Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Dân giàu lên từ trồng cây thảo quả
Trước đây, đồng bào các dân tộc vùng cao tỉnh Lào Cai trồng thảo quả để làm gia vị, vài nơi dùng làm thuốc dân gian.
Cuối năm 2000, khi thương lái Trung Quốc sang thu mua thảo quả khô với giá cao thì người dân ồ ạt trồng và diện tích cây thảo quả phát triển nhanh.
Trung Lèng Hồ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là một trong những xã có diện tích thảo quả lớn nhất tỉnh (hơn 850 ha).
Cây thảo quả đã gắn bó với đồng bào các dân tộc Trung Lèng Hồ hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Gia đình ông Sùng A Su (thôn Pờ Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) trồng hơn 1 ha thảo quả, năm được mùa và được giá mang lại thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng.
Đây là số tiền không nhỏ với người dân vùng cao, cao gấp hàng chục lần so với những cây truyền thống như ngô, lúa trên cùng một diện tích canh tác.
Anh Su tâm sự: Cuối năm 2000, khi thảo quả trở thành hàng hóa, người dân trong thôn đã mở rộng diện tích trồng. Cây thảo quả liên tiếp được mùa, được giá nên người dân chúng tôi vui lắm vì có nguồn thu nhập cao mà không vất vả như cấy lúa, trồng ngô. Cây thảo quả giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, có của ăn của để và mua sắm được ti vi, xe máy, xây nhà…
Gia đình anh Thào Sinh ở thôn Pờ Hồ (xã Trung Lèng Hồ) trồng khoảng 6 ha thảo quả, năm nay thu được 64 bao, tương đương 3 tấn thảo quả khô. Với giá bán 135.000 - 140.000 đồng/kg thảo quả khô, gia đình anh thu về gần 400 triệu đồng.
“Nếu không có cây thảo quả thì không biết khi nào gia đình tôi mới thoát nghèo và có cuộc sống như ngày hôm nay. Gần 400 triệu đồng tiền bán thảo quả năm nay giúp gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà khang trang”, anh Sinh nói.
Xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) hiện có hơn 836 ha thảo quả, chiếm gần 50% diện tích thảo quả trồng trong rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Theo thống kê, 90% hộ trên địa bàn trồng thảo quả, đây là cây trồng chính trong phát triển kinh tế của người dân. Nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, như Má A Lờ (thôn Cát Cát) thu khoảng 90 triệu đồng/năm; Hạng A Sủng (thôn Sín Chải) thu hơn 100 triệu đồng/năm…
Cây thảo quả mang lại giá trị kinh tế cao nên từ chỗ mỗi nhà trồng vài chục khóm, đến nay có những nhà trồng hàng chục ha.
Dưới những tán rừng già, rừng phòng hộ ở các địa phương, không khó để thấy cây thảo quả. Tổng diện tích thảo quả trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 12.477 ha (80% diện tích đã cho thu hoạch) với 12.438 hộ trồng, trong đó 4.588 ha trồng dưới tán rừng đặc dụng, 7.889 ha trồng dưới tán rừng phòng hộ. Các địa phương có diện tích lớn là Bát Xát (4.259 ha), Sa Pa (3.872 ha), Văn Bàn (2.776 ha)…
Tác động xấu từ canh tác thảo quả
Thảo quả là cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do đặc tính của cây thảo quả là sống dưới tán rừng, thích hợp ở nơi có ánh sáng tán xạ nên nếu để độ tán che quá cao, cây sẽ thiếu ánh nắng mặt trời và không phát triển được, nếu nắng quá cũng khiến cây bị chết úa.
Trong quá trình trồng và chăm sóc thảo quả, người dân phát dọn những cây nhỏ, cây tái sinh và lớp thực bì, chỉ để lại những cây to, tán rộng làm tàn che cho cây. Hành động này làm các cây tái sinh, lớp thực bì tự nhiên không có thế hệ tiếp nối; khi những cây to già cỗi, gãy đổ thì diện tích rừng biến mất. Về mặt lâm học, trong rừng tự nhiên có 4 thế hệ cây, gồm: Cây thành thục, kế cận, dự trữ, tái sinh.
Hành động của người dân khi canh tác thảo quả làm mất đi 3 lớp cây kế cận, chỉ còn cây thành thục, dẫn đến mất các thế hệ cây rừng tái sinh tự nhiên và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Toàn bộ diện tích trồng cây thảo quả đều ở trong rừng nên để tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch, người dân phải dựng lều, lán nghỉ lại trong rừng. Các hộ thường ở lại trong rừng khoảng 7 - 10 ngày để chăm sóc thảo quả.
Cùng với đó, do thảo quả tươi khá nặng nên để tiết kiệm sức, người dân thường sấy khô, sau đó mới vận chuyển về nhà. Được biết, cứ 10 kg thảo quả tươi sau khi sấy được 2 kg thảo quả khô. Quá trình sấy mất khoảng 3 ngày, 3 đêm liên tục.
Để sấy được thảo quả không thể tránh khỏi việc người dân chặt hạ cây rừng để làm củi. Đặc biệt, khi người dân ở lại trong rừng để canh tác thảo quả sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến rừng như săn bắt động vật làm thức ăn, sử dụng lửa gây cháy rừng…
Đối với Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), việc trồng thảo quả và tồn tại các lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả còn làm mất đi tính hoang sơ, vẻ đẹp tự nhiên của các khu rừng thuộc tuyến du lịch sinh thái Fansipan, khu du lịch suối Vàng - thác Tình Yêu… gây ảnh hưởng đến các hoạt động thu hút khách du lịch của Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng như thị xã Sa Pa.
Diện tích cây thảo quả ở tỉnh Lào Cai lớn, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là những lợi ích trước mắt, để lại hậu quả trong sự phát triển bền vững của những khu rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.
Giải pháp vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ những khu rừng là đòi hỏi cấp bách với các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh.