Lưu luyến bản làng nơi thung sâu

Bài và ảnh: Bùi Việt Phương Thứ ba, ngày 03/02/2015 07:00 AM (GMT+7)
Ai đã từng lên Tây Bắc hẳn mới cảm nhận được thú vị trong hai câu thơ của cố thi sĩ Quang Dũng: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” (Tây Tiến).
Bình luận 0
Bởi lẽ, nếu không gặp những xóm làng bình yên dưới những dưới thung lũng kia thì khi lên tới đỉnh dốc, đèo cao chúng ta sẽ không khỏi rợn ngợp và cô quạnh trước núi rừng nơi đây. Nhưng  nếu chỉ lướt qua những con đường liên tỉnh ngày một mịn màng, phẳng phiu ấy với tốc độ vội vã của những chuyến phượt đường dài thì rất khó cảm nhận được không khí bình yên dưới những thung lũng như thế.

Thiên nhiên vốn rất công bằng khi chẳng cho vùng đất nào những ưu ái mà lại không đi kèm với những khắc nghiệt. Miền biển đẹp mĩ lệ trong những ngày nắng đẹp nhưng dữ dằn khi gió bão. Đi kèm với những sắc hoa, sản vật hay nước da trắng của các cô gái miền sơn cước là những khi mặt trời lặn cái rét cắt da, cắt thịt. Riêng với những thung lũng nằm gọn trong bốn bên vách núi, nơi đây cũng ẩn chứa rất nhiều bất ngờ đối với du khách.
img
Thôn xóm bình yên nơi thung lũng. (Ảnh: Bùi Việt Phương)

Ai cũng nhớ đến màn sương mù đặc sánh như sữa mỗi khi ngược đường Quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Khi mặt trời lên ở nơi đây, du khách có thể thấy từng khối sương mù bị gió thổi bay như khối bông trước mắt chứ không còn là thứ sương bảng lảng, chùng chình ở dưới vùng đồng bằng.

Vậy mà với thung lũng Mai Châu, cảm giác đầu tiên lại là sự ấm áp đến lạ. Sẽ có muôn vàn lí giải ở góc độ khoa học những có lẽ, với ai yêu mến mảnh đất này thì sẽ là sự ấm áp của những mái nhà đã xua tan đi cái lạnh của đất trời. Những bản làng của đồng bào Mường, Thái ở các thung lũng ấy đã được tiếp sức của nguồn nước, qua bàn tay cần mẫn của con người ngàn đời đã tạo ra những đồng lúa xanh mướt và vàng ửng mỗi dịp ngày mùa. Từ chỗ no ấm ấy, bao nhiêu căn nhà được gia chủ lựa chọn từ gỗ tốt, kén thợ giỏi từ xứ xa đến đục, đẽo mà dựng nên bao đời cho đến giờ vẫn vừng vàng và nền nã.

Không khách sáo như người phố thị, lại không cách trở như vùng dẻo cao, các nhà trong thung đã biết nhau nhiều đời, trai gái cũng lựa người thương mến mà nên duyên chồng vợ.

Mùa xuân đến, thanh  niên nam nữ trong thung lại lựa nơi đất bằng mà tung còn giao duyên và mở hội. Những lễ hội nơi đây thường diễn ra để mọi người cũng được giao lưu, được tận hưởng sự yên bình, tinh khiết của mùa xuân mới.

Nhưng nói như thế chẳng phải thung lũng không có những ngày buồn. Đó là những ngày mưa trắng trời, mưa thâu đêm, mưa như thối đất, thối cát và nẫu ruột nẫu gan nhưng nhà có người chồng đi xa, có con gái lớn mà chẳng thấy tiếng chọc sàn, tiếng sáo. Những ngày mưa như thế, ngọn lựa ấm cúng lại bập bùng trong các gian bếp nơi đây để vồ về lòng người và xua đi cô quạnh.

Thung lũng còn là nơi để dệt nên những tấm thổ cẩm mĩ miều. Nơi đây, dù là đêm khuya khoắt hay ngày hè nắng nỏ, bàn tay các cô gái vẫn cần mẫn từ kéo sợi, dệt vải đến lựa đường kim, mũi chỉ dệt bao hoa văn truyền thống. Khách theo con đường mòn ghé vào thung hỏi mua thổ cẩm sẽ đi vào con đường xen giữa các thửa ruộng xanh và cảm nhận những mái nhà nhỏ nép bên nhau chứ không đơn độc như nơi sườn núi.

Người trong thung lũng hiền hòa, vườn tược xanh um các loại rau, các loại hoa và gia chủ luôn biết giữ chân khách bằng nụ cười và những món ăn được chế biến khéo léo. Bởi thế ai đã ghé qua đây một lần sẽ lưu luyến không thể nào quên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem