Lão nông chế tạo máy chăm sóc cao su

Thứ hai, ngày 16/09/2013 06:36 AM (GMT+7)
Trồng hàng chục ha cao su, gia đình ông Nguyễn Văn Long luôn đau đầu với tình trạng khan hiếm lao động, có thuê được thì chi phí cũng khá cao. Và ông đã nghiên cứu, sáng chế ra 3 loại máy trồng và chăm sóc cao su...
Bình luận 0
img

Gia đình ông Long dân gốc vùng miệt vườn cây trái Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 1990, ông đưa cả gia đình lên lập nghiệp ở ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Đến nay, gia đình ông có 25ha trồng cao su, cây ăn quả...

Khó... ló ra máy

“Mấy năm nay, việc kiếm người làm cao su không dễ dàng, nhất là đối với công việc yêu cầu phải nhiều lao động và làm nhanh như thu gom lá rụng, rải phân; xịt thuốc trừ sâu, rệp… Thiếu nhân công, mình rải phân chậm, không đồng đều nên năng suất mủ không được như ý. Phải có máy thay thế lao động thủ công”- ông Long suy nghĩ.

Ông Long vận hành máy phun thuốc sâu cao áp trong vườn cao su.
Ông Long vận hành máy phun thuốc sâu cao áp trong vườn cao su.

Ông bắt tay vào cải tiến, lắp ráp các máy phục vụ công việc chăm sóc cao su. Trên cơ sở chiếc máy kéo nhỏ, ông nghiên cứu, chế và lắp ráp thêm bộ phận tạo gió để thổi lá cao su vào mùa khô. Máy thổi lá cao su có năng suất thu gom lá cao gấp 30 lần lao động quét bằng tay trước đây.

“Đầu năm 2007, tôi tiếp tục cải tiến, sáng chế máy rải phân tự động cho cây cao su. Máy rải được các loại phân hữu cơ vi sinh, hóa học, vừa trộn vừa rải, hoạt động không kể trời mưa hay nắng...” - ông Long tâm sự. Với chiếc máy rải phân tự động công suất 20 mã lực do 1 người điều khiển, năng suất cao gấp 25 lần lao động thủ công, lại chủ động được thời vụ.

Theo ông Long, trồng cao su vất vả nhất là khi bị bệnh dịch. Cây cao su cao hàng chục mét, máy xịt thông thường phun không lên cao được. “Sau nhiều lần chế tác, chỉnh sửa, năm 2010 tôi mới hoàn thiện được máy xịt thuốc trừ sâu bệnh cho cao su. Trong 8 giờ, máy xịt được 12-15ha mà chỉ cần 1 người điều khiển…” - ông Long miêu tả.

Sẻ chia thành quả

Cải tiến, sáng chế 3 máy phục vụ trồng, chăm sóc cao su và các loại cây màu khác đã giúp hiệu quả sản xuất, kinh doanh của gia đình ông tăng lên rõ rệt. 25ha cao su của gia đình ông, 10ha đã cho mủ, trừ mọi chi phí, mỗi năm lãi hơn 600 triệu đồng.

Gia đình ông Long cùng Hội ND đã giúp 5 hộ hội viên mượn vốn không lấy lãi (12 triệu đồng/hộ); tạo việc làm ổn định cho 8 lao động, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng cho 8 lao động. Bản thân ông tham gia BCH Hội ND xã, huyện, tỉnh và tích cực xây dựng Quỹ HTND…

Ba máy do ông cải tiến, sáng chế đều được Hội ND và UBND tỉnh Bình Dương trao bằng khen. Riêng máy phun thuốc trừ sâu cao áp đoạt giải Nhì Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Bình Dương năm 2010. “Máy ngoại giá cao, có khi mua về vẫn phải cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất của mình. Máy tôi chế tạo có thể phổ biến rộng cho bà con cùng làm...” - ông Long cho hay.

Máy thổi lá cao su, máy rải phân tự động, ông phổ biến kinh nghiệm, quy trình cải tiến, chế tạo máy cho nhiều hộ trong và ngoài tỉnh.

Ông Long là 1 trong 2 ND Bình Dương được đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”.
Đông Hoàng (Đông Hoàng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem