Lý do hơn một nửa phụ nữ thành thị Ấn Độ không ra khỏi nhà
Lý do hơn một nửa phụ nữ thành thị Ấn Độ không ra khỏi nhà
Thứ bảy, ngày 04/03/2023 13:38 PM (GMT+7)
Khảo sát của Ấn Độ về cách sử dụng thời gian tiết lộ 53% phụ nữ được hỏi nói không ra khỏi nhà vào hôm trước ngày phỏng vấn, phần nào phản ánh thực trạng bất bình đẳng ở nước này.
Manisha (19 tuổi) làm giúp việc toàn thời gian tại một ngôi nhà ở ngoại ô thủ đô New Delhi. Tại quê Jharkhand, cô bỏ học vì phương tiện giao thông công cộng hoạt động không thường xuyên và nạn quấy rối tình dục trên đường phố phổ biến.
Khi tới New Delhi, cô vẫn không ra ngoài nhiều, với lý do đi lại không thuận tiện và thiếu an toàn. "Tôi đi làm nhưng chỉ ra ngoài 1-2 lần/tháng. Tôi cảm thấy không thoải mái khi ra ngoài”, cô nói.
Rahul Goel - trợ lý giáo sư nghiên cứu giao thông vận tải tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) - không ngạc nhiên trước câu chuyện của Manisha, theoBBC.
Ông đã lấy dữ liệu từ khảo sát đầu tiên về cách sử dụng thời gian của Ấn Độ - đo lường lượng thời gian mọi người dành cho các hoạt động khác nhau - nhằm tìm hiểu về tác động của bất bình đẳng giới trong khía cạnh di chuyển hàng ngày.
Bối rối
Cụ thể, ông Goel xem xét dữ liệu 170.000 người sống ở các thành phố và thị trấn. Vào năm 2019, các nhà khảo sát đi khắp Ấn Độ thu thập thông tin về cách mọi người sử dụng thời gian vào trước ngày phỏng vấn. Những phát hiện gây bất ngờ, khi họ tới các hộ gia đình, 53% phụ nữ cho biết họ không ra khỏi nhà vào ngày hôm trước, so với 14% đàn ông.
Nghiên cứu cũng cho thấy các bé gái ít ra ngoài hơn các bé trai khi ở tuổi vị thành niên (10-19 tuổi) và phụ nữ tới tuổi trung niên di chuyển nhiều hơn một chút. Ông Goel tin điều đó cho thấy cho thấy các chuẩn mực xã hội bảo thủ hạn chế phụ nữ làm việc bên ngoài hoặc ra khỏi nhà "bắt đầu ảnh hưởng từ thời thơ ấu".
Nghiên cứu cho thấy sự tương phản rõ rệt trong vai trò giới. Nữ giới chủ yếu làm công việc nhà không được trả lương, trong khi nam giới dành thời gian cho các hoạt động bên ngoài gia đình.
Phụ nữ 25-44 tuổi dành trung bình 8,5 tiếng/ngày cho công việc nội trợ hoặc chăm sóc gia đình, trong khi đàn ông dành dưới một tiếng. Chỉ có 38% nữ giới trong độ tuổi này ra khỏi nhà, so với 88% nam giới.
Kết hôn hoặc sống chung với một người giảm khả năng di chuyển của phụ nữ, nhưng nam giới lại tăng. Ngoài ra, phụ nữ đã kết hôn hoặc có con nhỏ ít ra ngoài hơn; hôn nhân và con cái hầu như không ảnh hưởng đến khía cạnh này của nam giới.
“Những kết quả này phù hợp với các nghiên cứu cho thấy phụ nữ chịu trách nhiệm về công việc và gia đình một cách không tương xứng”, ông Goel nói.
Khi đến tuổi lao động (15), nam giới ra ngoài và tham gia lực lượng lao động nhiều hơn nữ giới. Chỉ một số ít phụ nữ chuyển đổi từ giáo dục sang đi làm, khi 30% phụ nữ không đi làm ra khỏi nhà ít nhất một lần, so với 81% phụ nữ đang đi học hoặc đi làm.
"Nói cách khác, không phải một số phụ nữ không đi làm, mà là nhiều người không hề ra khỏi nhà", ông Goel nói.
Một số phát hiện khiến các chuyên gia bối rối.
Ashwini Deshpande - giáo sư kinh tế tại Đại học Ashoka - cho biết số lượng nữ sinh đăng ký học đại học và cao đẳng ở Ấn Độ tăng "khủng", và rất ít bằng chứng cho thấy họ không đến lớp. Điều này đồng nghĩa nhiều phụ nữ đã năng động hơn và không bị cản trở bởi các chuẩn mực xã hội.
Giáo sư Deshpande tin người Ấn Độ có thể đang hiểu khái niệm di chuyển theo cách riêng của họ. “Ví dụ, tôi sẽ không phân loại việc đi học là di chuyển”, bà giải thích.
Ngoài ra, nhiều người tin việc phụ nữ ít di chuyển không chỉ là do chuẩn mực xã hội hoặc thiếu việc làm. Ví dụ, phụ nữ ở thành phố Pune - nơi báo cáo tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động thấp - đi lại rất nhiều và dễ dàng bắt gặp họ trên đường phố.
Ngoài ra, ông Goel lập luận có sự khác biệt giữa các khu vực, khi nhiều phụ nữ di chuyển thường xuyên hơn ở một số bang. Ví dụ, những cô gái ở các bang như Bihar và Tây Bengal đã đi lại nhiều hơn sau chương trình cấp xe đạp miễn phí của chính phủ.
Hiện tượng lạ
Dẫu vậy, Ấn Độ - và một số nước Nam Á - dường như là ngoại lệ trong khía cạnh này.
Bản tóm tắt năm 2007 khảo sát cách sử dụng thời gian trên 15 quốc gia châu Âu cho thấy phụ nữ ở tất cả, trừ Lithuania, di chuyển nhiều hơn nam giới. Một nghiên cứu khác về 18 thành phố trên khắp Australia, châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi cận Sahara và Bắc Mỹ cho thấy trung bình 76% phụ nữ thực hiện một chuyến du lịch so với 79% nam giới.
Ông Goel cho biết điều này chỉ ra sự chênh lệch lớn về giới tính trong khía cạnh di chuyển ở Ấn Độ là “hiện tượng lạ không thường thấy ở hầu hết nơi trên thế giới".
Ở cấp độ khác, những phát hiện này lại không có gì đáng ngạc nhiên.
Ấn Độ có tỷ lệ bất bình đẳng giới cao, khi tỷ số giới tính thấp, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thuộc hàng thấp nhất thế giới và các chuẩn mực xã hội khác hạn chế khả năng di chuyển. Nhiều phụ nữ có rất ít bạn bè, hạn chế cơ hội hòa nhập và lên án sự bất bình đẳng.
Ông Goel nói rào cản chính là việc đưa phụ nữ ra khỏi nhà. Có một lý do là phụ nữ cảm thấy không an toàn trên những con đường cũng không thân thiện với trẻ em và người già.
"Không gian công cộng của chúng ta quá thân thiện với nam giới”, ông kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.