Làm giàu ở nông thôn: Trồng lúa cách lạ, tiền bán thóc thì ít mà tiền bán 2 con đặc sản trong ruộng thì nhiều

Thứ tư, ngày 08/09/2021 19:05 PM (GMT+7)
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đang giúp nông dân nơi đây đổi đời
Bình luận 0

Đứng trước cánh đồng đang cày, bừa dang dở để chuẩn bị cho vụ lúa tiếp theo, lão nông Trần Văn Kỉnh (58 tuổi) - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Yên Diên, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - vừa chỉ cho chúng tôi thấy những khu vực đất trước đây là ruộng hoang hóa, nay được gia đình ông bỏ công sức, tiền của ra cải tạo lại để sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy sau nhiều vụ nuôi trồng thử thành công.

Được mùa cả 3

"Mình là nông dân, thấy đất cứ bỏ hoang như thế buồn lắm. Tôi đã bàn với vợ cùng các con phải thay đổi tư duy sản xuất thôi, chứ cứ canh tác theo cách cũ thì không thể nào mang lại hiệu quả kinh tế cao được" - lão nông Trần Văn Kỉnh nhớ lại.

Ông Kỉnh cho biết hiện gia đình ông có 15 ha đang thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy. 

"Vụ lúa vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch được gần 40 tấn lúa ST24 và ST25. Đây là giống lúa thơm đặc sản chất lượng cao, gạo bán ra thị trường với giá 35.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với gạo bình thường" - ông Kỉnh phấn khởi nói.

Trồng lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy - Ảnh 1.

Lão nông Trần Văn Kỉnh, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bên ruộng rươi, cáy của gia đình

Ông Kỉnh và nhiều nông dân khác trong vùng nhận ra rằng sản xuất sử dụng các loại phân bón hữu cơ giúp cây trồng ít bị sâu bệnh, đất được cải tạo tốt nên cây lúa phát triển tốt, năng suất cao. 

"Do ruộng lúa không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại nào nên khi thu hoạch lúa, rươi xuất hiện nhiều. Do rươi một năm chỉ có một mùa vào độ tháng 8, tháng 9 âm lịch nên mỗi gia đình thu nhập từ rươi khoảng chừng trên dưới 40 triệu đồng. 

Riêng cáy thì nhiều nên bà con liên tục đi bắt làm ruốc cáy, nước cáy để bán. Mỗi chai nước cáy có giá 70.000 đồng. Từ đây, nông dân như chúng tôi có thể nghĩ tới việc làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ rồi" - lão nông Trần Văn Kỉnh tự tin nói.

Nhà nước và nông dân cùng làm

Ông Khỉnh cho biết cách đây gần 10 năm, ông đã nghĩ ra mô hình này nhưng do thời điểm đó chưa được tiếp cận và áp dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất còn thấp. Kể từ khi có sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình ông cũng như nhiều hộ khác đã tiếp thu và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất nâng lên rõ rệt.

Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ, nhìn nhận trước đây việc khai thác rươi, cáy của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thấp, tính hiệu quả kinh tế không cao; còn về sản xuất lúa thì người dân sản xuất theo tập tục, được chăng hay chớ.

Bắt đầu từ năm 2020, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy tại 3 xã Yên Hồ, Bùi La Nhân và xã Quang Vĩnh. 

Hiện nay, huyện đang thử nghiệm trên 102 ha sản xuất lúa trên ruộng khai thác rươi và cáy với 502 hộ tham gia. 

"Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình theo đúng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa hướng hữu cơ, ứng dụng các tiến bộ về giống, phân bón phù hợp, vụ đông - xuân vừa qua đã có được những kết quả đáng khích lệ; năng suất lúa đạt từ 44-46 tạ/ha, đây là kết quả rất khả quan" - ông Đông nhận định.

Trồng lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy - Ảnh 2.

Người con dâu của ông Kỉnh đang đóng gói sản phẩm OCOP gạo hữu cơ để bán ra thị trường

Theo ông Đông, để người dân yên tâm gắn bó và làm giàu từ đồng ruộng, chính quyền tỉnh và huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ: cho đi học tập, tham quan ở các tỉnh đã triển khai và đạt được kết quả kinh tế cao từ mô hình này; hỗ trợ giống, phân bón cho người dân; đầu tư đồng bộ trong việc cải tạo đồng ruộng, hệ thống kênh dẫn nước khai thác rươi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón cũng như quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ...

Nông dân cấy lúa bằng máy, điều tiết nước hợp lý; hướng dẫn cách sử dụng phân bón chuyên dùng cho ruộng rươi, chế phẩm sinh học Seamal zen phun qua lá để tạo bộ lá và hệ rễ cho cây lúa phát triển tốt, vào các thời điểm bón thúc.

Với những kết quả bước đầu khả quan của mô hình, ông Bùi Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), xác định đây là cơ sở để chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành với bà con trong việc phát triển sản phẩm OCOP rươi, cáy, gạo hữu cơ trên ruộng sinh thái. 

"Việc người dân ngày càng tin tưởng vào mô hình này để yên tâm sản xuất, không những giúp đời sống nhân dân đi lên mà còn góp phần trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp" - ông Sơn phấn khích. 

Thay đổi tập quán, tư duy

Nhìn thấy các sản phẩm OCOP làm ra từ rươi, cáy và gạo hữu cơ đang được thị trường ưa chuộng, giá cao, nhiều gia đình nông dân ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang dần thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống sang mô hình sinh thái sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, bởi hiệu quả kinh tế bước đầu đã cho thấy rất cao. Từ đây, nông dân có thể tự tin làm giàu trên chính quê hương mình" - ông Nghiêm Sỹ Đông tin tưởng.

Vĩnh Gia (Báo Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem