Lo ngại “công chức hóa” đại biểu Quốc hội

Thứ tư, ngày 04/06/2014 11:34 AM (GMT+7)
Sáng 3.6, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Bình luận 0
Một trong những điểm mới của dự thảo luật là tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách lên ít nhất là 35% tổng số ĐBQH. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng phải đánh giá được tác động của việc tăng ĐB chuyên trách có làm giảm được tính đại diện của ĐB không.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu thảo luận ngày 3.6 - Nguồn ảnh: TNO
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phát biểu thảo luận ngày 3.6 - Nguồn ảnh: TNO

Ông Đương phân tích: ĐB chuyên trách hiện hoạt động ngoài 2 kỳ họp Quốc hội còn bị chi phối quy tắc hành chính như một công chức, dưới sự lãnh đạo của chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các Ủy ban phân công nghiên cứu các vấn đề cụ thể. Nếu nặng về tính chất hành chính quá thì sẽ “công chức hóa” ĐBQH.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng ĐB chuyên trách hoạt động phải có tính chuyên nghiệp, ngoài tiêu chuẩn chung phải có tiêu chuẩn riêng. Theo đó, các ĐB này phải là những chuyên gia, phải có kinh nghiệm thực tiễn ít nhất 15 năm trở lên trong các lĩnh vực thuộc Ủy ban làm ĐB chuyên trách. ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng dự thảo luật đã thiếu một quy định rất quan trọng là cơ cấu nam và nữ trong ĐBQH. Theo ĐB Hòa, Quốc hội là đại diện của nhân dân, do vậy cần đủ tỷ lệ giới tính thì mới đáp ứng được yêu cầu ĐB cho nhân dân.

Đánh giá cao một điểm mới trong dự thảo lần này là quy định về hoạt động giải trình, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề nghị nên dùng từ “điều trần” thay cho “giải trình” để phù hợp với thông lệ của nghị viện thế giới, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hơn nữa giá trị, hiệu lực pháp lý của các phiên điều trần nhằm góp phần hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở của cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị cần thể hiện rõ trách nhiệm của ĐBQH trong giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật của HĐND và UBND. Một số ý kiến khác cũng đề xuất cải tiến quy trình lập pháp theo hướng: Đối với lần cho ý kiến đầu tiên của mỗi dự thảo luật, nếu còn có vấn đề có ý kiến khác nhau thì Quốc hội nên tiến hành biểu quyết ngay; tránh trường hợp bàn đi, bàn lại nhiều lần một vấn đề, tiết kiệm thời gian cho Quốc hội.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh tới việc cần quan tâm, có quy chuẩn để có thể chọn được ĐB chuyên trách có đủ chất lượng. “Hiện nay, một người gánh mấy cơ cấu thì không hiệu quả, chất lượng hoạt động không cao và vì thế phải quan tâm đến chất lượng ĐB chuyên trách, coi đây là gốc của vấn đề” - ông Phúc đề nghị.

Ngọc Lương (Ngọc Lương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem