Lũ lụt liên tiếp ở miền Trung, Thủ tướng họp khẩn với 9 tỉnh

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 17/12/2016 09:54 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "không để người dân vùng lũ đói, khát, sống cảnh màn trời chiếu đất" tại Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung sáng nay (17.12).
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung sáng nay (17.12).

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ ngành cùng 9 tỉnh miền Trung trải qua 5 đợt mưa lũ trong 1 tháng qua.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ở nhiều nơi nước chưa rút hẳn cho nên cần ứng phó cứu hộ cứu nạn kịp thời không để xảy ra hậu quả sau lũ, đặc biệt đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ tốt các di sản văn hóa. Các địa phương cần tập trung cứu dân không để dân đói, khát, bệnh tật. Tinh thần nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh đến đó.

“Các thành viên ban chỉ đạo trung ương, địa phương phải huy động bằng được đoàn viên thanh niên hội viên những vùng ít bị thiên tai đến hỗ trợ những vùng thiên tai nặng, dựng nhà cửa cho dân không để dân sống cảnh màn trời chiếu đất kéo dài” - Thủ tướng cho biết.

Đối với sản xuất vụ đông xuân, hiện nay các địa phương vùng lũ đã bị chậm 20 ngày, Thủ tướng chỉ đạo: “Hiện nay đồng ruộng bị cát lấp, công trình thủy lợi bị hư hỏng. Chính vì vậy Bộ trưởng NNPTNT cần  chuẩn bị 1 vụ đông xuân đặc biệt cho các tỉnh miền Trung, đưa ra các giải pháp cụ thể để chỉ đạo các tỉnh miền Trung có điều kiện phục hồi sản xuất, khôi phục đời sống nhân dân”.

Các bộ ngành trung ương theo nhiệm vụ chức năng cụ thể, trực tiếp xuống địa phương hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ địa phương khắc phục sau lũ, đặc biệt là các bộ: Y tế, NNPTNT, Giáo dục, Giao thông Vận tải… phải vào cuộc quyết liệt, rốt ráo.

Đối với các địa phương vùng lũ, Thủ tướng cho rằng từng tỉnh, thành phố cần phát động người dân giúp đỡ nhau kịp thời hơn nữa để giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn; làm tốt công tác truyền thông, nêu gương người tốt, việc tốt, địa phương tốt để khích lệ tinh thần đoàn kết thương yêu của người dân, đồng thời giúp dân sửa chữa nhà cửa hư hại. Các tỉnh, thành cần nêu cao tinh thần tự lực giải quyết những khó khăn

"Tôi thấy tấm gương cô giáo ở Phú Yên thà chết chứ không để học sinh chết, đó là tấm gương sáng chúng ta cần học tập" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương tình thần chống lũ quyết liệt, vào cuộc khẩn trương nhanh chóng của toàn bộ hệ thống chính trị, cũng như các bộ ngành liên quan, các địa phương vùng lũ.

"Cần tiếp tục giữ vững và phát huy tinh thần phòng chống lũ với phương châm 4 tại chỗ vì nước ta là nước luôn phải chống chọi với thiên tai” - người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay trên cả nước, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp. Mưa lũ từ giữa tháng 10.2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; gần 317.000 nhà bị ngập, hư hại; gần 43.000ha lúa bị ngập, hư hại… Đa phần các hộ dân trong vùng mưa lũ đã mất hoàn toàn cây trồng và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Ước thiệt hại ước tính trên 8.600 tỷ đồng.

Trước đó, đầu năm 2016 ở khu vực miền núi phía Bắc đã hứng chịu trận  rét đậm, rét hại lịch sử; sau đó là 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử kéo dài. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Hiện các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước đang phải xả lũ; ngập lụt nghiêm trọng ở tất cả các tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở, sản xuất bị đình trệ, đời sống người dân trong vùng thiên tai gặp vô cùng khó khăn và tổn thất nặng nề.

Trước tình hình trên, các địa phương bước đầu đầu các tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp 11.700 tấn gạo cho 5 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Về hỗ trợ giống cây trồng phục vụ sản xuất cần 300 tấn lúa giống và 102 tỷ đồng kinh phí hỗ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản (Quảng Nam 8 tỷ đồng, Quảng Ngãi 7 tỷ đồng, Bình Định 40 tỷ đồng, Phú Yên 33 tỷ đồng, Khánh Hòa 13 tỷ đồng, Ninh Thuận 1 tỷ đồng). Về khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi, các địa phương đề xuất hỗ trợ khẩn cấp hơn 1.280 tỷ đồng (trong đó, Thừa Thiên-Huế 370 tỷ đồng, Quảng Nam 50 tỷ đồng, Quảng Ngãi 250 tỷ đồng, Bình Định 360 tỷ đồng, Phú Yên 105 tỷ đồng, Khánh Hòa 77 tỷ đồng, Ninh Thuận 70 tỷ đồng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem