Tờ Korea Times ngày 26.3 đăng bài viết của giáo sư Ranjit Kumar Dhawan cho rằng có những điều Triều Tiên chưa hiểu rõ, trong đó nghị quyết trừng phạt mới nhất mà Liên Hợp Quốc vừa thông qua đã cho Triều Tiên những bài học để thấy rõ vị trí đích thực của mình.
Bài báo viết: Gần đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) đã thông qua Nghị quyết 2270 trong đó đặt lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc chưa từng có đối với Triều Tiên. Có thể thấy, có một sự đồng thuận hiếm hoi trong HĐBA về vấn đề phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và các biện pháp trừng phạt được thực thi để ngăn chặn mục đích phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, điều khá thú vị là chưa từng có biện pháp trừng phạt nào như vậy được áp đặt lên 5 nước thành viên thường trực của HĐBA về việc họ phát triển vũ khí hạt nhân và vũ khí huỷ diệt hàng loại (WDM). Họ tiếp tục phát triển vũ khí tinh vi hơn và sử dụng chúng chống lại các quốc gia yếu hơn như nó đã xảy ra ở Ukraine, Syria và Iraq trong những năm gần đây. Từ khi 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong HĐBA, lệnh trừng phạt đối với chính họ đã không xảy ra.
Sai lầm lớn nhất của Triều Tiên đã thực hiện là thách thức Mỹ- siêu cường số 1 trên thế giới. Triều Tiên không hiểu vị trí của mình trong hệ thống quốc tế. Cũng như bất kỳ cuộc chơi nào, quan hệ giữa các nước đều dựa trên các quy tắc và quy định nhất định. Chỉ có các nước lớn, các nước phát triển mạnh mẽ mới có quyền phát triển và độc quyền đối với các loại vũ khí hạt nhân và sử dụng chúng như đã từng xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.
Triều Tiên thường xuyên thách thức siêu cường số 1 thế giới.
Cũng không phải là lần đầu tiên mà một nhà nước nghèo như Triều Tiên đã thách thức sức mạnh của siêu cường. Năm 1950, Triều Tiên đã quyết tâm thống nhất bán đảo Triều Tiên thông qua các phương tiện quân sự. Kết quả là ba năm chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), gần như mỗi mét đất lãnh thổ Triều Tiên đều Mỹ và đồng minh nã bom.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Bình Nhưỡng mất sự hỗ trợ kinh tế của một siêu cường Liên Xô và sau đó Triều Tiên đã trở thành một trong những nước nghèo nhất trên thế giới.
Trong hệ thống quan hệ quốc tế này, các nước làm đồng minh của siêu cường có quyền phát triển vũ khí hạt nhân và vi phạm nhân quyền. Pakistan và Israel có thể có vũ khí hạt nhân và Saudi Arabia có thể tiếp tục với xử tử công khai man rợ vì họ là những đồng minh của một siêu cường.
Theo bài báo, Triều Tiên không hiểu rằng các bài giảng về dân chủ và quyền con người chủ yếu dành cho những nước không chấp nhận tính ưu việt của các siêu cường.
Triều Tiên không hiểu rằng không có dân chủ thực sự trong hệ thống quốc tế nhưng có một trật tự phong kiến, nơi các cường quốc lớn quyết định số phận của các quốc gia nhỏ hơn. Và như vậy, kể cả tương lai của bán đảo Triều Tiên có thống nhất hay không cũng phần lớn phụ thuộc vào mong muốn của các nước lớn.
Giáo sư Ranjit Kumar Dhawan nhận định rằng, các biện pháp trừng phạt của HĐBA không chỉ có ý nghĩa cấm Triều Tiên phát triển WMDs mà còn cung cấp cho Bình Nhưỡng một số bài học quan trọng của quan hệ quốc tế.
Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là cứu cánh.
Tính đến nay LHQ đã triển khai tới 5 vòng trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ sau khi nước này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên năm 2006, tuy nhiên Bình Nhưỡng vẫn phớt lờ những biện pháp mạnh tay này. Rõ ràng, phải có lý do gì đó để Triều Tiên cương quyết đối đầu với cộng đồng quốc tế, bất chấp mọi giá và sẵn sàng chịu đựng các lệnh trừng phạt gay gắt để đạt được mục đích của mình. Nguyên nhân nào khiến Triều Tiên, một quốc gia nghèo đói, lại sẵn sàng đổ hàng đống tiền vào việc phát triển các chương trình hạt nhân để đe dọa các nước láng giềng, và kể cả là Mỹ- cường quốc hạt nhân số 1 thế giới?
Hiện có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh hệ thống tên lửa của Triều Tiên và nhiều chuyên gia tin là nước này còn lâu mới có thể phát triển được một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hiệu quả, đủ sức tấn công các mục tiêu ở nước Mỹ. Trong khi đó, Mỹ là một cường quốc hạt nhân và tên lửa. Nếu chiến tranh nổ ra, không khó để nhìn thấy kết cục của cuộc đối đầu Mỹ-Triều Tiên khi so sánh tương quan lực lượng.
Bởi vậy, có thể nói những vũ khí hạt nhân và tên lửa với công nghệ ở mức trung bình không thể giúp Bình Nhưỡng tấn công Mỹ và các đồng minh song sẽ cho phép quốc gia bí ẩn này có được một khả năng răn đe đáng kể. Việc dùng một vài loại vũ khí hạt nhân và tên lửa để tấn công một cường quốc hạt nhân có thể coi là hành động tự sát song những vũ khí kiểu này có thể giúp một quốc gia yếu thế hơn có được khả năng trả đũa nếu bị tấn công phủ đầu.
Triều Tiên đã tồn tại suốt gần 7 thập kỷ qua với sự lo sợ trước các cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ, song thực tế là Washington chưa hề công khai nói rằng sẽ sử dụng loại vũ khí hủy diệt này nhằm vào Bình Nhưỡng. Đầu tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói rằng những lời đe dọa không ngưng nghỉ và hàng loại hành vi khiêu khích của Triều Tiên đang có khả năng đẩy chính quốc gia này vào một cuộc khủng hoảng trong bối cảnh họ ngày càng bị cô lập nặng nề về kinh tế và ngoại giao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.