Lo cho uy tín tôm Việt Nam

Thứ tư, ngày 08/05/2013 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc một số nước như Philippines, Mexico hay Trung Quốc cấm nhập khẩu tôm tươi Việt Nam (NTNN số 109/2013) dù không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu nhưng có thể khiến uy tín chung của tôm Việt Nam bị giảm sút...
Bình luận 0

Đề phòng việc loan tin sai

Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 7.5, ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, việc các nước dựng hàng rào kỹ thuật hoặc ra quyết định cấm nhập khẩu một sản phẩm nào đó khi có dịch bệnh ở nơi sản xuất là chuyện xảy ra thường xuyên.

img
Tôm thẻ chân trắng nuôi tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Và nếu việc cấm nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Việt Nam của các nước cũng chỉ nhằm mục đích hỗ trợ nông dân, bảo vệ ngành sản xuất trong nước họ thì không sao. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, một khi việc này xảy ra đồng loạt, ở nhiều nơi thì có thể sẽ “nguy hiểm” cho sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, do uy tín bị giảm, hình ảnh chất lượng trên thị trường thế giới bị sai lệch.

“Cũng phải đề phòng trường hợp cùng với việc cấm nhập khẩu, các nước có thông tin không chính xác về chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam, vì lúc đó sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành tôm nước nhà” - ông Lĩnh cho biết.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn tại các thị trường nhập khẩu, hoạt động thu mua tôm nguyên liệu trong nước thời gian qua vẫn có những diễn biến thuận lợi, giá tôm nguyên liệu đã tăng thêm từ 10 - 15% so với tháng trước.

Đại diện một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tại Cà Mau cũng cho rằng, dịch bệnh tôm chết nhiều ở ĐBSCL thời gian qua đã khiến nhiều nước phải cảnh giác trước sản phẩm tôm sống từ Việt Nam. Tuy vậy, hiện sản xuất nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đã được cải thiện rất nhiều, số lượng các doanh nghiệp, ao nuôi đạt các chứng chỉ an toàn chất lượng được thế giới công nhận như GlobalGAP, ASC, BAP, BRC… tăng rất nhiều.

Tôm đông lạnh an toàn

Theo Cục Nghề cá và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR), việc nước này ra quyết định “cấm cửa” tôm tươi, sống và động vật giáp xác từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam?là để tránh lây nhiễm dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) và hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) từ các nước xuất khẩu, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm nội địa.

Về việc này, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng khẳng định rằng, không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các nước khu vực châu Á có vùng nuôi tôm mắc những bệnh như hoại tử gan tụy, tôm chết sớm… đều đang phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật khắt khe từ thị trường nhập khẩu.

Ông Hòe cho rằng, Việt Nam không thể ngăn cản các nước bảo vệ hoạt động sản xuất của họ nhưng sẽ đảm bảo rằng sản phẩm tôm đã qua sơ chế không mang các mầm bệnh nguy hiểm. “Hơn nữa, dịch bệnh tôm chết sớm cũng chưa từng bị phát hiện lây lan từ sản phẩm tôm đông lạnh sang tôm sống nên không có gì đáng lo ngại” - ông Hòe cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thụ - Giám đốc Cơ quan Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Phía Nam (thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết, trong thời gian qua, đơn vị này liên tục đã tiến hành kiểm tra nhiều mẫu thủy sản, gồm các đối tượng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi…

Kết quả cho thấy, hầu hết các mẫu kiểm tra đều không phát hiện dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép, kể cả các chất từng bị Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước kiểm tra chặt khi nhập khẩu thủy sản Việt Nam như enrofloxacin, trifluralin, thuốc diệt nấm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem