Nông dân đang kỳ vọng BHNN sẽ giúp họ phần nào giảm bớt gánh nặng rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, để BHNN đi vào cuộc sống đó là cả một bài toán khó mà chính nhà nước, doanh nghiệp và cả nông dân phải chung tay tháo gỡ.
Thất bại, vì sao?
Gần 20 năm trước, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt từng triển khai bảo hiểm 200.000ha lúa tại 26 tỉnh, thành ở Việt Nam. Tuy nhiên kết quả là DN này phải gánh thất bại, chính vì rủi ro cao, mức bồi thường lớn (phải chi hơn 14 tỷ đồng, nhưng thu phí không được bao nhiêu).
|
Được bảo hiểm, người trồng lúa sẽ tự tin trước thiên tai, dịch bệnh. |
Bên cạnh Bảo Việt, Công ty BH Groupama của Pháp cũng đầu tư vào ngành BHNN Việt Nam từ năm 2001, rồi cũng gánh thất bại triền miên. Cụ thể, từ năm 2003, đơn vị bảo hiểm này triển khai 5 sản phẩm cho các đối tượng vật nuôi như bò, lợn, gà, tôm...
Ban đầu, các hộ nông dân nuôi tôm sú ở TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ hăng hái tham gia mua bảo hiểm với mức phí bảo hiểm từ 0,9 - 2 triệu đồng/ha. Tổng kết niên vụ, lãnh đạo công ty mới giật mình khi thu phí bảo hiểm cho con tôm năm 2003 khoảng 30 triệu đồng, trong khi chi phí bồi thường chỉ cho 6 hộ đã lên đến… 400 triệu đồng.
Thực ra, không phải từ bây giờ BHNN mới được đặt ra mà trước đó nhận thấy thị trường BHNN là mảnh đất màu mỡ, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân nhảy vào cuộc. Nhưng lợi chưa thấy, chỉ thấy doanh nghiệp kêu lỗ, rồi rời bỏ cuộc chơi.
Theo ông Trần Thanh Hòa - Trưởng đại diện khu vực Bạc Liêu của Công ty BH Groupama, diện bảo hiểm quá hẹp, tổng phí thu khó bề bù đắp thiệt hại. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp khi thiếu các quy chuẩn đi kèm nên khó giám sát và thẩm định rủi ro một cách công bằng.
Còn ông Tạ Lý Trung Nhân - Phó Giám đốc Công ty BH Bảo Minh, Chi nhánh Bạc Liêu cũng xác định: Do sản xuất phân tán khó quản lý, trong khi nhà nông nhận thức về công tác bảo hiểm chưa cao, nên ý thức hợp tác còn rời rạc, đi đến thất bại.
Ông Nguyễn Khắc Tính - Giám đốc Công ty BH Bảo Minh, Chi nhánh Sóc Trăng đánh giá: Khách hàng nông dân được bảo hiểm vốn sản xuất tràn lan, mỗi người một kiểu, thiếu quy tắc, không theo quy trình, lại tham gia bảo hiểm với số ít. Bên cạnh đó, các tổ chức như Hội Nông dân, chính quyền chưa vào cuộc động viên, giám sát để cùng thực thi tốt BHNN.
Mong bảo hiểm nông nghiệp
Mới đây, theo Quyết định số 315/QĐ-TTg, việc thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013 sẽ được thực hiện ở 21 tỉnh, thành. Trong đó vùng ĐBSCL sẽ thực hiện BH cây lúa tại tỉnh Đồng Tháp và An Giang; BH nuôi cá tra, cá basa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.
Nhận được thông tin về BHNN, nhiều lão nông ở ĐBSCL đã tỏ ra hết sức vui mừng. Nông dân Nguyễn Công Lý ở xã Phương Thịnh, (Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Vùng đất này trồng lúa rất trúng nhưng vẫn hay thất bát do thiên tai, dịch bệnh. Nếu có BH, nông dân rất an tâm sản xuất mà không sợ rủi ro...”.
Sẽ yên tâm sản xuất
Sản xuất nông nghiệp hiện chịu rất nhiều rủi ro, nhất là trong thời điểm hiện nay thiên tai, dịch bệnh nhiều cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nếu thực hiện được BH, người nông dân sẽ an tâm sản xuất, từ từ đi đến một nền nông nghiệp ổn định, bền vững.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh (Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)
Thực tế, những năm gần đây, bình quân mỗi năm, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi khiến nông dân cả nước mất từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hàng năm chỉ dành từ 200 - 400 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân. Nhiều người sẽ không quên những cơn “đại họa” của nông dân. Tại một số địa phương ở ĐBSCL, nhiều người nuôi thủy sản liên tục trắng tay do dịch bệnh hoành hành.
Như ông Lê Văn Chinh - xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, có kinh nghiệm gần chục năm nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng nhưng cứ vài ba vụ nuôi có lời, gia đình ông lại chịu thua lỗ do dịch bệnh. Mới vụ vừa rồi, cả ao tôm thẻ chân trắng hơn 1 tháng tuổi bị chết sạch, lỗ hơn 70 triệu đồng.
Khi hay tin nhà nước chuẩn bị triển khai thí điểm BH nuôi thủy sản, ông Chinh hy vọng người nuôi tôm bớt lo lắng hơn khi thiên tai, dịch bệnh gây ra. Ông Chinh nói: “Nếu có bảo hiểm, người nuôi tôm sẽ giảm bớt gánh nặng rủi ro từ nghề này. Từ đó, nông dân sẽ an tâm sản xuất hơn”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc - Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Riêng BH cây lúa sẽ giúp tạo ra hướng đi mới trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Nông dân được bảo hiểm là rất tốt nhưng việc triển khai thực hiện cần có sự phối hợp, quản lý thật chặt chẽ mới hy vọng đem lại hiệu quả cao”.
-------------
Bài 2: Doanh nghiệp mong được tiếp sức
Vũ Khánh - Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.