“Sản xuất nhiều, nhưng khó tiêu thụ”
Toàn TP.Hà Nội hiện có 16.000ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 13 đầm nuôi tập trung trên 2.500ha, năng suất bình quân đạt 8-10 tấn/ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 350 triệu đồng/ha. Khoảng 1.000ha ruộng trũng đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, đầu tư hỗ trợ nâng cao 8 cơ sở sản xuất giống thủy sản với sản lượng 1 tỷ con cá giống/năm.
Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất thủy sản của thủ đô còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là, quy mô các trang trại nuôi trồng thủy sản phần lớn là nhỏ, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, sản phẩm đạt chất lượng cao và vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thủ đô. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư sản xuất đất nông nghiệp triển khai trong thực tế còn nhiều bất cập. Hàng hóa nông sản có thương hiệu chưa nhiều…
Tại hội thảo, ông Phạm Khánh Ly - Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết thêm: “Hiện nay, công tác quản lý về việc giải quyết tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm thủy sản còn kém. Sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Mặt khác, người tiêu dùng đang nghi ngờ về chất lượng của thủy sản chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó dẫn đến thực trạng, thủy sản sản xuất ra vẫn còn tiêu thụ chậm”.
Ông Vũ Văn Mai (xã viên Hợp tác xã Kiều Châu, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) chia sẻ thêm: “Gia đình tôi cùng các hộ khác trên địa bàn xã chủ yếu chăn thả các loại cá truyền thống như cá rô phi, cá trắm, cá chép... Thủy sản sản xuất ra chủ yếu do các lái buôn thu mua và định giá, không có mức giá chung nào được đưa ra ở mỗi vụ. Vì vậy, so với giá trên thị trường, bà con nông dân ở đây thường bị các lái buôn ép giá”.
Không phát triển ồ ạt
Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phân tích: Để ngành thủy sản Hà Nội phát triển, vấn đề là chúng ta nghiên cứu thế nào để đầu tư và phát triển có quy hoạch phù hợp với điều kiện phát triển. Nếu chúng ta không có quy hoạch mà phát triển một cách ồ ạt, nhất là phát triển theo hình thức tự phát sẽ dễ dẫn đến rủi ro cao”.
Trong nỗ lực tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ thủy sản trên địa bàn huyện Ba Vì, ông Nguyễn Văn Hải đề xuất một số giải pháp như: Thường xuyên đưa các sản phẩm thủy sản đến với các hội chợ do sở nông nghiệp tổ chức, qua đó tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm của mình đến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thêm vào đó, do quy mô hoạt động lĩnh vực thủy sản trên địa bàn còn chưa lớn, chủ yếu theo hộ gia đình nên việc tập trung thu gom sản phẩm còn nhỏ lẻ, cần hình thành hệ thống cung ứng bắt nguồn từ các xã để dễ dàng đưa sản phẩm của mình đến với thị trường lớn trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, công tác phát triển thương mại thủy sản được đặc biệt chú trọng, thực hiện theo hướng kịp thời đánh giá tình hình thị trường trong nước để đưa ra những giải pháp tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường.
Hy vọng với những việc làm thiết thực mà toàn ngành đang thực hiện sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành thủy sản thủ đô trong thời gian tới, tiếp tục góp phần giảm nghèo và làm giàu cho bà con nông dân Hà Nội.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã đưa 20.838ha vào nuôi trồng thủy sản, tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2013. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 41.422 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ 2013, sản lượng giống thủy sản ước đạt 1.180 triệu con.
Mở rộng vùng nuôi theo hướng chuyên nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã kiểm tra đánh giá phân loại ở 41 cơ sở nuôi trồng thủy sản, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 14 đơn vị, tổ chức 33 lớp tập huấn về phòng bệnh và xử lý môi trường. Chi cục cũng lấy mẫu môi trường nước tại 15 vùng nuôi trồng thuỷ sản, phân tích các chỉ tiêu phục vụ công tác kiểm soát chất lượng thuỷ sản và cảnh báo môi trường, bệnh thuỷ sản, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý môi trường, cách sử dụng thức ăn để hạn chế tối đa thiệt hại do môi trường dịch bệnh gây ra. Chi cục đã thực hiện các giải pháp ngăn chặn việc sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thuỷ sản, cách diệt trừ thuỷ sinh vật ngoại lai xâm hại.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Xuân Việt khẳng định, TP.Hà Nội có diện tích thuỷ sản lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thời gian tới, yêu cầu Chi cục cần tập trung mở rộng vùng nuôi hướng đến chuyên nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên. Tập trung kiểm dịch về giống, mở rộng phạm vi kiểm dịch giống. Tăng cường quản lý về môi trường nuôi thủy sản, cần phát hiện xử lý kịp thời môi trường ô nhiễm. Dũng Dung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.