Lật mặt những kẻ “vét đầy túi tham” sắp lên VTV

Thứ ba, ngày 17/04/2012 06:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 18.4, “Đàn trời”- bộ phim dài tập về đề tài chống tham nhũng, sẽ lên sóng VTV1 vào các ngày thứ 2, 3, 4 trong tuần. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với đạo diễn Bùi Huy Thuần về bộ phim này.
Bình luận 0
img
 

Được biết “Đàn trời” là bộ phim đặc biệt bởi vì VTV phát sóng theo kiểu cuốn chiếu, phim vừa phát vừa làm hậu kỳ các tập sau, đến nay mới chỉ có 10 tập phim đã hoàn thành dàn dựng. Ông có thể cho biết lý do vì sao lại có sự vội vã này?

- Đáng lẽ theo như kế hoạch bình thường phải đến tháng 10 năm nay thì "Đàn trời" mới lên sóng vì công việc hậu kỳ của phim theo đúng kế hoạch phải đến tháng 8 mới xong.

Nhưng sau đó, phim có lịch dự kiến lên sóng vào tháng 6 và cuối cùng, tôi nhận được lệnh là phim sẽ ra mắt khán giả vào 18.4, nên mọi chuyện đều phải đẩy nhanh lên rất nhiều, kể cả khâu dựng phim, lồng tiếng, lồng nhạc, chắc phần vất vả nhất sẽ là của nhạc sĩ Tiến Minh.

Việc phim được đẩy lên phát sóng sớm có lẽ vì lãnh đạo Đài Truyền hình VN muốn nối tiếp dòng phim chính luận đã tạo được ấn tượng tốt với khán giả trong nhiều năm qua.

Vai ông Đinh Xuân Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Lãng, nhân vật chính trong phim đã được giao cho NSND Hoàng Dũng, ông có ngại rằng khuôn mặt của nghệ sĩ này hơi hiền lành và cũng quá quen thuộc với khán giả truyền hình?

- Tôi hoàn toàn chẳng thấy có vấn đề gì khi giao vai này cho NSND Hoàng Dũng, bởi đó là một diễn viên nghiêm túc trong nghề, có tài diễn xuất. Nhiều khi người ta cứ nghĩ là nhân vật phản diện phải có một ngoại hình cũng... phản diện, song thực ra không phải, cái ác có thể ẩn chứa đằng sau bất cứ khuôn mặt nào, xuất hiện trong bất cứ con người nào.

Còn việc diễn viên quen mặt với khán giả hay không thì tôi cũng phải chịu, bởi thật ra, tìm được những diễn viên có nghề đóng được những vai diễn nặng ký trong phim chính luận hiện nay không đơn giản chút nào.

Ở kịch bản phim "Đàn trời", ông thấy điều gì thú vị nhất?

- Đó không chỉ là một bộ phim chống tham nhũng và lật mặt những kẻ có chức có quyền lúc nào cũng chỉ muốn "vét đầy túi tham" mà còn là một bộ phim nói về nhiều vấn đề của cuộc đời, của đạo trời.

Phim có 2 tuyến nhân vật, là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Phim cũng có một nhân vật giống như trong thần thoại, ngồi một chỗ nhưng cái gì cũng biết.

img
Một cảnh trong phim "Đàn trời".

Điều đọng lại của bộ phim là vượt lên tất cả những tham vọng, những ân oán, thiện ác... là sự sâu lắng, nhân ái trong các mối quan hệ giữa con người với con người, cả mối quan hệ vô hình mà thiêng liêng giữa con người với quê hương. Tiếng sáo xẩm Ky, thác Đàn Trời, hay bờ sông Dâng... được thể hiện như những chứng nhân đồng cảm, chia sẻ, và nâng đỡ tâm hồn nhân vật trong phim.

Làm phim về đề tài chống tham nhũng, khán giả xem thì thích nhưng các nhà làm phim lại chịu nhiều vất vả. "Đàn trời" có phải là một ngoại lệ không?

- Phim của chúng tôi không nằm ngoài tiền lệ đó. Bởi phim phản ánh cái xấu, những vụ biển thủ, móc ngoặc để tham nhũng tiền từ Dự án 135 nên chúng tôi buộc phải làm sao cho khéo léo để không ai hay địa phương nào phản ứng rằng phim đang nói về câu chuyện của họ, nhưng những kẻ "có tật giật mình" lại phải hiểu được điều đó.

Đoàn phim đã chọn bối cảnh ngoại ở rất nhiều nơi ở Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai. Bối cảnh một đài truyền hình ở địa phương miền núi- nơi các phóng viên dũng cảm làm việc mà cũng phải quay ở 4 nơi. Rồi những khi vào vùng rừng núi để quay, chỗ heo hút không có nhà dân, chúng tôi phải tự nấu lấy ăn, rồi ngủ luôn trên xe ô tô...

"Đàn trời" có sự tham gia của dàn diễn viên gạo cội ở phía Bắc như NSND Hoàng Dũng, Dũng Nhi, NSƯT Trung Anh, Kiều Thanh, NSƯT Diệu Thuần, Tùng Dương... Riêng NSƯT Anh Tú sau 10 năm tập trung vào sân khấu cũng quyết định trở lại với truyền hình qua vai Giám đốc Đài Truyền hình Bình Lãng.

Đã từng làm phim "Chủ tịch tỉnh", giờ lại đến "Đàn trời", ông có sợ mình sẽ bị mang tiếng là người chuyên làm phim "châm thọc" các quan chức hàng tỉnh?

- Với công việc của một đạo diễn, cứ kịch bản nào hay, có đóng góp cho xã hội thì tôi làm phim.

Việc làm phim về đề tài chống tham nhũng nhiều khi cũng mỏi mệt vì sợ động chạm người này người kia, địa phương này địa phương nọ, thế nhưng không thể vì thế mà chúng tôi không làm.

Từ trước tới giờ mọi người vẫn quan niệm, báo chí là quyền lực thứ tư, hét ra lửa, oai phong lắm nhưng thông qua bộ phim này, chúng tôi muốn nói lên những vất vả, khó khăn của các phóng viên truyền hình, nhiều người còn bị đe dọa đến cả tính mạng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem