Người ta bảo ông “khùng” bởi những việc làm không công, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, đâu ai biết cái “khùng” đó lại là chân lý sống của ông.
“Ông chủ” của những con đường làng
Suốt 24 năm qua, ông Mỹ xem việc đắp đường làng như việc đương nhiên dành cho mình. Đường hư thì vá, chỗ nào thiếu đường, người dân đi lại bất tiện thì tự ông mang cuốc, xẻng phát quang lập đường. Gắn với việc đắp đường từ thời trai trẻ, bây giờ dù tóc đã lấm tấm sợi bạc, ông vẫn gắn bó với công việc không lương này một cách chu đáo. Những con đường làng thẳng tắp, phẳng lì ở Điện Nam Bắc giờ rợp bóng cây xanh nhờ vào bàn tay cần cù của lão nông Phạm Thế Mỹ.
Lão nông Phạm Thế Mỹ đóng máy bơm nước miễn phí phục vụ việc tưới tiêu cho nông dân. Ảnh: Dũ Tuấn
Nói về “sự nghiệp” đắp đường của mình, ông Mỹ kể: “Năm 1990, những con đường làng tôi bị sạt lở, hư hỏng do thời tiết và thiên tai. Người đi đường thì gặp tai nạn liên miên, còn người đi làm đồng có khi cả buổi mới tới nơi làm. Nhìn cảnh đó tôi suy nghĩ cần đắp lại những con đường để người dân tiện đi lại”.
Nghĩ là làm, kể từ đó không quản mưa gió, hôm nào cũng vậy ông dậy từ 4 giờ sáng, khi cả làng vẫn còn chìm trong giấc ngủ, rồi cưỡi con xe đạp cà tàng chở theo cuốc, xẻng và dụng cụ lao động đi đắp đường. Lần đầu tiên thấy việc làm của ông, không ít người bảo ông “việc nhà chẳng lo làm, cứ đi làm việc ở đâu”.
Bỏ ngoài tai những lời nói đó, hàng ngày ông vẫn “lượn” khắp làng kiểm tra xem chỗ nào đường hư, rồi ông nhanh chóng đi lấy cát, đá vá, đắp. Không chỉ thế, mỗi khi nghe tin ở đâu có đoạn đường gây trở ngại cho việc đi lại của người dân, ông Mỹ lại đến tận nơi kiểm tra, tính toán rồi lấy đất để đắp đường.
Công việc vá đường của ông thường làm vào buổi sáng sớm và lúc trời đã chập choạng tối, ít người qua lại. Cứ thế, ông thầm lặng vun đắp cuộc sống an lành cho người dân. Không chỉ vá những đoạn đường hư hỏng, ông Mỹ còn tự tay đắp những đoạn đường dân sinh cho dân làng đi lại. Buổi sáng ra đồng, người dân thấy đoạn đường mới tinh được san bằng phẳng, là họ biết ông Mỹ vá đường đã ghé đến đây sáng nay.
Chứng kiến cảnh người dân đi viếng mộ ở khu nghĩa trang xã Điện Nam Bắc khó khăn, vất vả vì con đường vào khu mộ quanh co, lầy lội, gần 3 năm trời ròng rã, ông Mỹ chặt cây, xúc đất đắp đường. Có lúc quên cả bữa ăn tối, tận dụng cả giấc ngủ để làm xuyên đêm mong sao sớm hoàn thành con đường cho bà con. Sau nhiều năm ròng rã đào đắp, cuối cùng con đường dài hơn 2km cũng hoàn thành. Nhờ vậy, những người đi viếng mộ không phải chịu sự khổ cực vì đường vòng như trước. Ông Mỹ hồi tưởng: “3 năm đi vận động bà con nhường đất rồi phát quang, đắp đường tôi mới hoàn thành xong con đường dân sinh cho bà con. Vì đoạn đất trũng nên cần nhiều công san lấp, có lúc tôi dựng tạm túp lều qua đêm để xây đường. Trải qua nhiều gian khó, cuối cùng đoạn đường cũng hoàn thành”.
Ngoài việc đắp những tuyến đường dân sinh, ông Mỹ còn trồng cây, trồng hoa ven đường. Ông Mỹ bảo, trồng vài cái cây cho người dân nghỉ ngơi, uống ngụm nước, còn hoa thì để trang trí cho đẹp con đường vậy thôi.
Nói về những đóng góp của ông Mỹ, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Cẩm Sa) nói: “Ông Mỹ là chủ của nhiều con đường lắm, nhờ có ông mà con đường làng khang trang, thoáng mát hơn. Hồi trước không có đường, việc thu hoạch lúa, hoa màu chuyển về nhà bằng cách gồng gánh rất khó khăn. Từ khi đường làng được đắp thì bon bon chở về, có khi đem xe máy ra tận ruộng cũng được”.
Bỏ tiền túi mua máy cho bà con
Chứng kiến người nông dân phải chịu cảnh thất thu vụ mùa vì thiếu nước, lão nông Phạm Thế Mỹ đã chắt chiu từng đồng bạc lẻ từ việc vá xe đạp để mua 5 máy bơm nước đặt tại 2 thôn Cẩm Sa và Phong Hồ (xã Điện Nam Bắc). Hơn 2 năm nay, nhờ có máy bơm nước miễn phí mà vụ mùa của bà con không phải lo thiếu hụt nguồn nước tưới do hạn hán. Gặt những đám lúa chín trĩu hạt, thu hoạch các loại hoa màu tươi tốt, hàng trăm hộ dân ở xã Điện Nam Bắc thầm biết ơn tấm lòng thơm thảo của ông Mỹ. Không phải đại gia lắm tiền nhiều của, nhưng ông Mỹ lại rất thoáng khi chi tiêu cho các công trình công cộng. Theo như lời ông nói, đó là niềm vui và chân lý sống của ông.
Kể cho chúng tôi nghe, ông Mỹ từ tốn nói: “Tôi là dân quê, sống bằng nghề nông nên tôi hiểu chuyện khổ cực mà những người nông dân phải làm để kiếm hạt gạo. Hàng ngày tôi vẫn vá xe đạp để kiếm thêm thu nhập, dành dụm chút ít để mua máy bơm nước giúp bà con trong việc tưới tiêu chứ có gì to tát đâu”.
Dưới cái nắng hanh hao, mồ hôi nhễ nhại, ông Mỹ vẫn hì hục đào bới, kéo dây điện để đóng giếng, lắp máy bơm nước ở nhiều vị trí khác nhau trên cánh đồng xã Điện Nam Bắc. Không quản ngại khó khăn, sau gần 3 tháng, 5 máy bơm nước hoạt động trong niềm hân hoan của bà con nông dân. Cứ mỗi tuần ông ghé thăm máy bơm 1 lần, hướng dẫn người dân sử dụng, thiết bị nào hư hỏng thì ông bỏ tiền ra để bảo trì, thay thế. Nhờ vậy mà 2 năm qua, 5 máy bơm nước miễn phí là cứu tinh cho hàng trăm nông dân tại cánh đồng này trong mùa hạn hán.
Thong dong trên con đường làng thẳng tắp, thấy bà con nông dân hái mướp, bầu, bí… trên giàn được bắc ngang đường, tôi hỏi: “Sao lại trồng ven đường hả bác? Người qua đường hái trộm thì sao?” . Ông Hứa Bồng (50 tuổi) cười bảo: “Của ông Mỹ trồng đó, không chỉ ở đây mà các con đường đều được phủ bóng mát bởi cây và hoa màu. Ai muốn hái thì hái thôi, giàn hoa quả này là để che nắng cho bà con ra đồng, không lo bị ăn trộm đâu”.
Việc làm cho dù là nhỏ nhất, ông Mỹ vẫn hướng tới lợi ích của cộng đồng và bà con nông dân. Con đường bê tông dài hơn 500m dẫn ra đám ruộng ở thôn Cẩm Sa, ông Mỹ là người đầu tiên đứng ra khởi xướng, vận động quyên góp kinh phí hơn 500 triệu đồng để làm. Để bà con yên tâm, ông đảm nhiệm luôn khâu sửa chữa mỗi khi đường hư hỏng. Từ ngày khởi công, ông dừng hết việc gia đình để cùng bà con phát quang, dựng đường.
Dáng người quắc thước, với những nếp nhăn hằn sâu trên mặt, lão nông có tấm lòng thơm thảo này vẫn hàng ngày quét dọn sạch sẽ các con đường làng…
Ông Trần Văn Dũng - Trưởng thôn Cẩm Sa, cho biết: “Việc làm của ông Phạm Thế Mỹ giúp đỡ bà con nông dân rất nhiều. Công việc hàng ngày của ông thu nhập bấp bênh nhưng vì cộng đồng ông tự bỏ tiền túi ra để đắp đường, máy bơm nước miễn phí. Đó là hành động cao cả của lão nông có tấm lòng vì cộng đồng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.