Nàn Sán là nơi sinh sống của bà con các dân tộc thiểu số: Nùng, Mông, Thu Lao, La Chí...
Nói thêm 1 lời, rõ thêm 1 ý...Đến thăm gia đình chị Ly Thị Dín, dân tộc Nùng ở thôn Đội 1, xã Nàn Sán, tôi được nghe chị kể: Thân phận người phụ nữ vùng cao trước đây vất vả lắm, vất vả ngay từ khi mới sinh ra bởi quan niệm trọng nam khinh nữ rất nặng nề. Lớn lên con gái cũng ít khi được đi học, chủ yếu là học làm ăn, học làm mẹ và thường bị gả chồng sớm.
Lấy chồng, nếu sinh con đầu là con trai thì còn đỡ khổ; chẳng may sinh đứa con gái là cứ lo nơm nớp bởi như vậy là mình vẫn chưa thể thành “cái ma” trong nhà chồng. Sinh đẻ nhiều thì phải ốm yếu, đói nghèo và phải làm việc cật lực, bỏ bê việc chăm sóc con cái. Vì thế, người Nùng, người Tày trước đây có lời ru con rằng: “À a à à ơi... ở nhà con nhỏ khóc đòi ăn, bà bón bé chẳng ăn, bà mớm bé chẳng nuốt, vú bà lúc như quả mướp lam, mút cả buổi không ra giọt sữa cạn...”.
Thế đấy, có người mẹ nào chẳng thương con, có bầu ngực mẹ mới sinh nào không nhức sữa. Nhưng dù thương con, nhức sữa thì vẫn phải để con ở nhà cho bà trông để mẹ đi làm, đi kiếm miếng ăn.
Trẻ em các dân tộc ở Si Ma Cai được quan tâm chăm sóc, học tập ngày một đầy đủ hơn.
Tôi đem lời chị Dín trao đổi với chị Đặng Thị Téo - cán bộ chuyên trách công tác dân số xã Nàn Sán, chị trầm ngâm cho hay: Xã Nàn Sán là địa bàn mà người dân còn nhiều hạn chế trong nhận thức về dân số- kế hoạch hoá gia đình, nhất là tại những bản xa xôi như: Sảng Chải, Hoá Chư Phùng, Quan Thần Súng, Lùng Choáng... Bởi vậy, từ khi về đây nhận nhiệm vụ, chị Téo luôn bám sát địa bàn, động viên cán bộ dân số bản tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân.
“Một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền là làm tốt công tác dân vận với già làng, trưởng bản; phối hợp tốt với cán bộ y tế, hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên... mỗi ban ngành, mỗi cán bộ nói thêm một lời, rõ thêm một ý; lại được già làng, trưởng bản ủng hộ thì hiệu quả tuyên truyền sẽ đạt cao nhất. Nhờ vậy mà bây giờ nhận thức của nhiều người dân trong xã về hôn nhân, gia đình và giới tính đã thay đổi rồi”- chị Téo bảo vậy.
Thay đổi nếp nghĩ lạc hậu
“Ngày trước, mình lấy vợ lúc mới 17-18 tuổi. Bây giờ con cái đã 20 tuổi rồi, bảo lấy vợ lấy chồng ,chúng còn trả lời là: Phải lo học, phải lo làm giàu cái đã...” - anh Thường nói.
|
Anh Lùng Lìn Thường ở thôn Đội 1, chỉ về phía đám học sinh trong thôn đang từ trường học trở về nhà sau buổi học sáng, nói cười ríu rít như bầy chim non, bảo: Nhà báo cứ nhìn đám trẻ trong thôn đi học về kia thì thấy, con gái còn nhiều hơn con trai, ăn mặc sạch đẹp, gọn gàng, vậy là biết chúng tôi đã thay đổi nếp nghĩ lạc hậu rồi nhé.
Bây giờ người Nàn Sán không còn ép con dâu phải đẻ bằng được cháu trai; không còn chuyện đàn ông lấy vợ sớm và lấy nhiều vợ như trước nữa. Mà có ép uổng thì bọn trẻ bây giờ cũng không chịu nghe lời mình đâu, chúng bảo mình lạc hậu, sẽ nhờ người đến nói chuyện, giải thích cho mình đến hiểu thì thôi.
Cô giáo Nguyễn Thị Duyên ở Trường Mầm non Nàn Sán cũng cho biết: Đúng là bây giờ thanh niên các dân tộc ở đây kết hôn muộn và sinh ít con nên cuộc sống cũng khá hơn nhiều. Trẻ trong độ tuổi đều được đến trường và được chăm sóc tốt hơn, hứa hẹn tương lai tươi sáng hơn. Em lên đây công tác đã được mấy năm nhưng không còn nghe thấy những lời ru buồn của các bà mẹ trẻ nữa....
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.