹ đã thức dậy với đôi quang gánh ám đen bồ hóng, thập thững bước ra đồng xa chuẩn bị một ngày làm việc cần cù, bận rộn. Hồi còn bé, mỗi lần thấy vậy, em gái tôi đều thắc mắc, tại sao đang Tết mà mẹ vẫn phải đi làm? Mẹ khẽ bảo rằng, cây lúa cũng cần ăn Tết.
Mẹ ra đến cánh đồng thì nắng điệu đà kẻ những tia lấp lánh đầu tiên lên mặt đất bao la đánh dấu cho một ngày xuân tươi mới. Cánh đồng hiện ra xanh tràn phơi phới. Lúa đã bén rễ mơn man và đẻ thêm nhiều chồi nhánh non chanh, rạng rỡ. Chúng háo hức vươn nhanh hấp thụ nắng sớm và uống cạn hơi sương. Trên những cung bổng của gió, đàn chiền chiện tấu nhạc tưng bừng để sóng lúa, cỏ hoa cũng náo nức hòa chung vũ điệu.
Mùa xuân trên cánh đồng mang lại những ký ức Tết với nhiều người ở vùng quê. Ảnh minh họa
Tổ chức Tết cho cánh đồng là tục lệ lưu truyền nhiều đời nay ở quê tôi. Mọi thứ bắt đầu bằng việc dọn sạch cỏ bốn bờ ruộng cho quang đãng, gọn gàng. Tiếp đến, mỗi nhà sẽ dựng lên mặt ruộng những chú bù nhìn rơm ngộ nghĩnh, vừa để trang trí, vừa xua đuổi chuột bọ, côn trùng phá hại mùa màng.
Cuối cùng, những nhà có ruộng cạnh nhau sẽ “xông đất” và “mừng tuổi” cây lúa bằng cách góp sức làm cỏ chung hay trao đổi một ít phân bón ruộng lấy may. Ai nấy đều luôn tay, luôn miệng: “Năm cũ đã qua/ Đón chào năm mới/ Lúa lên khấp khởi/ Ruộng đồng ngát xanh/ Mùa gặt đến nhanh/ Lưỡi liềm em múa/ Vai anh gánh lúa/ Rung cả nhịp cầu/ Có một đàn trâu/ Đứng nhìn ngơ ngẩn”.
Vào ngày mùng Năm tháng Giêng ấy, người dân quê tôi không quên mang theo bánh chưng, củ kiệu, dưa hành và chút thịt lợn nấu đông còn thừa sau đợt Tết ra đồng, để khi mặt trời đứng bóng, tất cả sẽ quây quần dưới một gốc cây gạo, góp đồ ăn lại chung vui.
Nếu trời rét, phụ nữ sẽ nhặt nhạnh củi dều và rạ rơm sót lại nhóm lên một đống lửa liu riu. Đàn ông chụm đầu nâng chén rượu cay và hút thuốc lào sòng sọc. Hơi ấm từ lửa, từ rượu, từ tấm lòng thơm thảo của những người nông dân chất phác, hiền lành dành cho nhau làm cho câu chuyện mùa vụ thêm nồng, thêm đượm. Bên cạnh sức khỏe, người ta chúc nhau những điều giản dị: “Khoai lợn ăn không hết/ Ngô gác bếp treo dày/ Lúa đổ đầy miệng chum/ Lợn từng đàn béo ục”. No cơm, ấm rượu, mọi người lại phấn khởi úp mặt vào cánh đồng đến tối mịt mới về.
Sẽ thật trọn vẹn nếu trong ngày Tết cánh đồng, sông kịp mang ngọt ngào, màu mỡ phù sa tràn về ruộng gần, ruộng xa, sẵn sàng cho chuyến hành trình no đủ. Người dân quê tôi quan niệm, dòng sông là cội nguồn của sự sống. Trong ngày Tết cánh đồng, mẹ luôn cố làm được càng nhiều điều cho cây lúa càng tốt.
Chỗ những vạt trũng, hạt giống bị úng không vươn mình lên được, bằng bàn tay tỉ mỉ và khéo léo, mẹ tỉa một vài nhánh cây non ở những bụi lúa khỏe đem cấy dặm vào từng khoảng trống ấy để cả thửa ruộng được ken đều lúa tốt. Mẹ bảo: “Người nông dân phải xem ruộng đồng là nhà, cây lúa là thân nhân. Những khoảng đất úng nước trên cánh đồng cũng giống như những vết thương của con người vậy, cần được bù đắp bởi những sự chăm sóc tận tình”.
Mẹ vẫn luôn ủ hạt giống từ hơi ấm lòng tay rồi mới đem gieo chúng xuống những cánh đồng hi vọng. Nhưng đâu phải mầm non nào cũng kiên cường, ham sống? Đâu tình yêu nào cũng hóa màu xanh? Rầy nâu, chuột bọ, sâu đục thân tàn nhẫn hoành hành. Cây lúa còi cọc cõng nặng nỗi lo thất bát.
Vì những con cò gầy còn vay niềm tin của mẹ để sống hết mùa xuân, nên dẫu cho dịch bệnh hay sương - gió - nắng - mưa khắc nghiệt xoay vần, mẹ sẽ mãi luôn cần lao bám trụ lại với đồng, với ruộng. Mẹ cào cỏ. Mẹ bón phân. Mẹ vực dậy chút nhựa sống mơ hồ trong từng bụi lúa chết thừa, sống thiếu. Có những năm, vào ngày Tết cánh đồng, dù đã thầm rơi cạn nhiều nước mắt, mẹ vững lòng chờ cây lúa lớn lên và tin rằng, hết tháng Giêng, sang tháng Hai, khi đã được tẩm bổ thứ nước sông ngầu đỏ phù sa hòa ánh nắng mật ong pha loãng ấy, cây lúa sẽ mươn mướt chuyển sang thì con gái...
Cánh đồng dường như trẻ lại sau mỗi độ hồi xuân, còn mẹ thì gương mặt già đi, tóc điểm hoa râm, lưng ngày một thêm còng xuống. Lúa càng tốt, thì vai mẹ càng gầy. Lúa càng xanh thì áo mẹ càng sờn cũ. Người nông dân không có tuổi nghỉ hưu. Mẹ sẽ làm ruộng cho đến khi đôi chân chẳng trụ vững trong bùn đen được nữa. Sức khỏe của mẹ cũng đang bị hàng chục thứ bệnh đục ruỗng từ bên trong. Song mẹ vẫn làm hằng mẫu ruộng liền. Bởi mẹ thấy đất bị bỏ hoang cũng tội nghiệp, đáng thương như đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Chứ mấy ai giàu lên nhờ cây lúa được đâu?
Mấy năm mất mùa liên miên, nhiều người dân từ bỏ ruộng đồng. Họ xem cây lúa như là món nợ. Nếp sống thị thành thẩm thấu vào từng ngõ xóm, đường làng. Tết trong nhà phê pha ăn nhậu tốn kém gần tháng ròng nhưng ngày Tết cánh đồng đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, đến ngày ấy, đồng quê vắng tanh, vắng ngắt. Bởi người ta còn bận là lượt áo quần du xuân trẩy hội. Cuộc sống mưu sinh đã bớt gieo neo, chật vật hơn, mẹ vẫn mãi trân trọng từng tấc đất như tấc vàng quý giá, vẫn hoài vọng Tết cánh đồng, vẫn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời lặng lẽ dặm vá, làm lành sẹo từng thửa ruộng bằng đôi bàn tay tần tảo. Chợt mủi lòng thương vệt nắng, vệt mưa loang lổ đậu trên vành nón mẹ. Niềm thương sao khắc khoải, cồn cào…
Anh em chúng tôi thêm thành đạt, mẹ thêm già đi. Tết năm ngoái, thương mẹ sớm hôm dãi nắng dầm sương khó nhọc, tôi khuyên mẹ nghỉ làm ruộng, quần quật cả năm mà chẳng đáng là bao. Mẹ điềm tĩnh: “Nếu cứ so bì hơn - thua thì thật thiệt thòi cho cây lúa. Con người nhiều khi còn khó gượng dậy nổi sau một cơn ốm, huống chi cây lúa yếu mềm trước thiên tai, sâu bệnh thường xuyên?”.
Nghe mẹ nói, sống mũi tôi cay xè. Có thể, một mai, màu xanh sóng lúa, màu trắng cánh cò chỉ còn trong những trang văn viết về mùa xuân. Câu chuyện mùa cấy, mùa đi dặm, mùa gặt và đặc biệt là cái Tết cánh đồng sẽ khó tưởng tượng hơn là cổ tích. Trẻ em sẽ không biết rằng hạt gạo được xay từ thóc. Người lớn sẽ quên cách phân biệt “vụ chiêm tiết hạ, vụ mùa tiết đông”.
Công việc đột xuất khiến tôi không thể nán lại nhà lâu được. Vừa háo hức về Tết rồi lại phải lật đật ra đi. Lời hẹn cùng mẹ ra đồng đón Tết không thành hiện thực. Ngồi trên chuyến tàu đầu năm, mơ màng nhắm mắt và mường tượng dáng hình gầy guộc của mẹ lủi thủi giữa cánh đồng quạnh hiu, xám xịt, tự dưng, nước mắt tôi ứa ra. Lúa ơi lúa có nhớ không, mùng Năm là Tết cánh đồng… ngày xưa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.