Mầm tai họa từ vũ khí trôi nổi

Lương Duy Cường Thứ hai, ngày 07/12/2020 12:15 PM (GMT+7)
Rõ ràng đang có sự buông lỏng quản lý vũ khí, không chỉ vũ khí thô sơ, súng săn mà cả vũ khí quân dụng. Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ tàng trữ, sử dụng vũ khí gây hậu quả nghiêm trọng.
Bình luận 0

Đang phải vất vả vì bão, lũ vừa tan chưa được bao ngày thì huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) lại có người chết vì bị bắn. 2 vụ nổ súng cùng xảy ra trong đêm 26/11/2020, một vụ tại thôn Dương Thạnh (xã Trà Dương) và một khác ở thị trấn Trà My, vị trí chỉ cách nhau khoảng 400m.

Trong vụ xảy ra ở thôn Dương Thạnh, nạn nhân là ông Nguyễn Thành Tại bị thủ phạm xông vào nhà, bắn thẳng vào ngực khi đang cùng vợ xem tivi. Chỉ sau đó vài chục phút, súng lại nổ ở một gia đình khác của thị trấn Trà My làm 2 người bị thương nặng, một cháu nhỏ bị thương nhẹ (các nạn nhân là người trong một gia đình). 

Công an tỉnh Quảng Nam bước đầu xác định Đỗ Xuân Hải (ngụ thôn Dương Thạch) là nghi phạm gây ra vụ nổ súng khiến ông Tại tử vong. Khả năng cũng chính Hải, sau khi bắn ông Tại thì tiếp tục gây án ở thị trấn Trà My.

Nghi can chỉ có 1, nhưng cơ quan chức năng đã thu giữ 2 khẩu súng kíp tại 2 nơi xảy ra các vụ nổ súng. Nghi can tàng trữ 2 khẩu súng này suốt trong thời gian dài để phục vụ việc săn bắn thú rừng, hẳn là nhiều người biết.

Hồi tháng 8/2020 cũng xảy ra một vụ đau lòng ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đêm 24/8, nạn chân là ông Lầu Bá Xồng - giáo viên Trường Tiểu học Mường Lống, xã Mường Lống, cùng bạn là ông Lầu Bá Giờ - giáo viên Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 rủ nhau lên rừng săn thú. Ông Lầu Bá Giờ thừa nhận trong quá trình đi săn đã bắn nhầm ông Lầu Bá Xồng. Ông Xồng và ông Giờ đã tàng trữ súng săn và đây không phải là lần đầu, cũng hẵn là nhiều người biết

Sáng 1/10/2020, Công an huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), phải tạm giữ Hồ Văn Nhưng (ngụ xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) để điều tra hành vi ngộ sát. Nhưng khai sáng 30/9 mang súng bắn đạn ria vào rừng săn khỉ. Trên đường đi, Nhưng gặp Hồ Văn Minh người cùng xã. Minh xin đi theo để chỉ cho Nhưng vị trí bầy khỉ trú ngụ. Trên đường đi, Nhưng trượt chân ngã, súng cướp cò khiến Minh trúng 13 phát đạn, tử vong tại chỗ. 

Trong những năm qua, các vụ tương tụ như trên không chỉ xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, mà còn ở nhiều địa phương khác nữa. Theo Điều 3, Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì súng săn (là súng dùng để săn bắn gồm súng kíp, súng hơi, các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự" là một trong những loại vũ khí.

Nghị định 25/2012/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Chính phủ ban hành) cũng có điều khoản nghiêm cấm hành vi sử dụng vũ khí không đúng quy định.

Như vậy, hành vi tàng trữ súng như các trường hợp nêu trên là vi phạm pháp luật, chưa kể hành vi săn bắn thú rừng hoang dã và việc bắn chết người. Nhưng hành vi vi  phạm pháp luật ấy đã không bị phát hiện. Cụ thể là các đối tượng không thuộc diện được tàng trữ vũ khí nhưng vẫn tàng trữ, dù mạng lưới kiểm soát của chính quyền lâu nay vẫn được khẳng định là đã bao phủ hết tận các thôn xóm, làng bản.

Vũ khí được tàng trữ, được sử dụng không chỉ là các loại thô sơ như "dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ" hoặc các loại súng săn, mà còn là cả vũ khí quân dụng.

Đối tượng tàng trữ cũng không chỉ có tội phạm hay dân xã hội đen mà còn có cả công chức có hiểu biết pháp luật tối thiểu như trường hợp 2 giáo viên nêu trên ở Nghệ An. Thậm chí như trong vụ án bán đất công sản cho Vũ "nhôm", gây thất thoát tài sản nhà nước xảy ra tại Đà Nẵng, cơ quan công an còn phát hiện, thu giữ 5 khẩu súng, 18 viên đạn tại nơi ở của nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh. Trong 5 khẩu súng này có 3 khẩu và 18 viên đạn thuộc danh mục công cụ hỗ trợ, 2 khẩu là đồ chơi nguy hiểm bị cấm. 

"Súng ở đâu nhiều thế" là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trước các vụ việc tàng trữ trái phép hoặc sử dụng vũ khí để gây án trong thời gian qua. Ngoài các vụ làm mất vũ khí do sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng; ngoài tình trạng buôn bán trái phép vũ khí qua biên giới… thì trong rất nhiều vụ tàng trữ và sử dụng súng trái phép bị lực lượng công an khám phá trong thời gian gian qua, các đối tượng khai là mua súng qua mạng.

Báo chí đã có rất nhiều tác phẩm điều tra, cho thấy việc buôn bán các loại súng săn (PCP), súng bắn đạn bi (súng Airsoft hay súng hơi hạng nhẹ) diễn ra từ nhiều năm nay. Trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hội nhóm, kênh video giới thiệu, rao bán các loại súng mới, nhái (tỷ lệ 1:1) theo các loại súng thật do nước ngoài sản xuất. Hồ Văn Nhưng - đối tượng gây án trong vụ án xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi kể trên, cũng khai với cơ quan chức năng là mua súng ở trên mạng.

Nhưng dù thị trường mua bán vũ khí nói chung, súng nói riêng, có phức tạp đến đâu thì cũng khó để thoát khỏi tai mắt quần chúng.

Còn nhớ dạo sau 1975, súng có rất nhiều trong dân, nhưng nhờ chủ trương vận động quần chúng phát hiện và tự giác giao nộp vũ khí, cộng với sự quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, việc tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí đã được làm tốt, góp phần giữ vững trật tự an ninh xã hội.

Bây giờ vì sao lại có nhiều vụ sử dụng trái phép vũ khí? Đó chính là do việc quản lý, kiểm soát đã có sự lơi lỏng. Mấu chốt vấn đề nằm ở đây. Vậy thì, ngoài việc chính quyền và cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, rất cần có những cuộc vận động quần chúng từ tất cả các tổ chức, hội đoàn… Vận động trong phát hiện, vận động trong việc nói KHÔNG với tàng trữ vũ khí.

Chỉ có huy động tổng lực vào cuộc thì mới loại trừ được mầm tai hoạ đang tiềm ẩn từ các nguồn vũ khí trôi nổi hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem