Phải chăng, các doanh nghiệp TĂCN đang làm giá trên chính lưng của những người nông dân?
Lỗ nặng, dân khóc
Cũng như các tỉnh phía Bắc, tại thời điểm này, người chăn nuôi tại nhiều tỉnh miền Nam như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang điêu đứng vì giá cả xuống thấp. Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, sau bao nhiêu cố gắng của hiệp hội, ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng như người chăn nuôi trong tỉnh, giá lợn hơi hiện tại vẫn chưa vượt qua được mức giá thành sản xuất.
|
Dù phải liên tục bán sản phẩm dưới giá thành, nông dân vẫn phải chịu cảnh giá TĂCN tăng giá. |
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, lợn hơi nuôi tại các trang trại hiện đại, dáng đẹp, thịt chắc… bán được với giá từ 37.000 – 38.000 đồng/kg. Tuy nhiên, không có nhiều hộ chăn nuôi bán được lợn với giá trên, hầu hết chỉ bán được với từ 34.000 – 35.000 đồng/kg. Trong khi giá thành sản xuất cũng đã từ 40.000 đồng/kg, tức nông dân phải chịu lỗ từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Đặc biệt, đối với lợn quá lứa, trọng lượng trên 100kg, giá chỉ còn từ 33.000 – 34.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua. “Chỉ trong tháng 3, hiệp hội nhận hàng trăm lá đơn cầu cứu cũng như cuộc điện thoại nhờ can thiệp của các hộ chăn nuôi. Nhiều bà con đến nói chuyện với hiệp hội, chưa mở đầu câu chuyện đã bậc khóc như con nít vì tiếc của”- ông Công kể.
Hộ chăn nuôi Đàm Văn Quang ở thôn 7 xã Xuân Quan, (Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: Tiền giống mua 1 con lợn khoảng 7 - 10kg hết 1,3 triệu đồng. Để nuôi lợn tới lúc xuất chuồng phải mất 1 bao cám sữa giá 450.000 đồng, 13 bao cám viên giá 328.000 đồng/bao; cộng với chi phí khác, giá thành sản xuất mỗi con lợn hết hơn 6 triệu đồng.
Nếu bán mỗi con lợn (loại 100kg) với giá móc hàm 55.000 đồng/kg, như hiện nay, mỗi con lợn, người chăn nuôi lỗ tới hơn 1 triệu đồng. “Như thế, các doanh nghiệp sản xuất TĂCN khác nào đang làm giá, thu lợi trên lưng của những người nông dân chúng tôi”- ông Quang nói.
Ông Đàm Văn Hoạt – Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX – TM Trại Việt (VietFarm) bức xúc nói: “Tôi chưa thấy ngành chăn nuôi ở đâu nhiều nghịch lý như ngành chăn nuôi trong nước. Trong khi giá đầu vào cũng như giá sản phẩm trên thị trường, tại các chợ, siêu thị cao ngất ngưởng, thì tại trại, người nông dân vẫn phải chịu lỗ, cắn răng chịu đựng cảnh bán dưới giá thành”.
Giá TĂCN tăng mạnh
Dù vẫn phải “cõng lỗ trên lưng” nhưng mới đây, nhiều doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu vào như TĂCN, thuốc thú y... vẫn tiếp tục đẩy giá bán lên cao. Trước đó, trong năm 2012, giá TĂCN đã có 4 lần tăng giá, như giá TĂCN hỗn hợp cho gà đã tăng 4,7% và giá TĂCN hỗn hợp cho lợn tăng 4,8%.
Ấy vậy mà theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá TĂCN Việt Nam chưa phải đắt nhất thế giới. “Chúng ta chỉ đắt hơn Thái Lan, Trung Quốc khoảng 5-10%, nhưng lại thấp hơn Philippines, Indonesia”- ông Dương khẳng định. Vẫn theo ông Dương, nếu nuôi trong dây chuyền công nghiệp, chỉ cần 2,2 - 2,4kg cám sẽ thu được 1kg thịt, nhưng nếu lợn nuôi trong dân phải cần tới 2,8-3kg cám. Do đó, giá thành chăn nuôi cao còn nhiều yếu tố khác như chi phí về thú y, giống…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT yêu cầu: Kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi
Mặc dù người chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn như vậy, song mới đây khi một số chủ chăn nuôi lớn kêu gọi giảm giá TĂCN, thì nhiều doanh nghiệp sản xuất TĂCN lại kêu... ngược khi cho rằng mình đang chịu thua lỗ, thậm chí cần phải được hỗ trợ.
Trước động thái này, mới đây Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã phải chỉ đạo Cục Chăn nuôi kiểm tra giá TĂCN, nếu cần thiết, phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất TĂCN để có biện pháp điều chỉnh, kiểm soát giá mặt hàng trên nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng cho người chăn nuôi. Bộ trưởng cũng yêu cầu, nếu cần thiết, Cục Chăn nuôi cần công bố công thức pha trộn, sản xuất TĂCN để người chăn nuôi có thể tự chế biến, giảm giá thành.
Phi Long
Chưa hết, ông Công cũng cho biết, ngay sau tết, các doanh nghiệp cung cấp TĂCN, thuốc thú y… lại tiếp tục gửi thông báo sẽ bắt đầu tăng giá từ tháng 4 tới. Theo đó, tất cả các khoản chi phí đầu vào đều tăng thêm từ 5 – 15%, có những doanh nghiệp còn tăng thêm đến 25% so với mức giá hiện tại.
“Hiện tại, giá một số nguyên liệu thức ăn gia súc thế giới có giảm nhẹ, tuy nhiên, giá sản phẩm trong nước vẫn không giảm. Mà có bao giờ doanh nghiệp bán cám, thuốc thú y gửi thông báo giảm giá đâu? Nếu có thì cũng chỉ là thông báo khuyến mãi, mà khuyến mãi thì đâu có tới tay nông dân, chỉ “đọng lại” ở các đại lý hết”- ông Công cho biết.
Ngay cả ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cũng thừa nhận, do phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nước ngoài nên trong thời gian tới, giá TĂCN trong nước sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Ông Phạm Đức Bình - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) cũng khẳng định: “Trong tình cảnh người chăn nuôi ngày càng khốn khó như hiện nay, hiện nay ngành chế biến, kinh doanh TĂCN vẫn là ngành siêu lợi nhuận tại Việt Nam, doanh thu từ 3 - 5% mỗi năm, cao hơn gấp đôi, gấp 3 so với các nước trong khu vực”.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Trí Công cho biết, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang chuẩn bị tổ chức “đàm phán” với các doanh nghiệp đầu vào. Qua đó, hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu vào cùng chia sẻ lợi nhuận với nông dân, giảm bớt giá bán.
“Nếu sau khi giải thích, kêu gọi hỗ trợ… mà giá TĂCN vẫn ở mức cao, quá sức chịu đựng của người nông dân thì hiệp hội sẽ phải khuyến cáo hội viên “tẩy chay” sản phẩm của các doanh nghiệp có mức tăng giá bất hợp lý”- ông Công cho biết.
Thuận Hải - Thanh Xuân - Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.