Làng cổ Dịch Diệp ở Nam Định với ngôi đền thờ 3 vị Thành hoàng cùng ngày tháng năm sinh (Bài 1)

Mai Chiến Thứ sáu, ngày 01/12/2023 13:25 PM (GMT+7)
Ít ai biết rằng, đền làng Dịch Diệp (thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) hiện đang thờ 3 vị Thành hoàng làng sinh ra trong một gia đình, sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm và cùng làm tướng dẹp quân xâm lược.
Bình luận 0

CLIP: Đền làng cổ Dịch Diệp (thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) hiện đang thờ 3 vị Thành hoàng làng có cùng ngày tháng năm sinh, cùng làm tướng dẹp quân xâm lược. Thực hiện: Mai Chiến.

Tuổi 14 "văn võ song toàn"

Ông Trần Duy Hội, Trưởng thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định kể, theo lịch sử để lại, xưa kia có một người tên là Nguyễn Nam Xương người Hàn Lâm, huyện Thượng Hiền (sau đổi thành Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam) cùng học trò Nguyễn Công bỏ làng quê đi tìm nơi ẩn dật.

Làng cổ Dịch Diệp ở Nam Định: Đền làng thờ 3 vị Thành hoàng có cùng ngày tháng năm sinh (Bài 1) - Ảnh 2.

Đền làng Dịch Diệp (thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

Một hôm đến xã Mật Lăng, huyện Tây Chân (sau đổi là Nam Chân, phủ Trực Ninh), ông cùng mấy người vào nghỉ chân tạm trú trong chùa, đến quá nửa đêm mơ màng nghe như quãng không trung phảng phất có tiếng gió tụng rằng:

 Người Hàn Lâm, người Hàn Lâm

Tìm nơi Dịch Diệp gặp nhân duyên Giời

Sau này sinh được hai giai

Lưu thơm nức tiếng muôn đời càng lâu.

Lại nói xã Vạn Diệp, huyện Thượng Hiền bấy giờ có ông Vũ Trân mấy đời nguyên là Hào trưởng. Tiên tổ ông ngày trước mua một khoảnh sa chân ở đất Tây Chân lập nên một doanh trại để ở.

Sau nhiều năm, sa thổ mỗi ngày một bồi rộng, cày cấy thuận tiện, về sau con cháu ngày thêm đông đúc, cảnh vật phì nhiêu thành ra một làng. Vua Lý Thái Tổ ban khen, cho một khoảnh ruộng và cho phép tự thu lấy thuế khóa rồi lập riêng một ấp gọi là Dịch Diệp Trang.

Ông Vũ Trân sinh được một người con gái tên là Châu Nương. Năm 16 tuổi, Châu Nương nhan sắc đượm đà, tiên nữ bình doanh, lãng uyển cũng không thể hơn được. Ông Vũ Trân lập một lầu cao cho Châu Nương ở riêng kén rể.

Khi Nguyễn Xương ở trong chùa bước ra đi được một quãng thấy trên lầu cao treo tấm biển đề kén rể, hỏi ra mới biết cô gái Châu Nương là con gái ông Vũ Trân ở vùng đó có nhan sắc còn đợi khách anh hùng.

Nam Xương đến trước lầu treo bảng đề thơ xong, bước thẳng vào nhà mượn điều du học. Khi đó Vũ Trân đương cùng phu nhân uống trà. Xem thế mạo thầy trò Nguyễn Xương biết không phải người tầm thường nên Vũ Trân đã nhận Nguyễn Công ở lại.

Sau một thời gian, ông Vũ Trân thấy Nguyễn Công là người thông minh khác thường, vì vậy ông đã chọn ngày làm lễ gả Châu Nương cho Nguyễn Công. Từ đó Nguyễn Công với Châu Nương duyên hài cầm sắc, Long Phượng đẹp đôi và sớm có thai.

Làng cổ Dịch Diệp ở Nam Định: Đền làng thờ 3 vị Thành hoàng có cùng ngày tháng năm sinh (Bài 1) - Ảnh 3.

Đền làng Dịch Diệp (thôn Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) hiện đang thờ 3 vị Thành hoàng làng. Ảnh: Mai Chiến.

Lại nói bấy giờ làng Sài Sơn, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây có một người con gái nhà họ Phạm Thị là Quang Lang. Năm 14 tuổi cha mẹ mất sớm Quang Lang không muốn xuất giá, xin đến ngôi chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc để tu.

Vào một đêm Quang Lang nằm nghỉ dưới cửa thiền, thiền sư "nhảy bước qua" mình nàng. Từ đó, Quang Lang trong mình chuyển động và có thai... Nàng sợ hãi nhảy xuống sông tự vẫn thì trôi đến Dịch Diệp Trang.

Châu Nương - vợ Nguyễn Công vớt được Quang Lang đưa về cứu sống; rất may cái thai trong bụng Quang Lang không bị ảnh hưởng. Từ đó, Châu Nương và Quang Lang coi nhau như chị em ruột thịt.

Đến ngày 6/3/1056 (năm Bính Thân), Châu Nương và Quang Lang cùng chuyển dạ. Châu Nương sinh trước, sinh được 2 trai, còn Quang Lang sinh cũng được 1 trai. Cả 3 bé trai đều mày ngài hàm én, mắt phượng mặt rồng, dung nghi chính chiên, khí vũ hiên ngang coi ra khác hẳn người thường.

Ba tháng sau, Quang Lang bỗng dưng đổ bệnh nặng và mất. Vợ chồng Nguyễn Công đưa linh cữu Quang Lang về an táng tại làng Sài Sơn (quê Quang Lang). Từ đó, vợ chồng Nguyễn Công nuôi nấng 3 con trẻ và đặt tên cho các con. Con lớn là Nguyễn Công Tham, con thứ là Nguyễn Công Văn; còn con trai của Quang Lang là Nguyễn Công Phạm.

Làng cổ Dịch Diệp ở Nam Định: Đền làng thờ 3 vị Thành hoàng có cùng ngày tháng năm sinh (Bài 1) - Ảnh 4.

Sắc phong Thần Phạn Đại Vương. Ảnh: Mai Chiến.

Đến 14 tuổi, cả 3 chàng trai đều thông minh, học một biết mười, văn chương thông suốt, võ nghệ tinh thông khác hẳn người thường.

Năm 17 tuổi nhằm vào giữa năm vua Nhân Tông (1072 - 1128) mới lên ngôi hạ chiếu cầu hiền. Khi biết tin, 3 chàng trai siết bao mừng rỡ, lai kinh ứng thí.

Khi bệ kiến trước thềm Rồng, cả 3 chàng trai đều "văn võ song toàn", vua Nhân Tông lấy làm mừng rỡ. Vua Nhân Tông phong Tham Công (tức Nguyễn Công Tham) làm Ngự sử trung thừa, Văn Công (tức Nguyễn Công Văn) làm Thái sư bác sĩ và Phạm Công (tức Nguyễn Công Phạm) làm Lang Trung. Từ đó cả 3 vị dốc một lòng phụ chính.

Xứng danh đất "Dịch Diệp Hy Long" hưng thịnh

Một thời gian sau, 3 vị tướng quân xin Vua về thăm quê hương và phần mộ, được vua Nhân Tông bằng lòng. Vua ban cho gấm vóc, bạc vàng nhiều lắm. Lậy tạ Vua xong, 3 ông trở gót về xã Hàn Lâm, huyện Thượng Hiền làm lễ tấu yết từ đường qua thăm mộ tiên cổ, rồi cùng dân bản liên hoan. Ba ông ở Hàn Lâm khoảng 1 tháng thì quay gót về Dịch Diệp Trang tiên cổ Ngoại đường.

Làng cổ Dịch Diệp ở Nam Định: Đền làng thờ 3 vị Thành hoàng có cùng ngày tháng năm sinh (Bài 1) - Ảnh 5.

Ông Trần Duy Hội - Trưởng thôn Dịch Diệp giới thiệu bức hoành phi có 4 chữ "Dịch Diệp Hy Long". Ảnh: Mai Chiến.

Trong thời gian ở Dịch Diệp Trang, Phạm Công xin phép hai anh về xã Sài Sơn giết trâu bò để tế bà sinh mẫu Quang Lang, xong đâu đấy lại về Dịch Diệp Trang để họp mặt cùng Tham Công và Văn Công.

Nhìn xem phong thủy, phong tình dẫn mạch chỗ nào cũng có cách thế hồi đầu, phía trước có một con sông, bên sông có đường tiểu lộ, sơn thực quanh co Long Hổ quần lại có vẻ nên thơ, 3 ông liền truyền lệnh cho binh lính và dân địa phương dựng nên Du cung - Tối Linh Từ ở bên sông.

Thiết lập xong, ba ông liền ban thưởng cho nhân dân địa phương để mở thêm ruộng đất làm công bản. Sau vài năm (ấy là vào năm 1092) vua Nhân Tông lệnh mời 3 ông hồi triều. Vua phong Tham Công làm Thượng tướng, Văn Công làm Tiền phong và Phạm Công làm Điều bạt binh lương đi đánh quân Chiêm Thành. Quân Chiêm Thành thua to, tuy nhiên trong lúc giao tranh, Nguyễn Công Tham tử trận.

Nhà vua nhớ công, phong tặng Nguyễn Công Tham là Lậu Khê Đại Vương và cho Nguyễn Công Văn, Nguyễn Công Phạm rước Nguyễn Công Tham về Dịch Diệp Trang dựng miếu Vũ và đặt ra thần hiệu để phụng thờ trong chốn Du cung.

Làng cổ Dịch Diệp ở Nam Định: Đền làng thờ 3 vị Thành hoàng có cùng ngày tháng năm sinh (Bài 1) - Ảnh 6.

Sắc phong Thần Lậu Khê Đại Vương. Ảnh: Mai Chiến.

Sau này, Nguyễn Công Văn quay trở về triều nhậm chức, còn Nguyễn Công Phạm dâng biểu xin từ chức, xuất gia, cắt tóc đi tu. Được Vua y chuẩn, vì có công to đối với giang sơn xã tắc nên Nguyễn Công Phạm được phong Đại Vương, sắc phong là Sinh thần (thần sống).

Từ đó, Nguyễn Công Phạm sửa sang chùa chiền, đúc chuông, tô vẽ tượng Phật và đổi tên là Phạm Vũ Đại Pháp thiền sư. Ông cùng mấy chú tiểu mang theo lễ vật lên thẳng Chùa Thầy (làng Sài Sơn) thắp hương tiến cúng. Nhớ chùa đó làm nơi Từ Đạo Hạnh giải thi (trút xác mở hóa). Ngày 7/3 âm lịch ông mất ở Sài Sơn.

Biết tin, Vua truyền lệnh cho nhân dân viết Thần hiệu Phạm Công Đại Vương để phụng thờ cùng với Lậu Khê đại vương ở chùa Dịch Diệp bên sông.

Còn Nguyễn Công Văn vào buổi đẹp trời trên núi Đọi Sơn, bỗng dưng trời đất tối sầm mưa gió nổi lên đương ban ngày giữa trưa mà coi mù mịt như ban đêm. Trong chốc lát trời tạnh, mặt trời sáng thì không thấy ông đâu nữa, chỉ thấy chỗ ông ngồi, mối đã đùn lên thành một cái gò.

Làng cổ Dịch Diệp ở Nam Định: Đền làng thờ 3 vị Thành hoàng có cùng ngày tháng năm sinh (Bài 1) - Ảnh 7.

Sắc phong Thần Chương Trần Đại Vương. Ảnh: Mai Chiến.

Vua nghe tin đó, tặng phong ông là Chương Tấu Đại vương và cho người dân làng Dịch Diệp Trang rước sắc, đưa về thờ phụng cùng 2 vị. Vậy là đền Dịch Diệp chính thức trở thành chốn linh thiêng ngàn đời tôn thờ 3 vị.

Được biết, lúc sinh thời Nguyễn Công Văn đề đạt 1 nguyện vọng với dân làng là hằng năm vào ngày 6 tháng 3 âm lịch thì đưa các vị về cung hội đồng xương hạt làm vui. Từ đó, dân làng tuân theo lấy ngày 6 tháng 3 âm lịch là ngày hội làng cúng lễ vui vẻ, long trọng.

"Với công lao to lớn của 3 vị, nhà Vua qua các triều Lý, triều Lê đã phong cho 3 vị 17 sắc phong. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang lưu giữ và bảo quản 17 sắc phong để sắc phong trường tồn mãi mãi", ông Trần Duy Hội – Trưởng thôn Dịch Diệp cho hay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem