Sau 23 năm, từ vài ba con lợn, giờ đây khi đến thăm khu trại nuôi của chị Hiền, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi khu chuồng trại rộng hàng trăm m2 với hệ thống ống nước hiện đại. Chị Hiền kể: "Năm 1995, khi mới lấy nhau, vợ chồng tôi vay vốn xây chuồng trại chăn nuôi với quy mô 5 - 10 con lợn thịt và 1 - 2 đầu lợn nái, tận dụng nguồn phụ phẩm (bỗng rượu) và thức ăn tinh từ trồng trọt. Tôi cho lợn ăn tỷ lệ 1/3 thức ăn là bỗng rượu còn lại là cám, gạo, bột cá và rau xanh. Nhờ đó lứa lợn nào cũng tăng trọng tốt, con nào cũng hồng hào khỏe mạnh".
Đàn lợn hồng hào, sạch sẽ trong trại nuôi của chị Hiền.
Với ý chí quyết tâm làm giàu bằng nghề nuôi lợn nên lứa nào xuất bán là chị lại mua giống mới để tăng đàn. Từ chỗ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chị phát triển quy mô nuôi vài chục con lợn thịt và 5 - 7 lợn nái. Năm 2016 chị vay 1.5 tỷ vốn của Ngân hàng để mua đất gần nhà tiếp tục xây chuồng với sức chứa trên 300 con. Xây xong chị tăng đàn lợn nuôi quy mô hơn 200 con lợn thịt và 10 lợn nái.
Chị kể: “Năm đầu tiên mở rộng nuôi với số lượng lớn, do chưa có nhiều kinh nghiệm cộng với dịch bệnh nên đàn lợn chết gần hết, giá hơi lại chỉ có 15-16 nghìn đồng. Tôi như ngồi trên đống lửa với số tiền lãi hàng tháng”. Chị Hiền khẳng định dịch bệnh thường xuyên xảy ra, biến chủng rất nhanh, thời tiết thay đổi đột ngột.. việc phòng bệnh bằng vacxin và vệ sinh chăn nuôi là quan trọng nhất để giúp đàn lợn khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.
Với đàn lợn lên tới gần 300 con, một mình làm không xuể nên chị phải thuê 2 công nhân cho lợn ăn hàng ngày.
Khi hỏi về kỹ thuật nuôi lợn nái, chị cho biết thêm, so với nuôi lợn thịt nuôi lợn nái sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lại không phải đầu tư vốn ở mỗi lứa mà chỉ đầu tư giống lần đầu. Chuồng trại phải yêu cầu kiên cố và cầu kỳ hơn.. Chú ý cho vật nuôi ấm về mùa đông và mát về mùa hè, đặc biệt là lợn nái mang thai và lợn con sau sinh. Còn về lợn thịt chị cho ăn hoàn toàn bằng bã đậu nành trộn với cám theo tỷ lệ phù hợp. “Tuần tôi đi 3 chuyến Bắc Ninh chở bã đậu nành từ công ty sữa Fami, trung bình chở 21 tấn/tuần về phục vụ đàn lợn của gia đình đồng thời phục vụ cho nhiều người dân trong khu vực và các huyện lân cận. Gia đình nuôi lợn từ trước đến nay đều lấy công làm lãi. Nơi bản nghèo này, không nuôi lợn thì chẳng biết nuôi con gì được” chị Hiền nói.
Lợn được chăn chủ yếu bằng bã đậu lấy trực tiếp tại công ty sữa Fami.
Sau nhiều năm chịu khó, phấn đấu phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm mà đến nay từ hộ nghèo, gia đình chị Hiền trở thành hộ nông dân tiêu biểu trên địa bàn thôn bản về chăn nuôi lợn theo hướng trang trại cho thu nhập cao. Bên cạnh chăn nuôi lợn, gia đình chị còn đầu tư mua máy xát và ô tô tải để phục vụ vận chuyển thức ăn chăn nuôi cho gia đình, đồng thời đáp ứng nhu cầu cho các hộ dân trong và ngoài thôn, qua đó để tăng thêm thu nhập. “Mỗi năm tôi xuất bán 2 lứa với trên 10 tấn thịt lợn hơi nếu được giá thì cho nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhưng mấy năm gần đây giá cả lên xuống thất thường, năm lỗ, năm lãi. Hiện nay tôi làm thêm nhiều dịch vụ để bù trừ lỗ lãi như xay xát, đại lý phân bón, thóc, ngô giống, chuyên chở bã đậu phục vụ bà con trong vùng”.
Dịch vụ xay xát, bán vật tư nông nghiệp cũng giúp chị Hiền có thêm thu nhập.
Hiện tại, trang trại của chị Hiền đang có hơn 280 con lợn, với gần 10 con lợn nái. Chị Hiền cho biết sắp tới chị sẽ cho xuất chuồng hơn 60 con, giá cả hiện tại đang dao động là 33.000- 34.000 đồng/kg lợn hơi. Nếu giá cứ ổn định như vậy hoặc có chiều hướng tăng, chị Hiền ước tính sắp tới sẽ có lãi gần 400.000 đồng/con, khoảng hơn 200 triệu cho lứa lợn sắp xuất bán. Đây thực sự là một nguồn thu nhập rất lớn đối với nơi bản nghèo miền núi và thuần nông này.
Chị Triệu Thị Tâm, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Quan cho biết: Chị Đổng Thu Hiền là một người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, kiên trì và quyết tâm. Đây là một mô hình tiêu biểu mà chúng tôi đang đề nghị Trung ương tặng Bằng khen trong sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.