Hà Nguyên Huyến
Thứ tư, ngày 23/09/2020 08:00 AM (GMT+7)
Khoảng những năm 1980, chế độ "bao cấp" đã bộc lộ hết những nhược điểm của nó. Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội sau khi sáp nhập với các làng trong xã, thành một hợp tác xã (HTX) lớn.
HTX nhỏ đã khổ, HTX lớn càng thê thảm hơn. Về hình thức rất rầm rộ, song thực chất nạn đói đang rình rập trước cửa từng nhà. Cái thiếu, cái đói không phải do dân làng lười lao động, không phải do thiên tai, mất mùa mà là do cơ chế lỗi thời, lạc hậu. Mẹ tôi bảo: Đói thì… đầu gối cũng phải bò!
"Tháng sáu máu rồng" (mát), mẹ âm thầm ngả mấy chum tương rồi lặng lẽ gánh ra khỏi làng. Không dám vào thị xã Sơn Tây vì sợ Phòng thuế, Quản lý thị trường… Trên đường về thị xã Sơn Tây, mẹ tôi rẽ qua làng Phú Nhi, luồn lách vào những xóm lao động bên cạnh xí nghiệp mộc xẻ, bệnh viện thị xã, dọc theo các xóm đê sông Hồng (thuộc địa bàn xã Viên Sơn)…
Sau gần ba tháng, mỗi tháng mươi, mười lăm buổi chợ. Một hôm mẹ tôi đưa hai bàn chân ra, bảo: Nước ăn nát cả hai bàn chân mẹ rồi! Tôi nhìn xuống, hai kẽ bàn chân trắng nhợt, lợt hết cả da, "cái nước" ăn sâu vào bật máu tươi. Từ hôm đó tôi thay mẹ, lai từng can tương mười lít, đến những "mối" mà mẹ đã gây, đưa cho người ta bán lẻ. Ấn tượng lầy lội của khu lao động vẫn in đậm trong tôi đến tận bây giờ. Lầy lội nhất là làng Phú Nhi, trong đó xóm Lò Nồi, xóm Hàng là kinh khủng nhất.
Phú Nhi cổ sơ còn có tên gọi là làng Bần Nhi. Tên này gợi nhớ đến huyền thoại Đức Thánh đánh cá sông Tích. Thánh Tản vào làng xin muối ướp cá, làng nghèo quá, muối cũng không có… Thánh Tản gọi tên làng là Bần (nghèo) Nhi, Bần Nhi trang. Cho đến bây giờ hội Đền Và (làng Phú Nhi là một thành viên) vẫn giữ tục: "Trầu không vôi, cá xôi không muối". Tên Phú Nhi (giàu) không biết chính xác có từ bao giờ.
Phía giáp với sông Hồng, bên ngoài đê là xóm Đông Hậu, trước năm 1945 là một xóm nghề nhộn nhịp với 12 lò của các ông chủ người làng ngày đêm nhả khói. Có lẽ vì lý do này nên dân quanh vùng gọi thuận miệng là xóm Lò Nồi. Sản phẩm của những lò này chỉ là gốm đỏ bàn xoay. Trong dòng gốm này, xóm Lò Nồi nổi tiếng với nồi đình. Bên cạnh đó là lon, vại, chách, nồi đất… Tục truyền rằng, tổ nghề xóm Lò Nồi là một người ở mãi Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Tây cũ) truyền dạy, nên một thứ "nồi đất" to (dung tích 10 – 40 lít) được gọi là "nồi đình" để nhớ đến ân tình người thầy vô danh ấy…
Khác với gốm Hương Canh, Phù Lãng, xóm Lò Nồi không sản xuất chum vại. Song, những sản phẩm dân dụng theo thương lái ngược sông Hồng đi Phú Thọ, Hòa Bình, Tuyên Quang… rồi xuôi về các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ. Cho đến tận bây giờ dân quanh vùng còn nhớ được bài đồng dao: Dưa hấu dưa gang, là làng Mông Phụ / Chân lớn vú to, là làng Phú Nhi (Làng Phú nhi quai đất, đạp đất làm nồi) / Uống rượu tì tì quan viên Sen Chiểu…
Trong đê, song song với xóm Lò Nồi là xóm Hàng. Xóm Hàng bắt đầu từ cổng Hàng Dầu (bán dầu hỏa thắp đèn), xuôi theo dòng sông khoảng 1km. Trong xóm người dân chuyên kinh doanh lâm thổ sản. Hàng hóa từ trên mạn ngược xuôi về là gỗ lạt, song mây, tre nứa, củ nâu… Tấp nập "trên bến dưới thuyền", hàng đi hàng về là biểu hiện cho một làng quê sầm uất.
Bên cạnh đó nghề buôn trâu bò rất phát triển. Quanh thị xã Sơn Tây chỉ có một chợ trâu bò (chợ này ở vị trí bến xe khách Sơn Tây hiện nay). Chợ họp mấy phiên trong tháng, trâu bò của cả vùng đều dắt về đây. Ai cần sức kéo hay thực phẩm đến chợ đều được thỏa nãm nhu cầu. Làng Phú Nhi, làng Mông Phụ mỗi phiên các "ông lái" đóng góp hàng trăm con…
Có lẽ chính lý do này lý giải cho việc, một làng không nhiều ruộng đất, dân không đông (thống kê năm 1925 – 1930 làng Phú Nhi có 700 suất đinh) mà các công trình tâm linh thật là to lớn. Xưa kia, các công trình công cộng của các làng quê, không nhiều công trình được nhà nước phong kiến cấp vốn xây dựng. Đa phần đều dựa vào sự đóng góp của dân làng một cách tự nguyện. Làng Bần (nghèo) Nhi xưa đã đổi thành Phú (giàu) Nhi là nhờ vào buôn bán và làng nghề mà hưng thịnh lên!
Năm 1915, người Pháp mở con đường từ làng Phù Sa ra quốc lộ 32 chia đôi làng Phú Nhi ra hai phần đông và tây. Trên còn đường này tôi đã bao lần phải khốn khổ vì thồ tương đi bỏ mối. Trơn trượt, gập ghềnh và lầy lội! Tôi nhớ đến mẹ, vết chân nào mẹ đã lưu dấu trên con đường vào các xóm lao động nhem nhuốc và nhếch nhác ấy. Vì sao làng Phú Nhi lại như hình ảnh làng Bần Nhi thuở nào…
Nguyên nhân là từ sau "hòa bình lập lại" (1954) nghề buôn bán lâm thổ sản không còn. Xóm Lò Nồi được đưa vào HTX, sản phẩm không cải tiến theo nhu cầu thị trường… Đến năm 1971, khu vực sản xuất gốm được đưa vào đầu làng, cùng với cuộc di dân xóm Đông Hậu, làm thành Khu dân cư Hồng Hậu hôm nay. Vào nơi sản xuất mới, các lò gốm sụt sùi "hào tắt, hào cháy" thêm vài năm nữa thì chết hẳn. Không còn xóm Hàng, xóm Lò Nồi… buôn bán và sản xuất không còn, hàng trăm lao động mất việc làm, lại không có ruộng đất đã làm nên một Phú Nhi nghèo khó.
Hôm nay, đến Phú Nhi vào một ngày mưa thu tầm tã. Không còn một con đường làng nào lầy lội. Tất cả đã được thảm bê-tông, xóm làng sạch sẽ, văn minh. Phú Nhi là khu dân cư "kiểu mẫu" thuộc phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây. Làng Phú Nhi xưa nay được chia thành 3 tổ dân phố thuộc phường Phú Thịnh. Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 9 – HĐND phường, năm 2019 ngân sách đầu tư cho việc nâng cấp đường giao thông tổ dân phố Phú Nhi 1, 2 là 728 triệu đồng… đường làng ngõ xóm đã được thảm bê-tông, nhà đã được đánh số, xóm đã được thay tên (cho tiện quản lý). Song, vẫn bùi ngùi nhớ đến những cái tên cũ: xóm Cá, xóm Hàng, xóm Lò Nồi, xóm Đoài… Tên xóm, tên làng một thời làm nên tên tuổi đất này.
Tôi đi vào làng, vào xóm nghề (đây là khu sản xuất tập trung mới quy hoạch). Nghề ở đây là nghề làm bún, làm bánh chưng, bánh tẻ… mới được phục hồi và phát triển. Đặc biệt là bánh tẻ. Bánh tẻ Phú Nhi đã có thương hiệu toàn quốc. Bánh về Hà Nội, bánh đi Sài Gòn. Bánh theo thương lái mang lại thương hiệu cho một làng nghề rộn rã... Năm 2010 Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã có quyết định số 24039/QĐ-SHTT công nhận sản phẩm thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi. Năm 2019, UBND thị xã Sơn Tây đã có một đề án Phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi trong 3 năm (2019 – 2021) với tổng kinh phí là hơn 8 tỉ đồng, đã chi 3.272.010.000đ cho năm 2019.
Đề án hỗ trợ cho các hộ sản xuất một số dụng cụ thiết yếu, mở các lớp tập huấn… Mục đính quan trọng của đề án là chuẩn hóa đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo chất lượng ATTP, nhận diện thương hiệu, xây dựng các điểm bán hàng, kết nối các tua tuyến du lịch trong khu vực như: Làng cổ Đường Lâm, Văn miếu Xứ Đoài, Làng nghề Phú Nhi, đền Và, Thành cổ Sơn Tây…
Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Tiềm năng của Phú Nhi rất tiềm tàng, cơ sở vật chất đã được đầu tư khang trang. Làng nghề sau nhiều năm phát triển đến nay đã có một đề án do UBND thị xã Sơn Tây xây dựng rất quy mô… Song, Phú Nhi cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là làng nghề bánh tẻ… Mặc dù bánh tẻ Phú Nhi đã có thương hiệu nhưng bản thân Phú Nhi không phải là một làng du lịch. Nếu có kết nối với các tua tuyến du lịch trong vùng thì phải tạo cho Phú Nhi một điểm nhấn. Chẳng hạn như đầu làng Phú Nhi nên có một cổng làng xây theo lối truyền thống để tạo ra sự bắt mắt cho khách khi đi ngoài quốc lộ 32 (từ quốc lộ 32 vào đến đầu làng chỉ hơn 100m). Xây dựng lại đình Dân, tổ chức lại lễ hội hàng năm như đã có trong lịch sử làng…
Bánh tẻ Phú Nhi có thương hiệu nhưng chưa thể cạnh tranh với bánh tẻ của Làng cổ Đường Lâm. Việc định giá thành phẩm (tạo dấu ấn riêng cho bánh tẻ) trong "Đề án phát triển làng nghề Phú Nhi" phải chăng là một bó buộc cho các hộ sản xuất trong cạnh tranh để có thị trường… Làng nghề phát triển không bền vững, sản phẩm sẽ bị mai một, người dân không có việc làm… Tạo ra thương hiệu đã khó, giữ gìn và phát huy được giá trị thương hiệu còn khó gấp bội lần! Đó là một thách thức đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Nhi…
Trong cái trù phú của một cộng đồng cư dân, tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đây bóng dáng của những "chân kiệu, chân cờ" xinh đẹp! Bàn tay khéo léo, đảm đang của những người con gái đang thoăn thoắt gói bánh gợi nhớ đến… ngày xưa… những thiếu nữ đầu vấn khăn nhung, bỏ tóc đuôi gà, thắt lưng hoa lý… Mãi mãi làm nên mùa xuân trên mảnh đất làng.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.