Lạ mà hay, gió bão ầm ầm thổi qua, sao vườn cây ăn quả ở huyện này của Quảng Nam vẫn "bình yên vô sự"?

Trương Hồng - Nguyễn Hưng Thứ sáu, ngày 04/10/2024 05:38 AM (GMT+7)
Cơn bão số 4 năm 2022 đổ bộ vào Quảng Nam, trong đó huyện Tiên Phước đã thiệt hại rất nặng nề về cây ăn quả, cây trồng khác. Để chủ động ứng phó với thiên tai qua nhiều cơn bão, nông dân xứ này đã có nhiều kế hoạch hay để bảo vệ cây ăn quả bằng cách mua dây cáp về chằng nịt kiên cố.
Bình luận 0

Những năm gần đây, thời tiết diễn biến cực đoan, mưa bão thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến các vườn cây ăn quả của bà con nông dân ở Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Để tránh các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa lũ, nông dân ở đây đã neo chằng, chống cây trồng đối phó với mưa bão.

Có ở đâu như Quảng Nam, nông dân bảo vệ cây ăn quả như thế này đây - Ảnh 1.

Cơn bão số 4 năm 2022, tại huyện Tiên Phước đã làm thiệt hại nặng nề về cây ăn quả. Trong ảnh, vườn sầu riêng hàng chục năm tuổi bị bão quật ngã. Ảnh: T.H

Mô hình chằng, chống vườn cây ăn quả của gia đình ông Phan Đình Nhơn, (67 tuổi, thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là một ví dụ điển hình. Nhìn những đoạn dây cáp được chằng chống kiên cố rất chắc chắn, ai cũng tưởng như những ngôi nhà vùng bão.

Những năm gần đây phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Tiên Phước triển khai và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên nông dân; đặc biệt từ khi huyện triển khai thực hiện đề án 03 và HĐND tỉnh triển khai Nghị quyết 35 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại được người dân tham gia triển khai thực hiệu bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Có ở đâu như Quảng Nam, nông dân bảo vệ cây ăn quả như thế này đây - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng trong một lần kiểm tra thiệt hại sau bão số 4 năm 2022 tại huyện Tiên Phước, bão số 4 đã làm nhiều diện tích cây cao su ở Tiên Phước ngã đổ. Ảnh: T.H

Clip nông dân Quảng Nam bảo vệ cây ăn quả mùa bão

Như gia đình nông dân Phan Đình Nhơn (thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước) là một trong những hộ nông dân tiêu biểu về phát triển kinh tế vườn ở địa phương.

Ông Nhơn chia sẻ, gia đình bắt đầu làm vườn từ những năm 1994, ông cải tạo khu vườn rộng 15.000m2, trồng các loại cây ăn quả như chuối lùn, cam, bưởi, lòn bon, măng cụt…

Lúc đó, cuộc sống còn khó khăn, cây trồng xuống nhưng chăm sóc không được chu đáo nên cây phát triển chậm. Khoảng hơn 10 năm lại đây được nhà nước khuyến khích hỗ trợ trồng cây ăn quả, vợ chồng ông đầu tư công sức chăm sóc vườn cây ăn quả gồm 20 cây lòn bon, 20 cây măng cụt, 70 cây cam, 20 cây bưởi da xanh, 30 choái tiêu, 400 cây cau… Hiện tất cả các loại cây ăn quả phát triển xanh tốt, đang trong giai đoạn ra quả. Mỗi năm sau khi trừ chi phí xong gia đình thu về khoảng 120 triệu đồng.

Có ở đâu như Quảng Nam, nông dân bảo vệ cây ăn quả như thế này đây - Ảnh 3.

Ông Phan Đình Nhơn bên vườn cây ăn quả xum xuê trái. Ảnh: N.H

"Ngày ấy khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm kiếm các mô hình trồng cây ăn quả, tôi cũng rất băn khoăn. Khoảng năm 1994, khi ấy cây măng cụt chưa có giá như bây giờ, nhưng khi được dự án Fao hỗ trợ tôi cũng đầu tư trồng 20 cây.

Nay đã cho thu hoạch ổn định. Tôi không độc canh một loại cây trồng mà trồng xen canh thêm nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, thanh trà, cam, chuối, cau…", ông Nhơn chia sẻ.

Có ở đâu như Quảng Nam, nông dân bảo vệ cây ăn quả như thế này đây - Ảnh 4.

Để bảo vệ vườn cây ăn quả giá trị kinh tế cao, ông Phan Đình Nhơn đã mua cây cáp về chằng nịt dưới bê tông để tránh thiệt hại khi bão đổ bộ. Ảnh: CTV

Thực hiện Nghi quyết 35 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gia đình ông Nhơn tiếp tục đầu tư trồng thêm 100 cây măng cụt và khoan giếng lấy nguồn nước tưới cho cây trồng.

Ngoài ra, gia đình ông Nhơn cũng đầu tư chỉnh trang lại khuôn viên vườn nhà, cổng ngõ theo hướng xanh, sạch, đẹp, hiệu quả. Xã Tiên Hà đã tiến hành nghiệm thu hỗ trợ gia đình trên 30 triệu đồng. Cùng với trồng cây ăn quả, những năm gần đây cau tươi Tiên Phước được giá, ông Nhơn đầu tư chăm sóc lại vườn cau gần 1.000 cây, trong đó gần 250 cây đang cho quả. Vụ này, gia đình thu về gần 2 tấn cau, với khoảng gần 100 triệu đồng.

Để cây trồng chống chịu với mưa bão, ông Nhơn bỏ ra hơn 5 triệu đồng mua xi măng, sắt, thép về đào hố trồng trụ bê tông, sau đó dùng dây neo chằng, chống 4 phía xung quanh thân cây đảm bão không bị ngã đổ.

Có ở đâu như Quảng Nam, nông dân bảo vệ cây ăn quả như thế này đây - Ảnh 5.

Vườn cây măng cụt mấy chục năm tuổi của ông Phan Đình Nhơn được bảo vệ trước khi mùa mưa, bão về. Ảnh: T.H

"Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây ăn quả bị gãy, đổ trong mùa mưa bão, tôi mua xi măng về đồ hố sâu 70cm, rộng 50cm đổ bê tông, sắt chôn dưới đó, sau đó dùng dây thép neo chằng, chống vào thân cây để cây trồng không bị nghiêng, gãy, đổ khi có gió lớn, mưa bão, dông lốc xảy ra.

Cùng với đó tôi cũng cắt tỉa, dọn dẹp cây ăn quả, hạ độ cao để giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra gió mạnh, mưa lớn", ông Nhơn chia sẻ.

Ngoài ra, ông Nhơn còn mạnh dạn đầu tư 170 triệu đồng xây dựng khu chuồng trại với diện tích 1.500m2 để chăn thả 30 con heo nái, heo thịt. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 2 tấn heo hơi, sau khi trừ chi phí xong, thu về 50 triệu đồng.

Có ở đâu như Quảng Nam, nông dân bảo vệ cây ăn quả như thế này đây - Ảnh 6.

Nông dân ở Quảng Nam chằng chống dây cáp để bảo vệ cây ăn quả. Ảnh: CTV

Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch Hội nông dân xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước cho biết: "Bà con nông dân ở đây nhờ trồng cây ăn quả, nhất là trồng cam giấy, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng mà nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Do vậy, bà con rất quan tâm đến việc bảo vệ vườn cây ăn quả, họ đầu tư đào hố trồng trụ, mua dây về chằng, chống cho vườn cây ăn trái trong mùa mưa lũ. Gia đình ông Nhơn là một trong những hộ phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương. Ông đã mạnh dạn đâu tư trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo, làm giàu hiệu quả. Hiện Hội Nông dân của xã đã chọn mô hình này làm điểm để nhân rộng, phát triển kinh tế".

Cũng theo ông Lê Hồng Phong, ngoài việc tham gia phát triển kinh tế gia đình, ông Nhơn còn chia sẻ kinh nghiệm, tham gia đóng góp trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, các hoạt động xã hội ở địa phương.

Hiện ông Nhơn đang làm Chủ nhiệm câu lạc bộ "Nhà sạch, vườn đẹp, hiệu quả" ở thôn Tiên Tráng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem