Mặc kệ thu hồi, vẫn cứ làm

Chủ nhật, ngày 18/03/2012 20:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bị tòa tuyên phải giao lại đất từ năm 2008 cho Công ty Cao su 30.4 Tây Ninh, nhưng ông Võ Quan Huy (xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An) vẫn nhất quyết không giao đất để khiếu nại. Rốt cuộc, Tòa Tối cao đã hủy án.
Bình luận 0

“Phát canh thu tô” trên lưng nông dân

Theo hồ sơ, năm 1992, ông Huy hợp đồng với Nông trường Cao su Bời Lời (thuộc Công ty TNHH Cao su 30.4 Tây Ninh) trồng mía với diện tích 70ha. Lúc ông nhận đất, khu vực này không trồng trọt được gì vì chỉ là đất rừng chồi, gò mối. Thời hạn của hợp đồng là 11 năm (tương đương 3 chu kỳ mía).

img
Ông Huy và bản án của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Mỗi năm, ông Huy phải nộp cho nông trường thuế nông nghiệp và “quản lý phí” là 6 tấn mía cây/ha loại 10 chữ đường, quy ra tiền và nộp tương đương từng vụ thu hoạch. Nhiều người nhận đất sau vài vụ thua lỗ đã phải bỏ chạy, nhưng gia đình ông Huy vẫn kiên cường bám đất. Suốt mấy năm đầu, của cải trong nhà đều phải đem bán để tập trung phục hóa đất. Tới năm 2004, nông trường yêu cầu thanh lý hợp đồng nhưng không tính tới công sức gia đình ông Huy bỏ ra.

Ông Huy không giao đất mà tiếp tục trồng trọt cho tới nay. Ông Phạm Văn Thơ (ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) từ năm 1986 cũng về Nông trường Cao su Bời Lời nhận 60ha đất trồng mía. Dù nông trường không đầu tư gì trên đất, nhưng vẫn tổ chức “thu tô” mỗi ha là 8 tấn mía/năm. Đến năm 2007, Nông trường buộc ông Thơ trả lại đất mà không tính tới phương án hỗ trợ nên ông phản ứng quyết liệt…

Ánh sáng cuối đường hầm?

Năm 2007, ông Huy bị Công ty Cao su 30.4 Tây Ninh kiện ra tòa. Ông Huy đồng ý trả lại đất nhưng yêu cầu tòa án tính toán số tiền san lấp, tôn tạo, cải tạo đất tương đương 20% giá trị đất. Các cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên ông Huy thua kiện và không được bồi thường. Sau phiên tòa, gia đình ông Huy do tiếc công sức đầu tư bỗng dưng bị mất trắng nên không chịu giao đất mà tiếp tục sản xuất. “Cứ thấy bóng dáng lực lượng thi hành án là chúng tôi… bỏ chạy. Khi họ đi khỏi, chúng tôi lại mò ra làm tiếp” – ông Huy kể.

Ngày 21.5.2010, Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên hủy toàn bộ án phúc thẩm của tòa Tây Ninh. Hội đồng Giám đốc thẩm yêu cầu làm rõ diện tích đất ông Huy thuê là đất như thế nào, ông Huy có cải tạo đầu tư gì hay không để xem xét công sức của ông Huy bỏ ra. Công ty Cao su 30.4 Tây Ninh lấy lại đất là để trực tiếp canh tác hay cho người khác thuê để bảo đảm thứ tự ưu tiên cho ông Huy thuê lại theo hợp đồng đã ký giữa hai bên. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn đang giậm chân tại chỗ và ông Huy vẫn đang “làm lén” trên toàn bộ diện tích này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem