Lời nguyền Gaddafi ngày càng ứng nghiệm khủng khiếp với Mỹ-EU!

Thứ sáu, ngày 22/06/2018 20:30 PM (GMT+7)
Khi đời sống chính trị đối mặt với khủng hoảng vì dân di cư, vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, bởi lúc này nó bị chi phối bởi quyền lực...
Bình luận 0

Đời sống chính trị tại Liên minh châu Âu gia tăng xung đột vì dân nhập cư

Cuộc khủng hoảng dân di cư tưởng chừng đã lắng dịu tại châu Âu, phần vì số người di cư - nhất là từ Libya - đã giảm, phần vì EU được cho là đã tìm ra cách giải quyết hiệu quả và bền vững.

Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn như vậy, thậm chí còn nguy hiểm hơn khi hiệu ứng tác động của nó đã chuyển từ đời sống xã hội sang đời sống chính trị tại EU và trong nội bộ các thành viên EU.

Chỉ vì bất đồng về vấn đề dân di cư trong nội bộ chính phủ Đức, mà Liên minh chính trị của Thủ tướng Angela Merkel đang chao đảo và có nguy cơ tan rã nếu không tìm được một giải pháp chung cho vấn đề này.

img

Chính phủ của Thủ tướng Merkel có nguy cơ sụp đổ chỉ vì khủng hoảng di cư

Thủ tướng Merkel phải tìm cách giải quyết những bất đồng trong chính phủ về chính sách đối với người tị nạn, khi ông Horst Seehofer, lãnh đạo Đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) đưa ra “Tổng kế hoạch về Di trú”.

Nội dung của kế hoạch này bao gồm việc Đức từ chối nhận người tị nạn ở vùng biên giới nước Đức đã yêu cầu được tạm trú ở quốc gia khác, đề xuất mà bà Merkel phản đối kịch liệt.

Tổng kế hoạch về Di trú được cho là nhằm ngăn chặn những người tị nạn được phân bổ cho các nước như Hungary, Ba Lan và Cộng hoà Séc - vốn từ chối quota và từng bị Uỷ ban châu Âu doạ phát đơn kiện về vấn đề này.

Trong khi đó Thủ tướng Merkel lại áp dụng chính sách nhập cư thân thiện và hậu quả là Đức phải tiếp nhận khoảng 325.400 người tị nạn trong năm 2017, 542.300 người trong năm 2016 và hơn 1 triệu người trong năm 2015.

Ông Seehofer, một trong những chính trị gia có quan điểm phản đối tình trạng di dân ồ ạt vào Đức và Châu Âu, yêu cầu “EU phải đưa ra quyết định của mình vào cuối tháng 6.2018, vì tình hình hiện tại đã rất nghiêm trọng”.

Thậm chí Lãnh đạo Đảng Xã hội Cơ đốc giáo của Đức được cho là đã lên tiếng kêu gọi các thành viên EU phải tìm ra một giải pháp chung cho về vấn đề dân di cư trong vòng 2 tuần.

Nếu yêu cầu này không được thỏa mãn, Bộ trưởng Nội vụ Đức sẽ ra lệnh cho cảnh sát nước này thiết lập các thủ tục kiểm tra biên giới và trục xuất những người tị nạn không được chính phủ cho phép ở Đức.

Trong bối cảnh nội bộ chính phủ Đức đang tranh cãi về vấn đề khủng hoảng dân cư, thì Thủ tướng Merkel còn phải chuẩn bị thảo luận với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte  về việc kiểm soát biên giới.

img

Tam đầu chế của EU hậu Brexit chia rẽ vì người di cư

Thủ tướng Conte được cho là sẽ nêu hai đề xuất với Thủ tướng Merkel trong việc giải quyết vấn đề dân di cư, một là luật lệ về nhập cư của EU cần phải thay đổi và hai là phải phân loại chi tiết người di cư vào EU.

Bởi theo tân Thủ tướng Ý thì Nghị quyết Dublin - khung pháp lý cao nhất về giải quyết vấn đề tị nạn của EU - có tác động rất lớn với Ý và Hy Lạp, bởi đây là cửa ngõ để người tị nạn từ Châu Phi và Trung Đông qua Đại Trung Hảivào Châu Âu.

Bên cạnh đó, ông Conte cũng muốn xem xét mở cửa các trại tị nạn ở các nước nằm ngoài EU, mà từ đó EU có thể chia sẻ gánh nặng khủng hoảng dân nhập cư với các quốc gia khác, chẳng hạn như Nga.

Chính phủ mới của Ý có quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề khủng hoảng dân di cư so với các chính phủ trước đây, khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ mới của Ý là ông Matteo Salvini đã nói rằng Ý không phải là “trại tị nạn của Châu Âu”.

Và tuần trước chính phủ mới của Ý đã chính thức từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư trái phép được tàu Aquarius của Tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee giải cứu trên Địa Trung Hải.

Điều này đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte có màn tranh cãi nảy lửa, khi người đứng đầu Điện Elysees chỉ trích chính phủ mới của Ý quá cay nghiệt.

Sau khi người dân Anh chọn rời khỏi EU, mà một phần nguyên nhân cũng do vấn đề dân nhập cư, rõ ràng "Tam đầu chế" Đức-Pháp-Ý ngày càng mệt mỏi khi phải đối đầu với nhiều hệ luỵ gây ra bởi người di cư tràn vào châu Âu.

EU đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng dân di cư và hậu quả của nó đối với sống xã hội. Tuy nhiên, khi đời sống chính trị phải đối mặt với khủng hoảng vì dân di cư thể vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.

img

Khi vấn đề di cư gây ra xung đột trong đời sống chính trị thì vấn đề rất nguy hiểm

Bởi đời sống xã hội bất ổn thì chính quyền có động lực và định hướng lựa chọn giải pháp mà "yên dân" luôn là đích đến, song khi đời sống chính trị có xung đột thì động lực suy giảm, định hướng thì không còn vì lúc này mục đích bị chi phối bởi quyền lực.

Hai bờ Đại Tây Dương cũng xung đột vì dân nhập cư

Trong vấn đề khủng hoảng dân nhập cư tại châu Âu có lỗi rất lớn của Mỹ. Thứ nhất Mỹ là tác nhân chính gây ra chiến tranh, loạn lạc tai châu Phi và Trung Đông - nơi phát xuất của dòng người di cư.

Thứ hai là Mỹ lại không tích cực tham gia vào việc giải quyết hậu quả do mình gây ra cho EU. Phải thấy rằng cả chính quyền Bush lẫn chính quyền Obama và chính quyền Trump đều chơi rất không đẹp với đồng minh trong vấn đề dân di cư.

Thời Bush với cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, thời Obama với cuộc chiến tại Libya và Syria, chính sách của Washington luôn không rộng mở với người nhập cư, mà thể hiện rõ khi số lượng người nhập cư Mỹ đón nhận không bằng số lẻ của EU.

Sang thời Trump thì người nhập cư vì đói nghèo và loạn lạc do chiến tranh gần như hết cửa vào Mỹ, đặc biệt là người di cư từ châu Phi và Trung Đông - nơi bom đạn Mỹ phá nát sự yên bình của những đất nước bị Washington cho là đối nghịch.

Không những vậy, Tổng thống Trump còn chỉ trích chính sách nhập cư của châu Âu, đả kích chính sách nhập cư của Thủ tướng Đức Merkel khi đứng trước "tối hậu thư" phải từ bỏ chính sách nhập cư hoặc chức Thủ tướng.

"Người dân Đức đang quay lưng với lãnh đạo của mình trong lúc nạn nhập cư làm lung lay liên minh cầm quyền tại Berlin vốn đã mong manh. Trong khi đó tội ác ở Đức lại đang tăng", ông Trump khoét sâu mâu thuẫn với đồng minh.

img

Chính sách nhập cư của Tổng thống Trump đã khiến cho EU phải ngộp thở

Phẫn uất với với cảnh "quýt Mỹ-NATO làm" mà "cam EU phải chịu", những đồng minh bên bờ đông Đại Tây Dương đã chỉ trích chính quyền Mỹ về chính sách nhập cư, nhất là dười thời Tổng thống Trump.

Ngày 19.6, người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux lên tiếng rằng, với chính sách nhập cư của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ và Liên minh châu Âu rõ ràng không cùng "một nền văn minh".

Như vậy, dù không còn nhiều những cuộc "đại biểu tình" chống lại làn sóng dân di cư tại EU, song sự bất ổn tại lục địa già thì không hề giảm và mức độ nguy hại càng tăng lên, nhất là khi đồng minh bên bờ tây Đại Tây Dương lại "té nước theo mưa".

Hẳn dư luận còn nhớ, khi chứng kiến bom đạn của NATO ném xuống quân đội Libya trong cuộc nội chiến năm 2011, Tổng thống Gaddafi khi đó đã cảnh báo nếu ông bị lật đổ thì sẽ có một làn sóng khổng lồ người di cư tràn vào châu Âu.

Và thực tế đã chứng minh cuộc khủng hoảng dân di cư tại châu Âu chỉ bùng phát mạnh mẽ sau khi chế độ Gaddafi tại Libya bị lật đổ và nhà lãnh đạo bị giết hại. Vì vậy, giới phân tích phương Tây đã cho rằng đó là "Lời nguyền Gaddafi" ứng nghiệm.

Chưa biết thực hư việc ứng nghiệm của "Lời nguyền Gaddafi" như thế nào, nhưng có một điều cần biết là đất nước Libya dưới thời chính quyền Gaddafi từng là nơi tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người dân lao động đến từ châu Á và châu Phi.

img

Dường như "Lời nguyền Gaddafi" ngày càng ứng nghiệm khủng khiếp

Sau khi "nhà độc tài" bị lật đổ, tạo diều kiện cho phương Tây "gieo nền dân chủ" thì Libya trở thành đất sống và đất diễn của khủng bố, trở thành thị trường nô lệ của thế kỷ 21 và là nguyên nhân quan trọng tạo ra cuộc khủng hoảng di cư hoành hành EU.

Những tưởng khi lượng người di cư giảm đi thì lục địa già sẽ bình yên, mâu thuẫn hai bờ Đại Tây Dương về dân di cư sẽ giảm đi, không ngờ vấn đề còn nguy hiểm hơn. Phải chăng "Lời nguyền Gaddafi" ngày càng ứng nghiệm khủng khiếp hơn!?

Ngọc Việt (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem