Lái mai dùng chiêu “nước chảy vùng trũng” hốt tiền ngày Tết

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 23/01/2020 12:29 PM (GMT+7)
Bằng cách dùng “chim mồi” hét giá, thương lái ngồi một chỗ tha hồ bán mai thu tiền mấy ngày Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Mới sáng 28 Tết Nguyên đán Canh Tý, chị Trâm – một người bán mai trên đường An Dương Vương (Q.6, TP.HCM) đã treo bảng “xổ mai” với giá 700.000 đồng/cây.

Nước chảy vùng trũng 

Trước đó, từ ngày 24 Tết, chị Trâm đã kêu giá mỗi cây mai từ 1,5 – 2 triệu/cây. “Tết nay tôi thuê 2 chỗ bán mai vàng. Tôi định xổ hết đám mai này, còn bao nhiều sẽ dời về điểm bán kia”, chị Trâm chia sẻ.

img

Chị Trâm treo bảng "xổ mai"

Cũng theo chị Trâm, cho đến ngày 28 Tết, chị mới bán được hơn chục cây mai, trong khi tại điểm thuê này, chị có đến hơn 100 gốc.

“Chị ấy hét giá ghê gớm quá, ai dám mua mai”, một chị chủ quán nước cạnh vựa mai của chị Trâm thổ lộ.

Nhìn tấm hình tôi chụp tại vựa mai của chị Trâm, ông Mười Lập (Lê Văn Lập) – một chủ vườn mai ở xã Bình Lợi (Bình Chánh, TP.HCM) cười vui: “Mai này nếu mua tại vườn mai Bình Lợi chỉ 300.000 đồng/cây”.

Ông Lập cho biết thêm, sau vài mùa Tết bị thị trường tẩy chay bởi hét giá, hiện thương lái đang bày chiêu mới đánh lừa người chơi mai.

Theo ông Mười Lập, vào mùa Tết, trên con đường Vườn Thơm (xã Bình Lợi, bình Chánh) có một nhóm thương lái thuê gần 20 chỗ bán mai.

Thực chất, nhóm này chỉ có một thương lái và những người khác là bán thuê. Thương lái thuê người bán mai với giá 500.000 đồng/ngày. Nhiêm vụ của người bán là phải hét giá mai trên 1 triệu đồng/cây, theo yêu cầu thương lái.

“Nhiều chỗ bán mai chỉ có nhiệm vụ hét giá cao ngút ngàn để giúp bán được mai”, ông Mười Lập bật mí.

Thường từ ngày 24 – 26 Tết, người chơi mai chỉ đi chơi và khảo sát giá cả thị trường chứ chưa mua hàng. Nơi nào bán mai rẻ, họ “chấm” để đấy đến 28 – 30 Tết sẽ đến mua chậu mai.

Với chiêu “nước chảy vùng trũng”, trong khi các nơi bán mai hét giá khủng, thì chỗ thương lái chính chỉ cần có lời là bán. Người chơi mai sẽ dồn về đây để mua được chậu mai với giá rẻ hơn và đẹp hơn các chỗ "chim mồi" khác. 

“Thường thương lái sẽ bán rẻ hơn nơi "chim mồi" có thể đến nửa giá. Nói chung, phải có người hét giá thì thương lái chính mới bán được mai”, ông Mười Lập khẳng định.

img

Cung đường mai vàng Tết trên đường Nguyễn Văn Luông (Q.6, TP.HCM)

Cũng theo ông Mười Lập, những thương lái ông quen đã chơi chiêu này thường không ai phải chặt mai cuối ngày 30 trong vài vụ Tết gần đây.

Tư duy "kinh doanh chiêu trò"

Theo Sở Công Thương TP.HCM, Tết này thị trường TP tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, lily, cẩm chướng... Trong đó, 4 chợ chuyên doanh hoa lớn (Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức) cung ứng khoảng 80% thị phần hoa.

img

Người chơi mai khó biết giá trị thật cây mai nên dễ bị thương lái hét giá.

Ban Quản lý chợ hoa Xuân Bình Điền, dự kiến từ 22 - 30 tháng chạp, các nhà vườn ở Chợ Lách (Bến Tre) mang lên 40.000 sản phẩm, chủ yếu là mai vàng, tắc kiểng, hoa giấy, hoa các loại, kiểng cổ và bonsai, kiểng lá… Trong đó có rất nhiều loại mới, giá bán cao hơn Tết 2019 khoảng 3 - 5%.

Ông Mười Lập cho biết, bao năm nay người bán vẫn nghĩ người mua sẽ mua bất chấp giá cả, chỉ vì lý do Tết phải có chậu hoa trưng trong nhà. Từ đó, người bán mặc sức hét giá, giá cao gấp cả 10 lần ngày thường, trong khi hoa Tết ngày càng tràn ngập thị trường.

“Vậy nên để tránh cảnh cứ mỗi năm chiều 30 Tết lại có cảnh thương lái đập cây, thì đừng có những ngày đầu hét giá trên trời, những ngày cuối giảm giá sát đất”, ông Mười Lập chia sẻ.

Sau vụ “bể” chợ Tết Đầm Sen năm ngoái, Chuyên gia quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp Hồ Trọng Lai chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội của ông rằng, câu chuyện "vỡ trận" của chợ hoa Đầm Sen là một minh chứng cho kiểu tư duy kinh doanh mang tính chiêu trò của một bộ phận thương lái: đó là tìm cách đẩy giá kiếm lời vào những dịp khách hàng có nhu cầu cao.

Kiểu tư duy này hoàn toàn ngược với các doanh nghiệp ở nước ngoài. Những mùa cao điểm mua sắm thì họ lại khuyến mãi, giảm giá để chiếm cơ hội bán hàng, đẩy doanh thu.

img

Cha con rinh nàng xuân về nhà.

Xét bài toán tài chính thì rõ ràng, mức tăng giá 50%, hay thậm chí là 100% so với bình thương cũng khó lòng bù đắp cho những rủi ro, như: dội chợ, ế hàng...

Bởi lẽ, khách hàng là người quyết định dựa vào các giá trị mong muốn. Nếu giá cao hơn giá trị mà họ mong muốn thì chẳng ai mua hoặc mua với số lượng thấp nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem