Liên kết nuôi cá đặc sản từ nguồn vốn này, nông dân Nam Định thêm của ăn của để

Đức Thịnh Chủ nhật, ngày 17/09/2023 14:14 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hộ nông dân Nam Định đã có điều kiện để triển khai hiệu quả những mô hình hay. Điển hình như mô hình tổ hợp tác nuôi cá chạch, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp nuôi và chế biến thủy sản ở huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ...
Bình luận 0

Giúp nông dân liên kết nuôi cá chạch đặc sản từ nguồn vốn Quỹ HTND

Năm 2023, 7 thành viên trong Tổ hợp tác nuôi cá chạch xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh được Hội Nông dân tỉnh Nam Định hỗ trợ vay vốn từ Quỹ HTND với mức 50 triệu đồng/hộ. Từ nguồn vốn này, các thành viên trong tổ hợp tác đã đầu tư thức ăn cho cá, cải tạo ao nuôi cá chạch.

Ông Nguyễn Hữu Việt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trực Mỹ cho biết: Từ lợi thế của địa phương, nằm ven sông Ninh Cơ, thuận lợi cho việc nuôi thủy sản, xã có 20 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích khoảng 15ha. Nhằm hỗ trợ các hộ, Hội ND thực hiện dự án Quỹ HTND, phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NNPTNT nhận uỷ thác với tổng số vốn vay trên 25,8 tỷ đồng. Từ những nguồn vốn vay trên, các hộ sản xuất, kinh doanh ở địa phương tích cực phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 0,30% theo chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Liên kết nuôi cá đặc sản từ nguồn vốn này, nông dân Nam Định thêm khấm khá - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá bớp của nông dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ảnh: Đức Thịnh

Là 1 trong những hộ được vay vốn Quỹ HTND, ông Vũ Văn Minh, xã Trực Mỹ cho biết: Nhằm phát triển kinh tế, gia đình ông đã đấu thầu hơn 4.000 m2 đất ruộng trũng ven đê của xã, cải tạo thành khu nuôi trồng thủy sản. Lúc đầu gia đình ông nuôi thả các giống cá truyền thống như trôi, trắm, chép..., tuy nhiên hiệu quả không cao. Năm 2019, sau khi dành thời gian học hỏi kinh nghiệm ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, gia đình ông chuyển sang nuôi ếch và nuôi cá chạch đặc sản.

Ông Minh cho biết, đây là hai sản phẩm đặc sản đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiềm năng, chăm sóc khá dễ, tỷ lệ thành công cao. Trung bình mỗi năm gia đình ông thả 2 vụ giống, mỗi vụ 50.000 con cá chạch/6 sào mặt nước và 14.000 con ếch/200m2 ao. Sau 4 tháng chăm sóc cá chạch, 3 tháng chăm sóc ếch sẽ cho thu hoạch. Mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch khoảng 4 tấn cá chạch và gần 3 tấn ếch, sau khi trừ chi phí, bình quân thu lãi 300 triệu đồng/năm.

Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, gia đình ông Minh sử dụng để đầu tư thức ăn cho cá, ếch và cải thiện ao nuôi. Ông Minh chia sẻ, ông dự định sẽ xây dựng khu chế biến cá chạch, đầu tư máy móc, nồi kho cá công nghiệp, cung cấp ra thị trường sản phẩm cá chạch kho, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, vừa nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho gia đình. Để làm điều đó, ông mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay nhiều hơn để có thể đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Liên kết nuôi cá đặc sản từ nguồn vốn này, nông dân Nam Định thêm khấm khá - Ảnh 2.

Từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh, gia đình ông Vũ Văn Minh, xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, Nam Định đầu tư nuôi cá chạch cho thu nhập cao. Ảnh: Nguyễn Lành

Tạo việc làm cho trên 5.000 lao động

Bên cạnh tổ hợp tác nuôi cá chạch, trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều mô hình vay vốn Quỹ HTND tiêu biểu, đạt hiệu quả cao như: Chi hội nghề nghiệp chế biến thủy sản xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại xã Bạch Long, chi hội nghề nghiệp nuôi thuỷ sản tại Giao Hải, huyện Giao Thủy; tổ hợp tác nuôi thuỷ sản tại Mỹ Hà (Mỹ Lộc)… Các mô hình này hoạt động hiệu quả đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tích cực vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND. Hiện, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đang quản lý trên 35 tỷ đồng, cho vay hơn 350 dự án, với 2.063 hộ vay. So với năm 2018, Quỹ HTND các cấp đã tăng trên 11,3 tỷ đồng. 

Từ nguồn Quỹ này, đã có 183 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp được đầu tư xây dựng, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động.

"Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của T.Ư Hội NDVN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoạt động của Quỹ HTND các cấp ngày càng đi vào nền nếp. Công tác phát triển nguồn vốn từ tỉnh tới huyện và cơ sở được quan tâm chú trọng. Công tác cho vay đảm bảo theo quy định, tập trung vào các mô hình kinh tế tập thể, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi"- lãnh đạo Hội ND tỉnh Nam Định thông tin.

Cùng với tăng trưởng và quản lý tốt nguồn vốn vay Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh Nam Định phối hợp với các ngân hàng đầu tư vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Cụ thể, tổng dư nợ từ Ngân hàng NNPTNT là trên 11.935 tỷ đồng, cho hơn 38.600 hộ vay. Hội Nông dân tỉnh Nam Định là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ dư nợ thông qua thực hiện thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng NNPTNT. Cùng với đó, Hội phối hợp Ngân hàng CSXH nhận ủy thác cho gần 36.800 hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn với dư nợ trên 1.500 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định Nguyễn Hùng Mạnh khẳng định, các nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và giúp cho hội viên nông dân có nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các dự án được đầu tư vốn đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.

Thời gian tới, để hỗ trợ hội viên nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu, Hội Nông dân tỉnh Nam Định tiếp tục tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp tạo cơ chế và nguồn lực về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật để giúp các hộ sản xuất kinh doanh có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem