Làng nghề đúc đồng truyền thống hơn 200 năm vẫn thổi lửa trên đất Khánh Hòa

Công Tâm Thứ tư, ngày 08/06/2022 06:21 AM (GMT+7)
Tại Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) có một làng nghề truyền thống rất độc đáo được lưu truyền hàng trăm năm qua-đó là nghề đúc đồng. Đặc biệt, cứ khi vào dịp giáp Tết bà con đều bận rộn các công việc sản xuất để cung cấp cho khách hàng.
Bình luận 0

Đến hẹn lại lên

Cứ vào dịp giáp Tết, làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) lại tất bật đỏ lửa suốt ngày đêm để đúc, gia công sản phẩm đồng.

Khánh Hòa: Cả làng Phú Lộc cố gắng gìn giữ làng nghề truyền thống trên 200 năm tuổi - Ảnh 1.

Ông Biện Cư (Phú Lộc Tây 1, Diên Khánh, Khánh Hòa) nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống đúc đồng. Ảnh: C.T

Nép mình bên dòng sông Cái hiền hòa, làng nghề Phú Lộc Tây 1 chuyên đúc đồng, gia công sản phẩm chân đèn nổi tiếng đã tồn tại trên 200 năm qua.

Clip: Ông Biện Cư một trong những gia đình có kinh nghiệm trong nghề đúc đồng của làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1. (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa)

Các nghệ nhân trong làng cho hay, trước đây, nghề này làm nhỏ lẻ theo hộ gia đình, dần dần về sau nhờ tâm huyết yêu nghề các thế hệ cao niên đã hướng dẫn cho các thế hệ trẻ nối nghề, sản phẩm ngày càng mở rộng đa dạng, phong phú. 

Khánh Hòa: Cả làng Phú Lộc cố gắng gìn giữ làng nghề truyền thống trên 200 năm tuổi - Ảnh 2.

Cứ dịp giáp Tết là cả làng nghề Phú Lộc Tây 1 lại đỏ lửa. Ảnh: Nguyễn Dũng

Hiện nay, các sản phẩm tạo ra phần nhiều là các đồ thờ cúng bằng đồng như: Lư hương, bộ chân đèn, lục bình, đĩa đựng hoa quả,...

Sản phẩm của làng nghề này không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp các tỉnh thành như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận,TP.HCM,...

Cả làng bám trụ với nghề đúc đồng

Ông Biện Cư (73 tuổi, Phú Lộc Tây 1, Diên Khánh) cho biết: "Làng hiện có khoảng 40 hộ chuyên làm nghề đúc đông. Nhà tôi đã có truyền thống làm nghề từ thời ông nội, tới tôi và đã truyền lại cho 3 người con của tôi, tất cả đều biết làm các sản phẩm đúc đồng". 

Khánh Hòa: Cả làng Phú Lộc cố gắng gìn giữ làng nghề truyền thống trên 200 năm tuổi - Ảnh 4.

Các thế hệ trẻ đang miệt mài tạo ra sản phẩm để cung cấp ra thị trường. Ảnh: C.T

Điều đặc biệt là để tạo nên những sản phẩm đẹp mắt và tinh xảo, người dân Phú Lộc Tây 1 sử dụng những phương pháp hoàn toàn thủ công. Theo đó, để có một sản phẩm hoàn chỉnh người ta phải trải qua các công đoạn khác nhau như làm khuôn đúc 2 lớp, phía trong là khuôn chính còn bên ngoài bao phủ một lớp đất để đồng khi hóa lỏng không bị chảy ra ngoài.

Khánh Hòa: Cả làng Phú Lộc cố gắng gìn giữ làng nghề truyền thống trên 200 năm tuổi - Ảnh 5.

Để tạo ra sản phẩm các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến sản phẩm tiêu thụ chậm hơn: Ảnh: C.T

Trong quá trình nung, người thợ phải giữ lửa thật đều để khuôn đồng không bị sống quá hoặc nung quá già. 

Công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và kinh nghiệm để nhận biết nước đồng có chảy đều hay không và tính toán hợp lý để lượng đồng đủ đúc thành sản phẩm không thừa cũng không thiếu. Khi đã nung và dỡ lò, các nghệ nhân còn thực hiện nhiều công đoạn khác mới tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Giá của các sản phẩm đúc đồng cũng khác nhau. Bộ chân đèn loại lớn giá 4,5 triệu đồng, loại trung 3,5 triệu đồng và loại nhỏ 2,5 triệu đồng. Nhờ nghề này mà bà con trong làng có thêm thu nhập, nhiều hộ xây nhà, sắm sửa nội thất và nuôi con cái học tập. 

Khánh Hòa: Cả làng Phú Lộc cố gắng gìn giữ làng nghề truyền thống trên 200 năm tuổi - Ảnh 6.

Nghề đúc đồng Phú Lộc Tây 1 đã được duy trì hàng trăm năm qua và đến nay có khoảng 40 hộ gắn bó. Ảnh: C.T

Ông Biện Cư trăn trở, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, giá đồng, các nguyên liệu, công lao động đều tăng hơn so với mọi năm. Dù có khó khăn như thế nào, nhưng ông Cư vẫn cố gắn bó và duy trì, truyền đạt lại cho các nghệ nhân trẻ tuổi để phát huy tinh hoa của các thế hệ đi trước. 

Hàng năm, cứ đến ngày 12, 13 tháng giêng Âm lịch tất cả bà con trong làng đều quy tụ về để cúng giỗ tổ để tỏa lòng biết ơn những thế hệ đã truyền nghề và cầu mong làng nghề ngày càng phát triển tạo ra các sản phẩm có chất lượng để phục vụ người dân. 

Nghề đúc đồng huyện Diên Khánh cũng được xem là một địa điểm du lịch hấp dẫn cho những du khách yêu thích văn hóa xưa và những khách yêu thích làng nghề. Nơi đây tự hào là một trong số ít làng nghề được Vua Tự Đức chính thức sắc phong công nhận là làng nghề truyền thống, cùng những sản phẩm chất lượng tinh xảo.

Khánh Hòa: Cả làng Phú Lộc cố gắng gìn giữ làng nghề truyền thống trên 200 năm tuổi - Ảnh 7.

Nghề đúc đồng Phú Lộc đã tạo ra các sản phẩm bằng đồng có chất lượng không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận. Ảnh: C.T

Anh Biện Quỳnh Anh (một người dân địa phương) cho biết thêm, nhờ các thế hệ đi trước chỉ dẫn nên anh đã làm thuần thục các sản phẩm và những ngày giáp Tết là thời điểm người dân chọn mua nhiều nhất. Những ngày thường bà con làm chỉ từ 7-8 tiếng, còn gần Tết nhiều hộ phải thức khuya làm xuyên đêm. Trung bình mỗi ngày gia đình anh có thu nhập từ 500- 700 ngàn đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem