Kỳ vọng có thông điệp, chính sách mạnh mẽ hơn cho tam nông
Kỳ vọng có thông điệp, chính sách mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực tam nông
Thiên Hương (thực hiện)
Thứ năm, ngày 26/05/2022 13:24 PM (GMT+7)
Sau 3 lần đối thoại trực tiếp với nông dân các địa phương, nhiều vấn đề đã được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời. Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 4, bà con bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ ngành có thông điệp mạnh mẽ hơn, quyết sách lớn hơn cho lĩnh vực tam nông.
Đó là chia sẻ của Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Phó Trưởng ban tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022, diễn ra tại Sơn La từ 28-29/5.
Thưa ông, đến thời điểm này, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022 đã được chuẩn bị như thế nào?
Thời gian qua, Trung ương Hội NDVN, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp thực hiện nhiều công việc để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân với trách nhiệm, quyết tâm chính trị rất cao.
Từ đầu tháng 3, Trung ương Hội NDVN và tỉnh Sơn La đã phối hợp thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức cho chuỗi sự kiện; ban hành các văn bản của Ban Chỉ đạo, của Trung ương Hội NDVN, tỉnh Sơn La đến các cơ quan Trung ương, các tỉnh thành trong cả nước tham gia tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 và Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam.
Tỉnh Sơn La và Trung ương Hội NDVN đã có 4 cuộc họp; đồng thời tỉnh Sơn La, Trung ương Hội NDVN có 2 cuộc họp với Văn phòng Chính phủ để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2022 diễn ra thành công tốt đẹp.
Vào ngày 23/5, Hội NDVN và tỉnh Sơn La đã phối hợp tổ chức buổi họp báo, công bố thông tin về chuỗi sự kiện: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, lễ khởi công và khánh thành các dự án kinh tế – xã hội tại tỉnh Sơn La.
Như vậy các công việc chuẩn bị phục vụ cho Hội nghị đã hoàn tất, sẵn sàng cho cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân.
Được biết, đây là lần thứ tư Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân được tổ chức. Ban tổ chức đánh giá như thế nào về kết quả của 3 lần trước?
Lần thứ nhất, hội nghị tổ chức vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới". Hội nghị có 600 đại biểu tham dự, hơn 2.200 câu hỏi đã được gửi tới Thủ tướng.
Sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân". Trong đó, Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ, ngành cùng trực tiếp vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân như: Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT…
Thủ tướng yêu cầu rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ nông dân, trong đó có chính sách hỗ trợ về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, dự báo thị trường nông sản; tháo gỡ khó khăn về đất đai; kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp.
Đặc biệt, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá các vướng mắc, bất cập đối với tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Nghị định 116/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 và các Thông tư hướng dẫn, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân hộ gia đình lên gấp 2 lần (từ 100 triệu đồng lên tối đa 200 triệu đồng)…
Lần thứ 2, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức tại TP.Cần Thơ vào ngày 10//12/2019, chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản". Hội nghị có 700 đại biểu tham dự, trong đó có 400 nông dân; gần 1.500 câu hỏi được gửi tới Thủ tướng.
Sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 942/VPCP-QHĐP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu 12 Bộ, ngành khẩn trương triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân. Tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: Tập trung nâng cao chuỗi giá trị nông sản và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thương mại, thị trường nông sản; chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối.
Thủ tướng cũng giao Bộ KHĐT, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn trung hạn lên tới 15.000 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL; Xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng phải tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nông dân địa phương mình. Đến nay, hầu hết các tỉnh đã thực hiện việc này.
Lần thứ 3, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức tại Đắk Lắk ngày 28/9/2020 với chủ đề: "Cùng nỗ lực vượt thách thức, giữ vững đà tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại". Hội nghị có hơn 400 đại biểu tham dự, trong đó có 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ mong muốn hình thành một tầng lớp nông dân mới, hiểu biết về thị trường, để biết cách sản xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên, thúc đẩy việc giao khoán, bảo vệ rừng, gắn với môi trường sinh kế bền vững. Nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam vượt 40 tỷ USD/năm.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thưa ông, việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng lần này có gặp khó khăn gì không, công tác phòng chống dịch Covid-19 sẽ được thực hiện như thế nào?
Hội nghị lần này được tổ chức tại TP.Sơn La, cách Hà Nội 300km, đường sá xa xôi nên các đại biểu, bà con nông dân ở xa phải di chuyển khá vất vả, mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, vì đây là sự kiện chính trị lớn, nông dân được đối thoại trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ nên bà con rất háo hức, mong ngóng được tham dự.
Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban Tổ chức đều yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Theo đó, các điểm tập trung đông người, nơi diễn ra sự kiện đều được phun khử khuẩn. Thành lập các tổ y tế triển khai nhiệm vụ đảm bảo công tác phòng chống dịch tại các điểm diễn ra sự kiện.
Đối với các đại biểu có 1 trong các triệu chứng như sốt, ho, đau, nhức đầu, chảy nước mũi… sẽ được tiến hành xét nghiệm nhanh và được xử lý theo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Ông có thể cho biết Ban Tổ chức đặt mục tiêu, kỳ vọng gì qua chuỗi sự kiện lần này?
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, nông thôn. Sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi giá vật tư, thiết bị đầu vào tăng rất cao.
Với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", Trung ương Hội NDVN, tỉnh Sơn La cũng như bà con nông dân mong muốn qua đối thoại, Chính phủ, bộ ngành có thể thấu hiểu những khó khăn của bà con, từ đó đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn, lớn hơn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nông thôn.
Nhất là sau khi Hội nghị Trung ương V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII vừa thảo luận về Đề án 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Đề án tổng kết 20 năm thực hiện Luật Hợp tác xã..., mong rằng với hội nghị này, chúng ta sẽ tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề bức xúc thực tế của nông dân, HTX, doanh nghiệp; tìm được hướng đi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.