Nằm bên núi Phượng, sông Loan, làng biển Cảnh Dương như một chiếc thuyền neo bình yên bên bờ biển biếc. Một trong tám bát danh hương của Quảng Bình, Cảnh Dương còn biết đến là Làng chiến đấu kiểu mẫu, một vùng đất rực rỡ chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Lịch sử khai canh lập ấp của Cảnh Dương bắt đầu từ Cồn Dưa, Lòi Mắm. Sách Làng biển Cảnh Dương của Sơn Hà Nguyễn Viễn viết: "Năm Quý Mùi (1643) Phúc Thái nguyên niên, ngày 19 tháng 11 mùa đông các cụ Nguyễn Văn An, Đỗ Phú Thanh, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Lẫm, Phạm Văn Hữu, Phạm Văn Sảo vào châu Bố Chính, ngụ tại Cồn Dưa xã Thuần Thần, lúc đó 6 người kết làm anh em...
Làng Cảnh Dương bên dòng sông Loan.
Mùa xuân năm Ất Mùi (1655) các cụ Nguyễn An, Đỗ Phú Thanh... dẫn dân đến xứ Lòi Mắm. Lúc này dân mới đến 20 hộ từ đó mà đông lên". Tháng 4 năm Mậu Tuất (1658) các vị tiền khẩn họp lại đặt tên làng là Cảnh Dương. Có lẽ rất ít làng xã khi mới khai canh đã bắt tay vào lập khoán lệ, hương ước xây dựng quê hương từ tháng 3 năm Kỷ Hợi (1659).
Dân làng Cảnh Dương chủ yếu sống nhờ nghề chài lưới trên sông biển, chế biến và buôn bán các loại hải sản nhưng các vị tiên chỉ của làng ý thức được việc học của con cháu nên trong các hương phả luôn đề cao việc giáo dục, đào tạo nhân tài, có chế độ khuyến khích người đỗ đạt. Khoán lệ của làng nghi rõ: "Chính sự phong hóa càng phải rộng mở mới tận thiện, tận mỹ. Phàm làm việc gì nhất thiết phải nói lời công minh, không được suy bì riêng tư, không được cường hào mà phóng túng"... "Khoa mục là con đường của sĩ tử, ai đi thi hội văn hay trúng đệ nhất danh làng thưởng 100 quan; đệ nhị danh làng thưởng 50 quan".
Có lẽ, Cảnh Dương là một trong rất ít nơi có Văn Miếu, có bia Khoa Bảng, có Hội Văn như một Tao Đàn ở chốn làng quê. Nhờ khuyến học, khuyến tài mà trong các kỳ thi dưới triều Nguyễn từ Minh Mạng về sau làng Cảnh Dương có đến hơn 100 người đậu từ tú tài đến tiến sĩ.
Nổi bật trong số đó có Phạm Chân sinh năm Giáp Tý (1804), năm Đinh Dậu (1837) đậu cử nhân, năm Mậu Tuất (1838) đậu Tiến sĩ. Phạm Chân được cử giữ chức Án Sát tỉnh Thanh Hóa, Án sát tỉnh Lạng Sơn, có công dẹp bọn giặc phỉ phương Bắc. Khi giặc Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, Phạm Chân đã chiến đấu ngoan cường bảo vệ thành Biên Hòa - Gia Định. Khi thất thủ, không cam chịu rơi vào tay giặc, ông tuẫn tiết giữ tấm lòng trung, được triều đình nhà Nguyễn đưa vào thờ ở Trung Nghĩa đường.
Sau Phạm Chân có Nguyễn Phùng Dực đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Dậu (1849), nổi tiếng là người tài hoa, cụ Dực chuyên tâm cho ngành giáo dục, mở trường lớp mong đào tạo được nhiều người đức tài cho quê hương, xứ sở.
Sống trong thời đại của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, ngay từ khi khai canh dân làng Cảnh Dương đã chịu nhiều cơ cực của nạn đao binh. Cảnh Dương được coi là dân Kiến Nghĩa, Đạo dẫn đường dưới triều Lê Trịnh, họ đã phải sung lính, vận chuyển lương thực, dẫn đường vượt biển trong các cuộc chiến ở thế kỷ XVII.
Khi người anh hùng áo vải Tây Sơn ra Bắc, người Cảnh Dương đã góp nhiều công sức cho cuộc hành quân tiến về Thăng Long tiêu diệt tập đoàn phong kiến họ Trịnh, thống nhất giang sơn. Nhân dân Cảnh Dương đã gửi tấm lòng mình với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong việc đúc chiếc chuông đồng "Hồng chung cảnh viện" vào năm Cảnh Thịnh thứ 9(1801): "Ngôi vua vững bền/ Đạo vua xưng thịnh/ Nhật nhật tăng huy/ Pháp luân thường chuyển/ Thiên hạ thái bình/ Nạn tai tiêu diệt".
Cách mạng Tháng Tám thành công, Cảnh Dương có những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Cảnh Dương là Làng chiến đấu kiểu mẫu đánh lui nhiều đợt tấn công của quân địch tạo điều kiện mở rộng chiến tranh du kích ở vùng Bắc Quảng Bình.
Không chỉ có vậy, Cảnh Dương còn tích cực chi viện cho các chiến trường trong cả nước. Hàng trăm người con Cảnh Dương với hàng chục chiếc thuyền đã vận chuyển lương thực, vũ khí từ Thanh Nghệ Tĩnh vào Bình Trị Thiên, chiến trường Liên khu 5. Trong kháng chiến chống Mỹ cứ nước, vừa sản xuất vừa chiến đấu, Cảnh Dương còn tổ chức đội thuyền vận chuyển vũ khí vào Quân khu Trị Thiên. Bản anh hùng ca của vùng đất Cảnh dương đã góp phần viết nên trang sử hào hùng của quê hương, đất nước.
Đến Cảnh Dương, nghe câu chuyện cổ về Mắm Hàm Hương mà lòng cứ nhớ thương. Chuyện kể rằng,vào đời Hậu Lê, Triều đình sức cho dân làng Cảnh Dương mỗi năm phải dâng tiến vua hai trăm chỉnh mắm Hàm Hương, loại mắm đặc biệt được làm bằng một loại cá nhỏ, quý hiếm ở cửa sôn Roòn gọi là cá Hàm Hương. Loại cá này chỉ lớn bằng cái vảy cau, có màu hồng trong suốt, hàng năm chỉ xuất hiện trên vùng biển này dăm ba tháng. Đánh bắt được cá Hàm Hương đã khó, việc chế biến thành mắm cũng khá công phu, phức tạp, chỉ các bà, các chị có tay nghề thành thạo mới chế biến được thứ mắm vừa thơm lại vừa ngon, không nơi nào có được.
Từ ngày mắm phải tiến cung, dân Cảnh Dương phải chịu nhiều khổ cực trăm bề. Đến mùa cá Hàm Hương xuất hiện là cả làng lo bám biển đêm, năm nào cá về nhiều thì còn đủ, năm nào mất mùa dân làng ăn không ngon ngủ không yên. Được cá rồi lại lo làm mắm và phải còn sắm sửa thuyền ghe, lo tiền gạo cho người chở mắm vượt biển ra cung tiến ở tận Thăng Long. Năm nào mất mùa, không đủ số chỉnh mắm triều đình quy định thì quan huyện, quan tổng cho lính về bắt bớ, giam cầm, đánh đập trai tráng, người già trong làng. Tiếng khóc than, giận hờn ran dậy cả xóm làng.
Cổng làng Cảnh Dương hôm nay.
Hồi đó, trong làng có ông Đỗ Đức Huy mới đậu Cống sinh. Thấy tình cảnh dân tình khốn khổ về nạn cống mắm Hàm Hương bèn nghĩ cách cứu dân làng khỏi vấn nạn thường niên.
Một mình lặn lội ra tận Thăng Long cải trang làm người người đầy tớ đi ở cho một viên quan có thế lực trong triều. Vốn là người thông minh, tháo vát lại cần cù, chịu thương chịu khó, việc gì cũng lo tròn làm nên ông chủ rất hài lòng. Ông trở thành người quán xuyến công việc, được viên quan tin cậy giao cho nhiều việc kể cả việc soạn thảo tấu trình. Một hôm, nhân lúc quan lớn vui vẻ ông lựa lời thưa bẩm:
- Bẩm quan lớn, con hầu hạ cụ cũng đã lâu, nay trong nhà có việc xin cụ lớn cho con về dăm bữa nửa tháng. Trước khi về xin cụ giúp cho một việc, nếu được dân làng con muôn lần đội ơn... Nói đến đây, ông ngập ngừng.
- Con cứ nói tiếp đi... Có việc gì cần ta sẽ giúp.- Viên quan giục ông nói tiếp.
Nghe vị quan lớn động viên như cởi tấm lòng, ông Cống Huy kể lại cho chủ nghe nổi cực khổ của dân làng Cảnh Dương trong việc cống tiến mắm Hàm Hương. Rồi ông nói về thân phận của mình cũng như việc ông ra kinh thành là nhằm tìm cách xin triều đình miễn giảm việc cống tiến mắm Hàm Hương cho dân làng.
Nghe xong vị quan lớn cảm động về tấm lòng của ông cống Huy đối với làng xóm vội bảo làm tờ biểu để ông tâu lên Hoàng thượng. Nhận được tấu trình, được viên quan trình bày thêm, vua chấp thuận bãi bỏ lệ cống mắm Hàm Hương hàng năm cho làng biển Cảnh Dương.
Từ đó, mỗi lần được mùa cá dân làng lại làm mắm Hàm Hương nhưng không phải lo nộp cống chỉ cung tiến vua một vài chỉnh mắm ngon gọi là tấm lòng của dân làng còn lại đem đi bán trong nam ngoài bắc, đời sống của dân làng vì vậy mà khấm khá hơn. Bởi vậy, dân làng Cảnh Dương thường nói: Ăn mắm Hàm Hương, nhớ thương ông Cống
Đến với Cảnh Dương giàu đẹp hôm nay, người ta không quên một thuở Cồn
Dưa, Lòi mắm và câu chuyện mang hương vị của mắm Hàm Hương như nhắc đến
một nhân cách, một tấm lòng của người Cảnh Dương trong những ngày gian
khó.
Báo Quảng Bình (Theo Báo Quảng Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.