Lo đầu ra cho gia cầm mùa dịch

Thứ năm, ngày 27/02/2014 10:18 AM (GMT+7)
Mặc dù giá gà, vịt đang giảm mạnh do ảnh hưởng từ thông tin của dịch cúm gia cầm (CGC), song ở nhiều địa phương vẫn tìm ra các giải pháp để tiêu thụ gia cầm an toàn. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã vơi bớt khó khăn trong giai đoạn này.
Bình luận 0
Thông tin minh bạch, rõ ràng

TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện các giải pháp thúc đẩy, tiêu thụ gia cầm sạch, an toàn. Cụ thể, Chi cục Thú y TP.HCM vừa tổ chức trao quyết định công nhận mới 4 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn là những đơn vị an toàn dịch bệnh đối với CGC. Đồng thời, gia hạn công nhận an toàn dịch bệnh cho 4 cơ sở khác.

Như vậy, toàn TP.HCM hiện có 74 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó, với phương pháp chăn nuôi tiên tiến, tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật về tiêm phòng dịch cho vật nuôi, nhiều trại chăn nuôi gia cầm như Xí nghiệp Chăn nuôi gà Củ Chi (cơ sở 1), trại gà Nguyễn Thị Mỹ Hoa, trại bồ câu Ngọc Điền, trại gà của bà Nguyễn Thị Lạc… đã được chứng nhận an toàn với CGC.

Công nhân đóng gói gà sạch ở Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh (Bắc Giang).
Công nhân đóng gói gà sạch ở Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh (Bắc Giang).

Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân khẳng định, dịch CGC chủ yếu chỉ diễn ra ở những trại chăn nuôi nhỏ, lẻ, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong phòng chống dịch bệnh. “Nếu nuôi gà trong trại lạnh, có máy đo nhiệt độ hàng ngày, gà được tiêm phòng vaccine đầy đủ, sẽ rất khó xảy ra dịch bệnh. Với các trại nuôi này, người tiêu dùng hãy cứ vô tư sử dụng sản phẩm” - bà Huân cho biết.

Trao đổi với NTNN, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. HCM cho biết, hiện tại, 6 tỉnh lân cận thành phố có 44 cơ sở chăn nuôi, giết mổ đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với 54 thương hiệu được đăng ký. Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát gia cầm không có nguồn gốc, chúng tôi khuyến khích các cơ sở nói trên đưa sản phẩm an toàn, sạch vào thành phố. Nếu người tiêu dùng tìm những sản phẩm này sẽ vừa bảo vệ sức khỏe của mình, vừa giúp người chăn nuôi.

Ông Mai Văn Hiệp – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, với tốc độ lây lan như hiện nay, dịch CGC có khả năng sẽ phủ kín các tỉnh trong thời gian tới. “Cán bộ thú y trước khi tịch thu, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh của nông dân phải giải thích rõ các chế độ hỗ trợ, đền bù. Phải làm sao ở vùng có dịch thì xử lý quyết liệt, còn vùng không có dịch thì phải tuyên truyền để người tiêu dùng không e ngại, tẩy chay sản phẩm”- ông Hiệp nhấn mạnh.

Cơ hội để tiêu thụ gà sạch

Bên cạnh việc thông tin rõ ràng về dịch cúm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch CGC hoành hành như hiện nay cũng là cơ hội để người chăn nuôi sản xuất các sản phẩm sạch. Đây sẽ là lối ra ổn định, an toàn cho người nông dân.

Là cán bộ xã, nhưng cũng đồng thời là một hộ chăn nuôi gà với số lượng lớn, có thời điểm hơn 2.000 con gà mỗi lứa, ông Nguyễn Hữu Khải - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ (Yên Thế - Bắc Giang) cho biết: “Hôm nay họ hàng nhà tôi có một đám cưới, chúng tôi vẫn thịt gà ăn bình thường, bởi gà nhà mình đều có nguồn gốc, chứng nhận rõ ràng”.

Cũng theo ông Khải, giá gà hiện giảm xuống rất thấp, có hộ chỉ bán được 32.000 đồng/kg và cao nhất 45.000 đồng/kg, nhiều hộ đang lỗ khoảng 30-40 triệu đồng/1.000 con gà. Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi gà sạch, có địa chỉ vẫn có thể bán được gia cầm với giá có lãi.

"Cán bộ trước khi tịch thu, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh của nông dân cũng phải giải thích rõ các chế độ hỗ trợ, đền bù. Phải làm sao ở vùng có dịch thì xử lý quyết liệt, còn vùng không có dịch thì phải tuyên truyền để người tiêu dùng không e ngại, tẩy chay sản phẩm”.

Ông Mai Văn Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Thú y

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại “thủ phủ” của gà ở khu vực miền Bắc với thương hiệu nổi tiếng Gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), nhiều người chăn nuôi tuân thủ theo quy trình sản xuất sạch vẫn tìm được đầu ra ổn định. Gia đình ông Nguyễn Hữu Quý ở thôn Ngò 2 xã Đồng Kỳ được biết đến là một trong những hộ chăn nuôi gà có số lượng lớn nhất xã với mức 7.000 con gà mỗi lứa.

Thấy giá gà trên thị trường xuống thấp, từ những tháng cuối năm 2013, ông Quý đã chuyển toàn bộ giống gà ri lai và mía lai truyền thống của huyện Yên Thế sang nuôi giống gà lai chọi. Tuy gà lai chọi chậm lớn hơn nhưng với ưu điểm là thịt chắc, thơm ngon và được chăn nuôi theo đúng quy trình khép kín nên hiện ông Quý vẫn bán được từ 55.000 - 60.000 đồng/kg.

Nhà bà Nguyễn Thị Phương ở thôn 3 xã Đồng Lạc (Yên Thế) từ tháng 6 năm ngoái đã “bắt tay” với doanh nghiệp sản xuất gà sạch, cung ứng cho thị trường Hà Nội. “Từ con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi chúng tôi đều được công ty cấp và cả quy trình chăn nuôi sạch cũng tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của công ty. Gà xuất chuồng phải đảm bảo tối thiểu trên 4 tháng nên giá bán luôn ổn định và được công ty đảm bảo bao tiêu đầu ra”- bà Phương nói.

Bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn (xã Đồng Tâm, Yên Thế) cho biết, mỗi năm công ty sản xuất và liên kết với các hộ dân chăn nuôi gà theo quy trình VietGAP khoảng 1.000 tấn. Với sản phẩm này, trong thời gian qua rất mừng là lượng khách hàng ở các đại lý, siêu thị tại Hà Nội tìm mua tăng lên. Dù bây giờ có dịch, nhưng sản phẩm của công ty và của nông dân liên kết không bị ế đầu ra.

Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Tuấn Anh- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến gia cầm Trường Anh (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Mặc dù dịch CGC đang bùng phát ở nhiều địa phương, nhưng với sản phẩm gia cầm được sản xuất và chế biến theo quy trình khép kín, sạch bệnh nên lượng tiêu thụ của công ty thời gian qua có dấu hiệu tăng.

Nếu như trung bình mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 500kg gà/ ngày đã qua giết mổ tại siêu thị thì một tuần trở lại đây đã tăng lên 700kg/ngày. Chỉ có nuôi sạch, sản xuất sạch thì người chăn nuôi, doanh nghiệp mới tồn tại.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: Chỉ cần khoanh ổ dịch tại chỗ

Gia cầm ốm, gia cầm bị dịch bệnh thì việc người tiêu dùng dè chừng là chuyện đương nhiên nên khi các cơ quan quản lý đưa thông tin về dịch bệnh cần phân tích cụ thể hơn để tránh hoang mang cho người tiêu dùng.

Tôi còn nhớ, năm 2004, chúng ta đã từng tiêu huỷ và giết bỏ cả những gia cầm gần khu vực bị mắc bệnh lên tới hàng chục triệu con. Trong khi đó, quá trình tiêu huỷ không đảm bảo đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi. Sau đó, nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ vì một hộ bị chết gia cầm mà giết hết gia cầm của các hộ xung quanh nên các cơ quan chức năng mới đưa ra quyết định không giết gia cầm nữa.

Còn hiện nay, chúng ta mới có 21 tỉnh có dịch CGC trong đó chủ yếu CGC chỉ xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ, chỉ cần các địa phương có ổ dịch khoanh vùng tại xã đó là đảm bảo. Cả nước có hơn 11.000 xã phường, CGC hiện mới xuất hiện ở hơn 20 xã là con số quá nhỏ, việc một xã ở Lào Cai bị CGC, mà người dân ở Hà Nội đã dè chừng, không dám ăn gia cầm là không thực tế, khi tuyên truyền tôi nghĩ các cơ quan truyền thông cần phân tích rõ hơn vấn đề này.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Thông tin dịch cúm phải rõ ràng

Từ tháng 1 tới nay, thời tiết thay đổi lớn khiến gia cầm mắc bệnh, chết nhiều. Tuy nhiên, gia cầm chết không nhất thiết là do dịch CGC mà có thể do một số bệnh khác như bệnh tiêu chảy hoặc những bệnh cúm thông thường… Thế nhưng, do thông tin không tốt, không rõ ràng, nên người tiêu dùng mới tẩy chay sản phẩm. Ngay cả vùng không có dịch cúm, nhiều hộ chăn nuôi gà vẫn không bán được. Vì thế, việc thông tin, thông báo là phải hết sức rõ ràng.

Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt (TP. HCM) xác nhận, phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hiện đều có giấy chứng nhận trại an toàn dịch do Cục Thú y cấp. Do đó, người tiêu dùng không nên vì những thông tin dịch cúm mà “né” sử dụng sản phẩm gia cầm. Ngược lại, cần phân biệt được sản phẩm an toàn, những sản phẩm có thương hiệu uy tín để yên tâm khi sử dụng.

PGS-TS Lê Văn Năm - ủy viên hội khoa học thú y:Không nên tẩy chay gia cầm

Cúm ở gia cầm cũng giống như người, nếu sức khoẻ và sức đề kháng yếu là có nguy cơ bị cúm, bị ốm. Bản thân tôi đã có 30 năm làm việc trong lĩnh vực thú y, trực tiếp tiếp xúc với nhiều loại gia súc gia cầm ốm chết, nếu CGC nguy hiểm tới mức như mọi người đang sợ thì tôi đã không còn ngồi đây để giải thích về những điều này.

Thực tế cho thấy, những người chết vì CGC hầu hết không phải là những người nuôi gia cầm và cũng không phải là những bác sĩ thú y. Do đó, tôi khuyên người tiêu dùng không nên cứ thấy dịch cúm nguy hiểm, có khả năng lây sang người là tẩy chay thịt gia cầm.

Chỉ cần ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không ăn tiết canh và lựa chọn sản phẩm gia cầm sạch, gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, nhất là gia cầm đã qua chế biến là đảm bảo an toàn. Bởi nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm gia cầm đã qua giết mổ, người tiêu dùng sẽ hạn chế tiếp xúc với gia cầm sống, nguy cơ lây cúm sẽ là rất thấp.

Phương Vy - khải huyền (ghi)

Thuận Hải - Thanh Xuân (Thuận Hải - Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem