Chiều 16.5, tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4 đã phân tích 315 mẫu hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu và phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng đều thấp hơn mức dư lượng tối đa cho phép.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong số đó có 1 mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc chứa dư lượng endosulfan, một hoạt chất đã cấm sử dụng ở Việt Nam.
Liên quan đến thông tin nông dân Trung Quốc sử dụng formandehyde để bảo quản rau cải thảo, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Cục đã bổ sung formaldehyde vào danh mục các chất cần kiểm tra trên rau, củ quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, khẳng định tạm thời đã kiểm soát được việc buôn bán và sử dụng chất cấm nhóm Beta agonist trong chăn nuôi khi nhiều tuần qua chưa phát hiện thêm mẫu nước tiểu, thức ăn chăn nuôi, thịt heo có chất cấm.
Theo ông Phùng Hữu Hào, Cục phó Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ phát hiện dưới 1% số mẫu cá nhiễm chất cấm trifluralin. Tỷ lệ này cho thấy việc sử dụng chất trifluralin là cá biệt, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các loài cá nuôi.
Về các lô thịt thối liên tiếp bị phát hiện, bắt giữ tại TP.HCM, Cục Thú y cho biết đang phối hợp với cơ quan hữu trách kiểm tra, làm rõ nguồn gốc các lô hàng này để xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm.
Theo Thanh niên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.