Làng có nhiều tên nôm, bảng vàng tiến sĩ

Thứ năm, ngày 20/03/2014 07:39 AM (GMT+7)
Chẳng biết từ bao giờ vùng này lan truyền câu ca: “Bao giờ chùa Địch hết cây/ Sông Lai hết nước Triện rày hết quan”...
Bình luận 0
Đến thăm xưởng thêu của chị em nông dân thôn Phương Triện thấy không khí làm việc nhẹ nhàng, bình thản, những búp tay nhẹ nhàng chấm phá, thoăn thoắt điêm từng mi li mét trên khung thêu.

Như đoán được điều tôi nghĩ, chị Toan phó chủ nhiệm nói: “Làm nghệ thuật, không đam mê, thiếu niềm tin không có sản phẩm đẹp”.

Ngắm những bức tranh thêu treo ở phòng ban chủ nhiệm, nếu không được xem trực tiếp hẳn ai cũng nghĩ nó được mang về từ đâu đó, không phải của chị em thôn nữ quê mình.

Làng Phương Triện hôm nay xưa có cái tên nôm rất đỗi tự hào: “làng Triện Quang”. Huyện Gia Bình có 5 làng Triện kề sát nhau Gồm Triện Hương, Triện Quang, Triện Chung, Triện Quán, Triện Dộc. Trong 5 làng Triện nói trên làng Triện Quang từ bao đời nay có thương hiệu rõ ràng.

img

Làng còn có tên nôm khác là làng “nho lâm”. Thời phong kiến lãng đã có tới 6 vị tiến sỹ, bốn vị nho Trần danh và hai họ Phạm. Các vị tiến sỹ trong làng được ghi danh trong văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, văn miếu Bắc Ninh, và nhiều nơi khác.

Trong đó một gia đình ba đời đỗ tiến sỹ và làm quan to. Tiến sỹ ông Trần phụ Dục, hai tiến sỹ con Trần Danh Lâm, Trần Danh Linh và tiến sỹ cháu là Trần danh Án. Năm 2011 họ Trần danh làng Phương Triện được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc ninh công nhận “Dòng họ lịch sử văn hóa”.

Chùa Địch nằm trong quần thể Tam San thuộc xã Đại Lai. Nơi xua có ba ngọn núi, cây mọc như rừng, có sông Lai, nhánh của sông Thiên Đức là miền đất địa linh sinh nhân kiệt.

Nhìn quang tre làng Phương Triện rất thanh và đẹp, vặn chặt, dùng bền không nơi nào học được. Hàng trăm năm đi qua, quang vặn Phương Triện vẫn độc tôn. Nghề vặn quang nặng nhọc. Nặng nhất đi mua tre. Tre làm quang như tre làm chạc, chão phải là bánh tẻ, thẳng và đặc. Muốn lãi cao phải có tài chọn tre và tài chẻ nan..Làm quang dậy sớm thức khuya. Đa số đàn ông nghiện thuốc lào và nước chè, đàn bà nghiện trầu thuốc rất nặng.

Bây giờ quang sắt lên ngôi. Làng thất nghề. Làng còn ông Đoàn Văn Bấm vẫn nhúc nhắc làm. Tôi đến, cụ Bấm vừa đi đâu về. Mái đầu trắng bạc, chòm râu dài nghệ sỹ nghe tôi trình bày cụ vui lắm.

Cụ nói: “Tôi là cán bộ nghỉ hưu, ai đặt đơn thì làm cho đỡ nhớ lại thêm phần thu nhập, năm ngoái là 30 đôi cho các cô giáo diễn văn nghệ, tết vẫn còn một số gia đình làng Maõ Điền đến mua để gánh lễ. Làng ấy còn giữ lệ xưa, lễ vật chỉ chai rượu, phong bánh, chục cau, thếp trầu biếu bên vợ, ông anh cả, ra đình, chùa... đều đặt vào mâm úp lồng bàn gánh đi, lễ đặt trên mâm gánh mới đúng lối, mâm đặt quang sắt trôi không gánh được”

Phương Triện có mạch đất Quan trường, khoa bảng, con em học hành đỗ đạt cao hơn xung quanh, thời nào cũng có xuất chúng hợp thời, hiện làng có Cụ Trần Khánh 90 tuổi là cán bộ lão thành cách mạng, ông Nguyễn Tiến Nhường phó Chủ tịch UBND tỉnh, có doanh nhân-anh hùng lao động Đoàn Xuân Tiếp, có chiến sỹ tử tù thương binh thời chống Mỹ Trần Danh Hải đã vượt lên số phận thành lập công ty tạo việc làm cho hàng trăm người.

Làng có nhiều tiến sỹ khoa học, nhiều cán bộ sỹ quan trung cao cấp trong lực lượng vũ trang, có danh tước cao trong huyện, trong tỉnh. Mười bốn năm trước ông Tiếp đã mang về quê một xưởng thêu tạo nghề mới cho hơn một trăm chị em nông dân trong làng, trong xã có việc làm và thu nhập ổn định. Làng Triện Quang lại có thêm tên nôm mới “Làng tranh thêu” Phương Triện.

Phương Triện hôm nay từng ngày đổi mới. Trùng tu tôn tạo lại chùa, xây mới ngôi đình sau 50 năm tiêu thổ kháng chiến. Năm 2010, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa làng đã làm hơn hai km đường bê tông ra đồng, hoàn thiện hệ mương cứng.

Đường làng như đường phố, thấp thoáng những chiếc ô tô trong sân, trước cổng nhà dân. Nông nghiệp nhưng đa dạng ngành nghề trong đó có những sản phẩm thêu mỹ thuật của các cô gái trong làng đã góp phần tạo thương hiệu tranh thêu “Ma de in Việt nam”. Đây là làng duy nhất trong tỉnh có hồ bơi khá đẹp.

Chia tay cụ Bấm. Tôi gặp ông Trần danh Tạc trưởng ban mặt trận làng, ông vừa đi dự khai mạc lớp tập dưỡng sinh về. Ông vui vẻ bày tỏ: “Tôi rất tự hào về người dân quê tôi. Con em làng tôi vẫn được các trường khen là chăm ngoan nhất xã. Làng tôi có hai cái vốn quý là chăm học, chăm làm nêu cả làng tất bật, làng đang đẩy mạnh phong trào xanh, sạch, đẹp bởi nếu phát triển kinh tế mà môi trường không trong sạch là điều chưa tốt”.

Những ý kiến của chị Toan, ông Tạc ông Bấm đã thổi hồn váo những bức tranh quê mà tôi vừa cảm nhận
Vũ Thế Thược (Vũ Thế Thược)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem