Huyền thoại đẹp...
Đó là trường hợp lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi (1601-1661). Chốn yên nghỉ của Quý Phi tọa lạc tại gò Cốc Hùng (thôn Chiêm Sơn, Duy Trinh, Duy Xuyên), được công nhận di tích cấp tỉnh năm 2005.
|
Toàn cảnh lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi |
Đây được xem là lăng mộ cổ xưa nhất của thời các chúa Nguyễn còn lại trên đất Quảng Nam. Thế nhưng cùng với sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh và sự thờ ơ của con người, di tích này đang có nguy cơ bị xoá sổ.
Bà Đoàn Quý Phi tên thật là Đoàn Thị Ngọc, là con thứ ba của ông Đoàn Công Nhạn - một hào trưởng ở làng Chiêm Sơn. Gia đình bà chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Năm 15 tuổi, một đêm bà vừa hái dâu, vừa hát trên bãi, tiếng hát đã làm say đắm Công tử Nguyễn Phước Lan khi ông đi dạo cùng thuyền với cha là Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên. Sau đêm "định mệnh" đó, bà trở thành phu nhân của Phó Tướng Nhân Lộc hầu Nguyễn Phước Lan. Nhờ có bà mà nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa… thời đó phát triển mạnh mẽ.
Khi bà mất, lăng mộ được xây tại quê nhà, dân thành kính gọi bà là Bà chúa Tằm tang. Cứ vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức lễ hội Bà chúa Tằm tang. Thế nhưng, thực tế hiện nay lại như một nghịch lý: Khu lăng mộ của bà lại bỏ trong hoang tàn, đổ nát…
…chỉ còn phế tích!
Nơi này giờ đây chẳng khác nào một đống hỗn độn! Cách tường thành khu lăng hơn 5m là một bức tường rào bê tông hiện đại bao bọc, cảm giác khô cứng đến "nghẹt thở"! Còn cánh cửa sắt ở lối cổng vào đã bị gãy bản lề, xô lệch, ngả nghiêng. Tệ hơn, một số người dân địa phương đã biến khu lăng mộ thành nơi… nhốt trâu bò.
Phân súc vật rải khắp nơi trong khuôn viên lăng tẩm. Bát nhang đặt ở chính điện lăn lóc, mốc meo, những mảng tường thành, những tấm bình phong và cả nấm mộ chính giữa sụp đổ, loang lổ do trâu bò và cả con người tàn phá. Du khách đến tham quan, muốn vào bên trong khu lăng mộ để chụp hình thì phải trèo tường rào như đặc công. Nếu không thì phải lội qua đám ruộng sình lầy đầy cỏ dại.
Nửa đùa nửa thật, ông Thành nói: "Nếu không trùng tu kịp thời thì chỉ vài ba năm nữa, khu lăng mộ này sẽ chẳng còn gì. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ gỡ biển di tích trả lại cho tỉnh".
Mang sự kinh ngạc và câu hỏi đến gặp Trưởng thôn Chiêm Sơn Nguyễn Văn Thành, chúng tôi được nghe ông phân trần: "Do khu lăng mộ nằm xa khu dân cư nên việc quản lý, bảo vệ hầu như bỏ ngỏ. Trâu bò mặc nhiên ra vào…".
Ông Thành còn cho biết, sau 1975, cán bộ địa phương xem khu lăng mộ là tàn dư chế độ phong kiến nên để cho nhiều người vào đập phá lấy gạch đá về xây các công trình, nhà cửa. Còn bọn trộm cắp ngỡ đây là khu "mả Hời" (mộ người Chiêm Thành), có chôn vàng nên dùng thuốc nổ đánh phá thành một hố ở trung tâm lăng để đào bới tìm kiếm.
Bởi thế mà khu lăng mộ này bị sụp đổ gần hết! Ngoài việc xây bức tường rào bằng bê tông và đặt tấm biển công nhận di tích cấp tỉnh thì từ trước đến nay chưa có sự trùng tu, tôn tạo nào.
Ông Mai Tấn Lực - Phó Trưởng phòng VHTT huyện Duy Xuyên cho biết kinh phí để trùng tu nguyên mẫu khu lăng mộ này hơn 1 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn so với ngân sách huyện.
Thực trạng thảm thương là thế, không hiểu hàng năm chính quyền huyện Duy Xuyên, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam giải thích những gì với nhân dân và khách thập phương về sự đối nghịch này.
Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.