Làm gì để được nâng ngạch công chức?

Bảo Linh Thứ sáu, ngày 16/04/2021 15:50 PM (GMT+7)
Theo quy định của pháp luật hiện hành, công chức được nâng ngạch thông qua 2 hình thức.
Bình luận 0

2 hình thức nâng ngạch công chức

"Hai hình thức nâng ngạch công chức được quy định rõ tại Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019" - Luật sư Phạm Quang Xá - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay.

Cụ thể, công chức được nâng ngạch thông qua hai hình thức:

Thi tuyển.

Xét nâng ngạch.

Khi đó, nếu công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn.

Đồng thời, người được nâng ngạch thông qua thi hoặc xét còn được xem xét bố trí vào vị trí việc làm tương ứng với ngạch mới.

Làm gì để được nâng ngạch công chức? - Ảnh 1.

Nâng ngạch công chức qua hình thức thi tuyển

Hiện nay, đối với hình thức thi tuyển, để được thi nâng ngạch, công chức phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 45 Luật năm 2008 và khoản 3 Điều 29 Nghị định 24 năm 2010 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 14 Điều 1 Nghị định 161 năm 2018 hướng dẫn Luật 2008 gồm:

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhu cầu về công chức đảm nhận vị trí việc làm tương ứng ngạch dự thi.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của ngạch dự thi.

- Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang bị xem xét xử lý kỷ luật.

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch hiện giữ.

- Đáp ứng về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi.

- Có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký.

Như vậy, về cơ bản theo quy định hiện hành, công chức phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, tư cách, đạo đức… và cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhu cầu thì được đăng ký dự thi nâng ngạch.

Nâng ngạch công chức qua hình thức xét nâng ngạch

Đối với hình thức xét nâng ngạch, Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định công chức được xét nâng ngạch trong 2 trường hợp sau đây:

- Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ, được cấp có thẩm quyền công nhận.

- Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu vị trí việc làm.

Trên đây là toàn bộ điều kiện để nâng ngạch công chức. Có thể thấy, quy định về nâng ngạch của công chức hiện nay đã trở lên rõ ràng, cụ thể hơn rất nhiều so với quy định pháp luật trước đây, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật một cách hệ thống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem