Vy Nguyễn
Thứ sáu, ngày 03/07/2020 06:02 AM (GMT+7)
Cuộc khủng hoảng giá kéo dài của hồ tiêu nhiều năm qua đã khiến không ít người mỏi mệt. Những ngày cuối tháng 5/2020, giá hồ tiêu tăng giảm chập chờn, không đủ để giải quyết nỗi bất an về đầu ra.
Thị trường của hồ tiêu phần lớn là xuất khẩu lại đang đối diện nhiều nỗi lo về chất lượng. Châu Âu đã cảnh báo về chất lượng nông sản từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, sức ì của doanh nghiệp, sự lỏng lẻo của khâu quản lý, sự lơ là của nông dân đã góp phần đẩy cây tiêu đến bờ vực.
Khái niệm canh tác bền vững dường như chỉ được nghe mà chưa được hiểu. Sau những tuyên truyền, những hội thảo của ngành nông nghiệp hoặc khuyến nông địa phương, nông dân lại trở về vườn tiêu với thói quen, tập quán cũ.
Phong trào thúc đẩy năng suất bằng mọi giá; phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng bị lạm dụng quá mức, bất chấp thời gian phục hồi, cây tiêu có sống lâu bền đến mấy cũng đi vào kiệt quệ.
Những nông dân mải miết chạy theo đồng tiền, giờ mới thấy hậu quả, hoặc khi vỡ lẽ thì đã ôm đống nợ. Không có cách khoanh nợ, giãn nợ cũng không có vốn mới để tái canh, mọi thứ rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên, cũng có không ít mô hình làm tiêu sạch, đã có nhiều đơn hàng xuất đi châu Âu và các thị trường khó tính khác từ khi còn chưa ký Hiệp định EVFTA. Đó là nhờ chất lượng. Thông qua doanh nghiệp, những nông dân đó đang tự mình tham gia vào chuỗi toàn cầu.
Nhưng con số này chưa đáng kể so với hàng trăm nghìn ha hồ tiêu cả nước. Nông nghiệp trong nước cần nhiều hơn nữa những nông dân cùng tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới. Người nông dân không có cách nào khác ngoài việc tự mình thay đổi tập quán, làm tiêu sạch để có giá tốt. Đằng sau giá tốt còn có giá trị lớn hơn, là sự trường tồn của thương hiệu có khi tính bằng thập niên.
Uy tín thương hiệu là điểm khác biệt với cách làm chụp giật, manh mún. Nhiều tổ chức, cá nhân biết làm thương hiệu nhưng chất lượng tạo nên thương hiệu, phải do nông dân làm ra.
Tiêu sạch trở thành vấn đề cốt tử. Không làm ra được hạt tiêu sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của những thị trường khó tính nhất, cũng đồng nghĩa thất bại trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hóa là điều có thể thấy ngay trước mắt.
Trong cuộc đua này, có khi phải chấp nhận "hy sinh" 1 thế hệ, để thế hệ tiếp theo thuần thục với tư duy, tập quán canh tác mới. Thế hệ đó coi việc làm tiêu sạch là đương nhiên, không phải bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.