Làm việc kiệt sức, lương vẫn không đủ sống

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 15/03/2019 06:35 AM (GMT+7)
Dù phải làm việc từ 10-12 tiếng/ngày, nhưng nhiều công nhân vẫn không đủ thu nhập để sống. Trở về nhà với cơ thể mệt mỏi, không còn thời gian nghỉ ngơi, lâu ngày không ít lao động mắc nhiều bệnh tật và rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Bình luận 0

5 triệu tiền lương nuôi 3 miệng ăn

Vừa đánh vật với cô con gái nhỏ trong căn phòng trọ 15m2, chị Lê Thị Tám (ở Thanh Hóa) vừa chuẩn bị đồ đạc lỉnh kỉnh để đi làm trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Khoảng 3 năm trước, chị đi làm công nhân may cho một công ty may ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Làm được 1 năm chị cưới chồng, hai vợ chồng đều là công nhân nên thu nhập rất thấp. Tính ra mỗi tháng chị Tám và chồng chỉ nhận được khoảng 9 triệu đồng tiền lương. Tháng nào tăng ca may ra mới kiếm thêm được 2-3 triệu đồng nữa.

img

Công nhân dệt may là những lao động chịu mức lương thấp nhất theo sàn chung (Ảnh chụp tại Công ty may TNG Thái Nguyên).  Ảnh: M.N

"Hầu hết các nhãn hàng ngành may mặc đều trích phần tiền lương rất thấp. Đã đến lúc, Việt Nam không nên sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ. Có lẽ chúng ta phải so sánh giữa mức lương tối thiểu và mức lương đủ sống để thấy hiện vẫn còn một khoảng cách rất xa” .

Ông Lê Đình Quảng

“Tháng nào cao lắm hai vợ chồng nhận được khoảng 12 triệu tiền lương. Tính ra, trừ 2 triệu tiền thuê nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền nuôi con thì mới dư được 1-2 triệu đồng. Lương thấp, không có tích lũy nên mỗi lần có người trong nhà ốm hay gia đình về quê thì bao khoản gom góp lại hết sạch” - chị Tám kể.

Chị Phạm Thị Na - công nhân may ở Ninh Bình có hoàn cảnh không khá hơn. Chị Na làm cho công ty may đã được 8 năm. Chị nói, cách đây 8 năm, chị may cạp quần, đơn giá là 400 đồng/chiếc. Đến nay chị vẫn may cạp quần, đơn giá vẫn vậy dù doanh thu của công ty tăng. Lương thấp, mỗi tháng chỉ được 5 triệu đồng tiền lương nhưng chị Na đang phải nuôi thêm 2 đứa con trong tuổi ăn tuổi học.

Không riêng gì công nhân ngành may, các ngành điện tử, thủy sản... cũng là những ngành sử dụng nhiều lao động nhất, tuy nhiên, hiện nay mức lương của công nhân những ngành này còn rất thấp. Nếu không tăng ca, tăng kíp thì lương cơ bản chỉ được tầm 4-6 triệu đồng/tháng.

Lương đặc biệt thấp trong ngành da giày

Tình trạng lương thấp phổ biến trong chuỗi ngành may đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng nghèo đói. Thông tin này một lần nữa được khẳng định trong nghiên cứu nhỏ mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và Oxfam Việt Nam. Theo nghiên cứu này, có tới 99% người lao động có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống theo Sàn lương châu Á và 74% có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống theo tiêu chuẩn của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu.

Nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu và vẫn cùng con số 99% công nhân có mức thu nhập thấp hơn Sàn lương châu Á.

Trước thực tế tiền lương thấp không đủ sống trong đại bộ phận công nhân ngành dệt may nói riêng và công nhân nói chung, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, Chính phủ cần phải có chính sách mạnh mẽ và sự quan tâm đặc biệt hơn nữa tới vấn đề này.

Bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, hầu hết công nhân trong nghiên cứu trên của Viện đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái. Theo bà Lan, vấn đề tiền lương sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng của người lao động, gây tâm lý ức chế hoặc không thoải mái, dẫn đến năng suất và chất lượng công việc, người lao động làm việc uể oải, không hứng thú.

Ông Lê Đình Quảng - Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định, dù Quốc hội đã phải ban hành hẳn một nghị quyết về vấn đề tiền lương, nhưng đến nay vấn đề này chưa được giải quyết triệt để. Theo ông Quảng, nhiều lao động tâm sự, dù phải làm thêm mỗi ngày 2 tiếng nhưng không đủ sống nên phải làm thêm tới 4 tiếng. Thậm chí nhiều người dù tăng ca, làm việc ngày 12-14 tiếng nhưng đêm về vẫn phải nhận việc làm thêm vì thu nhập chưa đủ lo cho gia đình. Làm thêm khiến nhiều lao động trở nên kiệt quệ.

“Đấy là chưa kể rất nhiều khoản tiền lương, thưởng của công nhân bị khấu trừ do họ đi làm muộn, làm sản phẩm lỗi... Việc khấu trừ vào lương, thưởng của lao động là vi phạm pháp luật” - ông Quảng nói thêm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem