Một báo cáo của Hội đồng Quan hệ đối ngoại hồi đầu năm cho biết, Trung Quốc coi sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm chính của họ. Mục đích của Trung Quốc là để duy trì một vùng đệm chiến lược giữa Bắc Kinh và Seoul cũng như ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ Triều Tiên đổ bộ vào Trung Quốc.
Mặc dù có thể nói Trung Quốc đang nắm con át chủ bài để gây sức ép lên Triều Tiên về quyền lực kinh tế và quân sự nhưng việc Trung Quốc tiếp tục sẵn sàng chấp nhận than của Triều Tiên có thể là một dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh vẫn không thể hoàn toàn sai khiến được mối quan hệ với Bình Nhưỡng, tờ Businessinsider nhận định.
Chuyên gia Daniel Sneider của Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của Stanford cũng nhận định rằng: "Rõ ràng là Trung Quốc có đòn bẩy lớn hơn Triều Tiên trong nhiều khía cạnh, nhưng có thể Bắc Kinh đang cố gắng từng bước để gây ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng song không làm tổn hại đến chế độ của Triều Tiên". Vậy "đòn bẩy" của đôi bên ở đây là gì?
Một công nhân sản xuất than ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc.
Tờ Businessinsider có bài phân tích cho biết, lượng tiêu thụ than trên toàn cầu đã giảm đáng kể trong năm qua, do Trung Quốc chiếm khoảng một nửa nhu cầu than của thế giới.
Nhưng bước ngoặt của gã khổng lồ châu Á gặp phải là tình trạng gây ô nhiễm trầm trọng nhất trên thế giới. Và rõ ràng, than đá không phải là loại nhiên liệu sạch. Trong khi Trung Quốc dường như giảm sản xuất và tiêu thụ than trong nước, thì các nguồn tin chính trị cho rằng, Bắc Kinh sẽ duy trì hỗ trợ cho sản xuất than ở Triều Tiên.
Mối quan hệ này đã khiến Trung Quốc thúc đẩy các lệnh trừng phạt Triều Tiên, ngoại trừ đối với xuất nhập khẩu than, ngày cả khi Bắc Kinh đang giảm dần sản lượng sản xuất than trong nước.
Theo các thống kê, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong 25 năm, và hãng tin Reuters đã báo cáo rằng chính phủ Trung Quốc dự định sa thải từ 5 triệu đến 6 triệu công nhân nhà nước trong vòng 2-3 năm tới, như một phần nỗ lực kiềm chế quá tải công nghiệp và ô nhiễm.
Ở phía đông bắc Trung Quốc, nơi trung tâm sản xuất công nghiệp và than đá, tình trạng công nhân bị sa thải đã bắt đầu xảy ra. Từ thực tế đó, hàng loạt các cuộc đình công ở khu vực đồng bắc Trung Quốc đã xảy ra trong 6 tháng qua.
Mặc dù sản lượng than trong nước giảm nhưng nhu cầu sử dụng than của Trung Quốc không hề giảm và Bắc Kinh đã tìm kiếm nguồn cung từ Triều Tiên. Than là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Triều Tiên.
Reuters cho biết, hơn 2 tuần sau khi Liên Hợp Quốc công bố lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt nhất đối với Triều Tiên, một số nguồn tin vận chuyển và thương mại Trung Quốc cho biết họ đã không được thông báo về bất cứ quy định cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên.
"Tại thời điểm này, không ai đến với chúng tôi và nói rằng chúng tôi không nên làm điều đó", một quan chức tại một công ty ở thành phố cảng Đại Liên chuyên nhập khẩu than của Triều Tiên và hàng hóa khác nói với hãng tin Reuters như vậy. "Tôi thậm chí không biết rõ ràng về những biện pháp trừng phạt cụ thể như thế nào", người này cho biết thêm.
Than là nguồn xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên.
Theo số liệu của Reuters, kim ngạch xuất khẩu than của Triều Tiên sang Trung Quốc tăng vọt lên 26,9% trong năm 2015, ước tính khoảng 21,7 tấn với trị giá 1 tỷ USD, khiến nước này trở thành nhà cung cấp than lớn thứ ba cho Trung Quốc, sau Australia và Indonesia.
"Tôi cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã thương thảo được một miễn trừ diện rộng đối với hoạt động buôn bán than", Andrea Berger, phó giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chính sách hạt nhân, tại Viện Royal United Services, nhận định.
Chuyên gia về quan hệ Trung - Triều Adam Cathcart, đến từ Đại học Leeds, Anh, nhận định: "Đó rõ ràng là một lỗ hổng.Than là một đòn bẩy lớn cho họ. Từ góc độ của Trung Quốc, thật khôn ngoan khi để lại những khoảng trống, để họ không bị cáo buộc là vi phạm các lệnh trừng phạt, nếu một đoàn tàu mang khoáng sản chạy từ Trung Quốc sang Triều Tiên".
Ông Scott Snyder- chuyên gia cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định: "Không có lý do để nghĩ rằng những rủi ro chính trị bắt nguồn từ Triều Tiên sẽ dẫn đến việc Trung Quốc gây ảnh hưởng bằng kinh tế đối với Triều Tiên trong thời gian tới".
Và nhiều chuyên gia khác còn cho rằng, kể cả việc Triều Tiên yên ắng cũng tạo thuận lợi hơn cho việc Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông và không chừng, “than” là đòn bẩy cho những việc đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.