Lễ mừng lúa mới của người Thái ở Thành Sơn tại Nghệ An, các dòng họ dâng mâm cúng xôi gà thơm nức

Thắng Tình Thứ hai, ngày 26/06/2023 12:50 PM (GMT+7)
Hàng năm, bà con đồng bào dân tộc Thái xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An lại tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Tất cả các dòng họ đang sinh sống trên địa bàn xã Thành Sơn đều dâng lên mâm cúng sang trọng, trong đó xôi gà thơm nức là món chủ đạo.
Bình luận 0

Ít ai biết rằng, tại xã Thành Sơn có bản Bộng là bản đầu tiên của đồng bào dân tộc Thái được công nhận là bản làng văn hóa từ năm 1997.

Bản Bộng, bản đầu tiên được công nhận là bản làng văn hóa ở Nghệ An

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đào Anh Tân - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cho biết, bà con đồng bào dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn xã vừa tổ chức lễ hội mừng lúa mới. 

Trước đây, lễ hội được tổ chức 2 ngày gồm phần lễ và phần hội. Năm nay lễ hội được rút gọn chỉ tổ chức trong một ngày nhưng cũng đầy đủ phần lễ với các nghi thức trang nghiêm, long trọng. Bên cạnh đó, phần hội cũng rất đặc sắc, sôi động, vui tươi.

Đặc sắc lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại nơi đầu tiên được công nhận bản làng văn hóa - Ảnh 1.

Bà con đồng bào dân tộc Thái tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An tập trung tại khu vực miếu bản Bộng tổ chức lễ hội mừng lúa mới năm 2023. Ảnh: Hạnh Phúc

Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức để người dân dâng mâm lễ, cúng tạ ơn Pó Phạ (ông trời), các bậc thần linh và tổ tiên đã ban cho dân bản một năm thời tiết thuận hòa để có một vụ mùa bội thu. 

Đồng thời, người dân cầu cho vụ mùa năm sau trời đất thuận lợi để bà con yên tâm sản xuất, cầu cho dân bản các dòng họ trong bản sức khoẻ, hòa thuận, đoàn kết để xây dựng bản làng.

Đặc sắc lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại nơi đầu tiên được công nhận bản làng văn hóa - Ảnh 2.

Bản Bộng ở xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cũng là bản đầu tiên của đồng bào dân tộc Thái tại Nghệ An được công nhận là bản làng văn hóa. Ảnh: Hạnh Phúc

Ông Đào Anh Tân cho biết, trên địa bàn xã có bản Bộng là bản đầu tiên của đồng bào dân tộc Thái tại Nghệ An được công nhận là "Bản làng văn hóa". 

Bản Bộng được công nhận là bản làng văn hóa vào năm 1997. Hiện tại bản Bộng có gần 300 nhân khẩu, toàn xã Thành Sơn có tổng cộng 1600 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái, chiếm 48% dân số toàn xã.

Đặc sắc lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại nơi đầu tiên được công nhận bản làng văn hóa - Ảnh 3.

Thầy mo, cùng đại diện các dòng họ dâng hương, mâm cúng tại miếu bản Bộng, xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: Hạnh Phúc

Bà con người Thái về đây xây dựng bản làng từ rất lâu, từ khi nào cũng không ai nhớ rõ. Hiện tại bà con vẫn giữ được các tập tục văn hóa truyền thống của người Thái từ xa xưa như cách làm nhà, thờ cúng, đời sống văn hóa.

Lễ hội mừng lúa mới được tổ chức với phần lễ và hội tại miếu Bản Bộng, ở xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là miếu thờ thành hoàng làng, các vị thần cai quản bản làng, cai quản tuyến đường thủy trên sông Con.

Đặc sắc lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại nơi đầu tiên được công nhận bản làng văn hóa - Ảnh 4.

Mỗi dòng họ sẽ dâng một mâm lễ gồm các sản vật địa phương trong lễ hội mừng lúa mới. Ảnh: Hạnh Phúc

Mâm cúng mừng lúa mới thơm nức món xôi gà

Trong lễ hội mừng lúa mới, có 6 dòng họ của người Thái cư trú tại 2 bản của xã Thành Sơn cúng mừng lúa mới gồm họ Vi, Lương, Lô, Hà, Ngân, Lữ và 2 dòng họ khác không phải người Thái nhưng lập nghiệp, cư trú trên địa bàn gồm họ Nguyễn và các dòng họ tổ 1 Bãi Lau.

Đặc sắc lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại nơi đầu tiên được công nhận bản làng văn hóa - Ảnh 5.

Mâm cúng mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An gồm các món ăn được làm từ những sản vật của địa phương. Ảnh: Hạnh Phúc

Mân cúng trong lễ hội mừng lúa mới là những món ăn được làm từ các sản vật, sản phẩm do chính bà con dân bản làm ra từ hạt lúa, hạt gạo và các vật nuôi, thủy sản đánh bắt được trên sông Con. 

Các món trong mâm cúng gồm có xôi, bánh sừng bò, cơm tẻ, thịt gà, ngan, ngỗng, vịt, cá, tôm, tép, cùng các loại hoa quả mà bà con trồng được.

Các dòng họ sau khi làm mâm cúng sẽ đưa ra nhà văn hóa cộng đồng để chuẩn bị lễ rước. Sau đó, mỗi dòng họ sẽ cử người đại diện bê mâm lễ rước. Dẫn đoàn rước lễ là thầy mo đến các mâm lễ. Bà con dân bản và quan khách cùng đi bộ, rước từ nhà văn hóa ra miếu Bản Bộng để làm lễ.

Đặc sắc lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại nơi đầu tiên được công nhận bản làng văn hóa - Ảnh 6.

Hiện tại, người Thái tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn còn lưu giữ những phong tục truyền thống đặc sắc. Ảnh: Hạnh Phúc

Tại miếu Bản Bộng, các dòng họ sửa sang mâm lễ dâng lên. Thầy mo sau đó tiến hành làm lễ cúng nhằm tôn vinh hạt thóc của trời đất ban cho bản mường và cảm tạ các bậc thần linh. Sau đó, các dòng họ, bà con dân bản cùng dâng hương lên để cảm tạ trời đất, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa.

Đặc sắc lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái tại nơi đầu tiên được công nhận bản làng văn hóa - Ảnh 7.

Lễ hội mừng lúa mới để tạ ơn Pó Phạ (ông trời), các bậc thần linh và tổ tiên đã ban cho dân bản một năm thời tiết thuận hòa để có một vụ mùa bội thu. Ảnh: Hạnh Phúc

Sau khi kết thúc phần lễ, bà con dân bản tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian hấp dẫn mang bản sắc của người Thái. 

Các trò chơi trong phần hội như ném còn, kéo co, đánh cồng chiêng, nhảy sạp và các tiết mục văn nghệ mang nét văn hóa bản địa. Lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi của bà con đồng bào dân tộc Thái và người dân sinh sống tại đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem