Thả hươu trên đồi con vật có nguồn gốc động vật hoang dã này ở Thái Nguyên, tự hưởng lương cao
Thả trên đồi con vật có nguồn gốc động vật hoang dã, ông nông dân Thái Nguyên tự hưởng lương cao
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ sáu, ngày 23/02/2024 05:47 AM (GMT+7)
Chuyển qua nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau, ông Vũ Chí Long, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) quyết định gắn bó và chuyên tâm với việc nuôi hươu sao lấy nhung. Ông nuôi hươu thả đồi để con vật có nguồn gốc động vật hoang dã này phát triển tốt.
Từ những năm 2.000 trở về trước, gia đình ông Vũ Chí Long, Tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) thuộc diện hộ nghèo của xóm. Sau này, nhờ nuôi lợn và bò, gia đình ông đã thoát nghèo vào năm 2002.
Đến năm 2008, do chăn nuôi bò thua lỗ với số tiền lớn, ông Long bắt tay vào nuôi lợn rừng với số lượng vài trăm con.
Tuy nhiên do diện tích đất của gia đình tương đối rộng (khoảng 4ha) nên ông Long đã nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy hươu có giá cả ổn định, hiệu quả kinh tế cao, lại ít dịch bệnh nên ông đã quyết định đưa thêm huơu sao vào nuôi từ năm 2010.
Ban đầu ông mua hươu giống từ tận trong Hương Sơn, Hà Tĩnh với khởi điểm 3 con huơu giống, trị giá gần 70 triệu đồng.
Khi mới đến với mô hình chăn nuôi này, ông Long cũng gặp phải nhiều khó khăn.
Khó khăn vì kỹ thuật nuôi hươu không có, không rành về vật nuôi vốn có nguồn gốc từ động vật hoang dã này thời điểm đó, ở trong vùng chưa có ai phát triển mô hình nuôi huơu sao này nên không thể học hỏi kinh nghiệm từ ai.
Năm 2010, ông Long, nông dân Tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) chính thức bắt tay vào nuôi hươu sao. Ảnh: Hà Thanh.
Toàn bộ quy trình chăm sóc hươu đều do ông từ mày mò, nghiên cứu và rút kinh nghiệm dần, nhưng may mắn thay, trong suốt trong quá trình chăn nuôi huơu, ông Long chưa để một con hươu nào phải mắc bệnh mà chết.
Đến năm 2019, ông quyết định chỉ tập trung, chuyên tâm vào nuôi hươu nên đã bỏ mô hình lợn rừng.
Đối với nuôi hươu, theo ông Long, chi phí đầu tư cho chuồng trại không quá lớn do hệ thống chuồng trại được ông thiết kế tương đối đơn giản.
Điểm đặc biệt, loài hươu sao được ông Long thả đồi nên chất lượng nhung khác hẳn so với hươu nhốt chuồng.
Chuồng trại chỉ để phục vụ những lúc hươu chuẩn bị được cắt nhung thì cho hươu vào chuồng để bảo vệ nhung khỏi bị xây xước, ảnh hưởng đến chất lượng nhung.
Hơn nữa, hươu là loại động vật có sức đề kháng tốt, ít khi bị mắc bệnh, chỉ có hay bệnh thường gặp là đường ruột, đầy hơi chướng bụng vào mùa nồm ẩm, nên trong quá trình cho ăn sẽ kết hợp các loại lá cây thuốc để phòng hai bệnh này.
Hiện ông Long, nông dân Tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đang trồng khoảng 1 mẫu cỏ voi để nuôi hươu sao. Ảnh: Hà Thanh.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho huơu, gia đình ông Long đã trồng cỏ voi và trồng ngô lấy lá, lấy hạt, kết hợp trồng chuối với diện tích khoảng 7.200m2.
Do tự túc được nguồn thức ăn, nên chi phí thức ăn cho huơu không lớn, bởi vậy lợi nhuận thu về tương đối cao.
Hiện gia đình ông Long đang có khoảng 40 – 50 con hươu các loại chủ yếu bán nhung và một phần cung cấp hươu giống cho bà con có nhu cầu.
Với 2 chuồng nuôi hươu và diện tích chăn thả có tổng diện tích khoảng trên 3.600m2. Thời điểm gia đình ông Long nuôi nhiều nhất lên tới 70 con hươu.
Ông Vũ Chí Long, nông dân nuôi hươu sao lấy nhung, bán hươu giống ở thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên)Bên cạnh cỏ voi, thức ăn của hươu còn là hoa quả và lá ngô. Ảnh: Hà Thanh.
Đối với hươu nuôi để lấy nhung thì từ lúc hươu con được sinh ra đến khi bắt đầu có thể khai thác nhung chỉ trong khoảng thời gian 12 tháng.
Do đó, thời gian thu hồi vốn tương đối nhanh. Thời điểm cắt nhung tốt nhất là vào mùa xuân (khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch) vì khi này chất lượng nhung sẽ đảm bảo.
Giá nhung huơu ở thời điểm hiện tại được ông Long bán 2,2 triệu đồng/100gam.
Còn đối với hươu sinh sản, mỗi năm sẽ sinh sản một lần với số lượng một con. Đến nay, gia đình ông Long đã cung cấp hươu giống cho 4 hộ gia đình trên địa bàn huyện Đồng Hỷ để phát triển thành công và ổn định mô hình nuôi hươu.
Ngoài ra, con giống còn được đình ông cung cấp cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với giá bán dao động từ 20 – 25 triệu đồng/con tuỳ theo trọng lượng.
Để đảm bảo các hộ sau khi mua giống, hươu sẽ phát triển thuận lợi, ông Long sẽ tận tình tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi hươu cũng như kỹ thuật làm chuồng trại và phòng ngừa bệnh tật nên những hộ đã mua giống đều yên tâm phát triển mô hình.
Theo ông Long, Thái Nguyên có lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện khí hậu thuận lợi cho hươu phát triển nên có thể nhân rộng mô hình này.
Về cơ bản, nuôi hươu không tốn nhiều thời gian chăm sóc, tỷ lệ rủi ro ít, lợi nhuận kinh tế cao mà lại không gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, hàng năm có rất nhiều hộ gia đình đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi hươu của gia đình ông Long. Theo ông Long chia sẻ, năm 2023 lợi nhuận từ việc bán hươu giống và nhung hươu của gia đình ông đạt khoảng 500 – 600 triệu đồng.
Ông Lâm Văn Nghĩa – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Trước năm 2010, kinh tế của gia đình ông Long chủ yếu phụ thuộc vào nghề trồng và chế biến chè, kết hợp chăn nuôi gà và lợn.
Từ năm 2010 trở đi, ông Long đã đi học hỏi kinh nghiệm và quyết tâm đưa mô hình hươu sao về để nuôi đến nay đã được 14 năm.
Bên cạnh việc phát triển hiệu quả kinh tế của gia đình, ông Long còn giúp đỡ nhiều hộ trên địa bàn phát triển mô hình nuôi hươu sao, nâng cao thu nhập cho các hộ.
Chính vì vậy, ông Long đã nhiều năm nhận được giấy khen, Bằng khen của các cấp ngành vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi.
"Từ một hộ có điều kiện kinh tế khó khăn, đến nay gia đình ông Long đã trở thành một hộ có điều kiện kinh tế khá giả tại địa phương và có nhiều đóng góp trong các động, phong trào trên địa bàn", ông Nghĩa cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.