Làng sách 2015: "Dậy sóng" vì đạo thơ, bìa nàng Kiều khỏa thân

An Du (tổng hợp) Thứ năm, ngày 31/12/2015 15:18 PM (GMT+7)
Năm 2015, làng sách Việt Nam chứng kiến nhiều vụ việc gây tranh cãi như đạo thơ, bìa “Truyện Kiều” khỏa thân.... Đây cũng là năm nhiều dòng sách mới “lên ngôi”.
Bình luận 0

Liên tiếp tố “đạo thơ”

Vụ tranh chấp bản quyền tác phẩm “Tổ Quốc gọi tên” mở màn cho lùm xùm đạo thơ gây xôn xao giới văn đàn và dư luận.

Tháng 9, một người có tên Ngô Xuân Phúc đã viết trên trang Facebook cá nhân nhận là tác giả của bài thơ “Tổ Quốc gọi tên” - bài thơ vốn được gắn với tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai phản bác cho rằng đó là lời vu khống, buộc tội vô căn cứ và dọa kiện ông Phúc. Tuy nhiên, sau đó, chị rút ý định kiện tụng.

Đến cuối năm, lùm xùm tranh chấp bài thơ “Tổ Quốc gọi tên” vẫn ở thế giằng co. 

Qua lá đơn ủy quyền cho luật sư, ông Ngô Xuân Phúc muốn Hội Nhà văn Việt Nam yêu cầu hội viên của mình - nhà thơ Phan Quế Mai giải trình, đồng thời sắp xếp một buổi gặp gỡ giữa hai bên để làm rõ vụ việc. Ông Phúc nói sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng và đưa ra các nhân chứng nếu cần thiết.

img

Nhà thơ Phan Huyền Thư và Nguyễn Phan Quế Mai - tâm điểm của hai vụ tố đạo thơ gây xôn xao năm 2015

Không lâu sau, làng văn chương Việt lại sốc khi chứng kiến vụ Phan Huyền Thư đạo thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

Bài thơ “Bạch lộ” của Phan Huyền Thư bị phát hiện có nhiều đặc điểm giống bài thơ “Buổi sáng” của Phan Ngọc Thường Đoan.

Hội nhà văn Hà Nội yêu cầu Huyền Thư giải trình. Nhà thơ sau đó đã thừa nhận đạo thơ và xin lỗi tác giả Phan Ngọc Thường Đoan. Tập thơ "Sẹo độc lập" của Phan Huyền Thư bị rút giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội và bị thu hồi.

Hội Nhà văn Hà Nội thừa nhận có lỗi là đã trao giải cho một tác phẩm mà khi trao rồi thì làm bùng phát một cuộc “khủng hoảng truyền thông” có thể nói dữ dội chưa từng thấy trong đời sống văn học nước ta.

Tranh cãi quanh “Truyện Kiều” ấn bản mới

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, NXB Trẻ phối hợp với Hội Kiều học Việt Nam ấn hành cuốn “Truyện Kiều - Nguyễn Du”.

Đây được coi là công trình kỷ niệm "Truyện Kiều" của Hội Kiều học được xuất bản với hai bản chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Song, cuốn sách sớm vấp phải những ý kiến trái chiều do sai sót câu từ, thậm chí còn “chuyển giới” cho Đạm Tiên thành con trai.  

img

Bìa cuốn "Truyện Thúy Kiều"

Cuốn “Truyện Kiều - Nguyễn Du” bản lỗi sớm bị thu hồi và được tái bản lại với tên gọi “Truyện Kiều” thiết kế bìa khác.

Một vụ việc khác cũng liên quan đến "Truyện Kiều" là cuốn “Truyện Thúy Kiều” do Công ty Nhã Nam phối hợp với NXB Thế giới phát hành.

Những tranh cãi nổ ra xung quanh bìa cuốn sách in hình Thúy Kiều khỏa thân và tên gọi khác lạ thay vì là “Truyện Kiều”. Dư luận chỉ rộ lên một thời gian, cuốn sách này sau đó vẫn có mặt trên thị trường.

Dòng sách bị ngừng xuất bản

img

Ba cuốn ngôn tình bị dừng xuất bản trong năm 2015

Hồi đầu năm 2015, dòng sách ngôn tình làm “dậy sóng” dư luận và báo chí sau khi tác giả Diệp Lạc Vô Tâm đến Việt Nam. Ngày 16.4.2015, Cục Xuất bản đã lên tiếng, gửi công văn yêu cầu các NXB không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ" và "lựa chọn mua bản quyền, dịch và xuất bản các xuất bản phẩm có nội dung lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam". Theo Cục Xuất bản, ngôn tình và đam mỹ là dòng sách có "nội dung sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm".

Việc cấm là để "nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, hướng người đọc đến với những tác phẩm có giá trị văn học đích thực".

Một cuốn sách khác không thuộc dòng ngôn tình, đam mỹ nhưng cũng bị thu hồi và xử phạt là cuốn “Đạo mộ bút ký” do NXB Thời đại liên kết với Công ty Bách Việt ấn hành.

Cuốn sách này - theo Cục trưởng cục Xuất bản Chu Văn Hòa - bị thu hồi là do có những chi tiết bịa đặt chủ quyền lãnh thổ.

Sách tô màu, tự truyện “lên ngôi”

Năm 2015 đánh dấu sự “lên ngôi” của một loại hình sách mới - sách tô màu. Cơn sốt sách tô màu trước khi tràn về Việt Nam đã “tung hoành” ở thị trường sách các nước trên thế giới.

img

Sách tô màu thu hút bạn trẻ tại Hội sách Quốc tế

Tại những hội sách tổ chức trong năm 2015 ở Việt Nam như Hội sách mùa thu, Hội sách quốc tế... các đơn vị phát hành cho biết, số lượng sách tô màu bán được vượt trội so với các dòng sách khác.

Nhiều cuộc thi tô màu cũng được tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham dự như “1001 cách tô màu”, “Tô màu cảm xúc”, “Tô màu nhanh – marathon.

Một dòng sách khác trở thành “trào lưu” trong năm qua là tự truyện.

img

Tự truyện của ca sĩ Khánh Ly và nghệ sĩ Thành Lộc

Nghệ sĩ Thành Lộc mở đầu năm 2015 với cuốn “Tâm Thành và Lộc Đời”. Cuốn sách bán hết sau vài ngày phát hành. Nữ ca sĩ Khánh Ly được chú ý với tự truyện “Đằng sau những nụ cười” tập hợp những câu chuyện về cuộc đời của bà qua nhiều năm.

Hay cuối năm 2015, tài tử điện ảnh một thời - nghệ sĩ Thương Tín ra mắt tự truyện “Một đời giông bão”. Cuốn sách nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem