Lý do khiến Tổng thống Philippines dù muốn cũng không thể trở mặt với Mỹ

Phương Đăng (theo SCMP) Chủ nhật, ngày 30/10/2016 09:00 AM (GMT+7)
Khi Tổng thống Rodrigo Duterte không kiêng nể mà thẳng thừng tuyên bố, Manila đang ruồng bỏ Washington để bắt tay với Bắc Kinh, nhiều người quan ngại, đây là dấu hiệu cho thấy Philippines sắp có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách ngoại giao.
Bình luận 0

img

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng thẳng thừng tuyên bố muốn "cắt đứt" quan hệ với Mỹ cả về mặt quân sự cũng như kinh tế.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước gần đây tới Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines đã  tuyên bố rằng, ông đang chỉnh đốn lại bản thân theo "dòng chảy ý thức hệ của Trung Quốc" và thẳng thừng thông báo Philippines đang bắt đầu tách khỏi Mỹ và ngừng phụ thuộc đồng minh thân cận lâu năm về quân sự lẫn kinh tế.

Về phần mình, Trung Quốc tỏ rõ ý muốn  lôi kéo Philippines để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và tạo đối trọng với Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Việc Philippines cắt đứt quan hệ chiến lược với Mỹ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức mạnh của cường quốc quân sự số 1 thế giới tại châu Á. Nó sẽ giúp Bắc Kinh phá chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

img

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây.

Sự ủng hộ của Manila cũng giúp Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi phá thế cô lập về ngoại giao đối với Trung Quốc trong khu vực vì tranh lấp lãnh thổ.

Ít nhất 4 quốc gia trong khối đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể lợi dụng việc Philippines giữ chức chủ tịch luân phiên vào năm sau để giải quyết nhiều vấn đề giữa các bên liên quan.

Sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Duterte, quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila vốn đóng băng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino và đặc biệt từ sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế hồi tháng 7 đã ấm lên rất nhiều.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát vẫn hoài nghi sự thay đổi của Philippines. Theo đó, động thái của Tổng thống Duterte có thể chỉ nhằm mục đích cân bằng ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đối với Philippines, cũng như bảo đảm nguồn viện trợ tài chính từ Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng thống Duterte, Philippines đã ký hàng loạt thỏa thuận kinh tế với tổng trị giá 17 tỷ USD.

Theo giới quan sát, nền chính trị Philippines cho thấy, nước này không thể quay trở mặt với Mỹ bởi 4 lý do.

Thứ nhất, quan hệ Mỹ - Philippines đã kéo dài gần 70 năm nay, kể từ khi hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung. Điều đó cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự tại Philippines. Do đó, một mình bản thân Tổng thống Duterte không thể  hủy hoại quan hệ đồng minh thân cận lâu năm này.

Thứ 2, dù nguồn tiền đầu tư của Bắc Kinh vào Philippines đang tăng mạnh, thì quan hệ hợp tác kinh tế với Mỹ vẫn đống vai trò quan trọng đối với kinh tế Philippines. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Manila, chỉ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản. Khoảng 4 triệu công dân Mỹ là người gốc Philippines, họ đã gửi về nước gần 6 tỷ USD chỉ trong năm ngoái.

Thứ 3, ở châu Á, đa số người Philippines nổi tiếng thân Mỹ. Hầu hết các chính trị gia đều có xu hướng ngả về Washington. Khảo sát gần đây cho thấy 76% người dân Philippines rất tin tưởng Mỹ, con số này chỉ là 22% với Trung Quốc. Việc phá hủy quan hệ Mỹ - Philippines sẽ chỉ khiến người dân và quân đội nước này xa lánh Tổng thống Duterte.

Cuối cùng, người Philippines rất yêu nước. Dù ông Duterte có ngả về Bắc Kinh, Philippines cũng khó lòng từ bỏ các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. 

Giới quan sát, ảnh hưởng của phán quyết từ Tòa trọng tài ở The Hague ngày 12.7 sẽ còn được cảm nhận trong những năm tới. Và phán quyết, đã được tòa tuyên là cuối cùng và có tính ràng buộc, dù thế nào cũng sẽ là vật cản đối với mối quan hệ Philippines - Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem