Lấy "đất vàng" nuôi con đặc sản kiểu chơi chơi, ai ngờ anh nông dân TP HCM tự trả lương cao

Trần Đáng Thứ năm, ngày 22/02/2024 13:41 PM (GMT+7)
Nghe bày vẽ của bạn bè, anh Huỳnh Đức Lâm (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM) lấy miếng đất vườn giá trị thị trường hơn chục tỷ đồng đào ao nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi). Bất ngờ anh Lâm thu hơn nửa triệu đồng mỗi ngày từ mô hình nuôi con đặc sản này.
Bình luận 0

Theo anh Lâm, anh làm nghề buôn bán đất. Nuôi ốc bươu đen là "làm chơi kiếm ốc ăn", nhưng khi thấy nuôi ốc bươu đen có thu nhập tốt nên theo đuổi luôn.

Lấy "đất vàng" nuôi con đặc sản kiểu chơi chơi, ai ngờ anh nông dân TP HCM tự trả lương cao- Ảnh 1.

Giờ mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Lâm được Hội Nông dân xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM chọn làm mô hình điểm để nông dân học tập kinh nghiệm. Ảnh: T.Đ

Lấy nước kênh Đông nuôi ốc bươu đen

Thời điểm này, kênh N38 đầy nước lững lờ trôi được lấy từ kênh Đông. Chính dòng kênh N38 được anh Lâm tận dụng để lấy nước nuôi ốc bươu đen, "đánh thức" vùng đất phèn nặng. 

Theo đó, 7 cái ao lớn nhỏ dùng để nuôi ốc bươu đen, với tổng diện tích khoảng 1.500m2 mặt ao, của anh Lâm được hàng ngày thay nước từ kênh N38. 

Dòng nước này liên tục ra vào không chỉ làm sạch nước ao nuôi ốc bươu đen mà quan trọng hơn là rửa phèn hoặc giảm mức độ phèn trong ao nuôi.

"Cốt lỏi nuôi ốc bươu đen thành công hay không quan trọng nhất là nguồn nước", anh Lâm vừa chia sẻ vừa nhìn chăm chăm dòng kênh N38.

Lấy "đất vàng" nuôi con đặc sản kiểu chơi chơi, ai ngờ anh nông dân TP HCM tự trả lương cao- Ảnh 3.

Không chỉ nuôi ốc bươu đen, anh Lâm còn biết ương giống để nhân đàn. Ảnh: T.Đ

Theo anh Lâm, anh mua mảnh đất vườn rộng 3.000m2 này từ 7 năm trước, nhưng chỉ nuôi ốc bươu đen 2 năm nay. 

Mảnh đất này giờ đang được anh Lâm trồng các loại cây ăn trái vừa để giải trí vừa làm "vùng nguyên liệu thức ăn" để nuôi ốc bươu đen.

Anh Lâm cho biết, nuôi ốc bươu đen khá dễ, ít tốn kém và nhàn. Mỗi buổi sáng, anh Lâm chỉ mất vài ba giờ cho 7 ao ốc. 

Ví như mùa này là mùa sinh sản của ốc bươu đen. Mỗi sáng anh Lâm phải đi nhặt trứng ốc để ấp, rồi vớt bèo đem phơi chuẩn bị thức ăn, rồi thay nước ao nuôi…

Công việc sẽ bận rộn hơn khi đến định kỳ ngâm vôi lấy nước trong phun xuống ao để duyệt khuẩn, tạo canxi cho ốc phát triển; phun men vi sinh xử lý chất thải của ốc; tạt thuốc tím để diệt khuẩn giúp ốc hạn chế bệnh; phun thuốc kích thích và thuốc diệt sâu nuôi bèo…

"Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là bèo tây. Nếu có ốc con thì cho ăn giặm thêm cám công nghiệp để thúc cho mau lớn", anh Lâm cho biết.

Lấy "đất vàng" nuôi con đặc sản kiểu chơi chơi, ai ngờ anh nông dân TP HCM tự trả lương cao- Ảnh 5.

Anh Lâm, nông dân nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) ở xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM kiểm tra ao nuôi ốc bươu đen. Ảnh: T.Đ

Không chỉ nuôi ốc bươu đen, anh Lâm còn có thể chủ động làm giống để tự nhân đàn. Cũng như nuôi, anh Lâm cho rằng ương giống ốc bươu đen khá dễ.

Theo đó, sau khi lấy trứng ốc bươu đen, người nuôi cho vào rổ rồi lấy vải ủ lên mặt trứng. Trong quá trình ương, người nuôi phải phun nước giữ ẩm trứng ốc bươu đen.

Sau 7 - 10 ngày ương, trứng ốc bươu đen sẽ nở. Khoảng 1 tuần sau khi trứng nở, người nuôi ốc bươu đen đưa ốc giống ra ao nuôi. Ốc được nuôi 4 - 5 tháng là xuất bán. Thường mỗi năm nuôi ốc bươu đen được 3 vụ.

Anh Lâm lưu ý, trong quá trình nuôi thi thoảng ốc bị bệnh "mòn đít" do thiếu canxi, nấm. Nguyên nhân là nuôi dày và thiếu cải tạo ao.

Nuôi ốc bươu đen "ăn đứt" vật nuôi, cây trồng khác

Về việc nuôi ốc bươu đen, hầu hết nông dân ở miền Tây Nam bộ đều thu hoạch và bán một lần trong vụ. Tuy nhiên, anh Lâm nuôi ốc bươu đen kiểu cuốn chiếu và bắt ốc bán hàng ngày cho tiểu thương chợ.

Theo đó, hiện mỗi ngày anh Lâm bán khoảng 15kg ốc bươu đen thương phẩm. Giá ốc bươu đen thương phẩm bán lẻ là 60.000 đồng/kg, cho mối lái là 50.000 đồng/kg.

"Tôi chỉ bán nhất định 1 giá dù ngoài thị trường giá ốc trồi sụt ra sao, tiểu thương cũng quen kiểu bán buôn này rồi. Hiện, trại không đủ sản lượng ốc bươu thịt để cung ra thị trường", anh Lâm thổ lộ.

Ngoài bán ốc bươu đen thương phẩm, anh Lâm còn bán trứng và ốc bươu đen giống. Giá trứng ốc bươu đen là 1,2 triệu đồng/kg; giá ốc bươu đen giống là 300 đồng/con, con giống cỡ đầu ngón chân cái là 120.000 đồng/kg.

Như vậy, với diện tích 1,5 công đất, chỉ riêng tiền bán ốc thương phẩm mỗi ngày đã cho anh Lâm thu nhập hơn nửa triệu đồng. Với mức thu nhập này, giá trị sản xuất bình quân trên ha đất nuôi ốc bươu đen gấp hơn 3 lần giá trị sản xuất bình quân trên ha đất sản xuất nông nghiệp của TP (năm 2023 ước đạt 579 triệu đồng/ha).

Lấy "đất vàng" nuôi con đặc sản kiểu chơi chơi, ai ngờ anh nông dân TP HCM tự trả lương cao- Ảnh 8.

Nông dân TP.HCM đang manh nha việc nuôi ốc bươu đen đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: T.Đ

Anh Lâm cho biết thêm, hiện nay thị trường tiêu thụ ốc bươu đen ở TP.HCM chủ yếu là ốc nuôi ở miền Tây, miền Bắc và nhập từ Campuchia.

Tuy nhiên, vào mùa lạnh thị trường TP.HCM không có ốc nuôi ở miền Bắc do khu vực miền Bắc không nuôi được ốc bươu đen vào mùa lạnh. Thời điểm này, ốc bươu đen từ miền Nam được thu mua rầm rộ để chuyển ra miền Bắc tiêu thụ.

Trong năm, khoảng tháng 9 – 10, ốc bươu đen nuôi ở Campuchia theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam với giá ốc bươu đen khá rẻ 40.000 – 45.000 đồng/kg (ốc đẹp).

Anh Lâm cho biết, ngoài có thị trường TP rộng lớn tại chỗ, lợi thế của việc nuôi ốc bươu đen tại TP.HCM là ốc tươi sống. 

Do ốc bươu đen được nuôi tại chỗ nên tiểu thương không lo hao hụt, còn người tiêu dùng luôn ăn ốc tươi ngon. Trong khi, ốc bươu đen thương phẩm đưa từ miền Tây lên TP.HCM phải tiêu thụ trong ngày nếu để qua ngày ốc sẽ chết do quá trình vận chuyển.

Ốc bươu đen rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam. Thịt ốc bươu đen giá trị kinh tế, thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, được chế biến với nhiều món khác nhau. Hiện, ốc bươu đen rất được thị trường ưa chuộng, thường có mặt trong các quán ăn, nhà hàng từ bình dân đến cao cấp…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem